Trong chuyến làm việc gần đây tại Nam Định, Bộ trưởng LĐ-TB-XH Đào Ngọc Dung bày tỏ sự day dứt khi "cả nước vẫn còn khoảng 200.000 liệt sĩ chưa tìm thấy hài cốt, trên 300.000 liệt sĩ chưa xác định được danh tính”.

Ông nói, đây là nỗi trăn trở của lãnh đạo Đảng, Nhà nước và thân nhân các gia đình liệt sĩ…

Ngân hàng ADN

Tôi cho rằng việc lập "Ngân hàng ADN liệt sĩ chưa xác định được danh tính" càng nhanh sẽ càng có lợi.

Từ đó, những người thân của liệt sĩ sẽ tự xét nghiệm rồi tra cứu để sớm tìm ra người thân của họ nhanh và hiệu quả hơn sau chặng đường dài 3/4 thế kỷ. Chúng ta lấy ngày 27/7 hàng năm làm ngày để tri ân các thương binh, liệt sĩ, nhưng món nợ to lớn kia vẫn còn đó, chưa trả hết...

Tôi được biết, Đề án xác định danh tính liệt sĩ còn thiếu thông tin được Thủ tướng phê duyệt từ năm 2013, trong đó có việc xây dựng ngân hàng mẫu gen của liệt sĩ và thân nhân. 

Từ giữa năm 2021, bà Nguyễn Kim Oanh, Phó trưởng Phòng Hồ sơ - Thông tin liệt sĩ, Cục Người có công, Bộ LĐ-TB-XH cũng cho biết, Cục đã liên tục lấy mẫu và vừa qua đã có kết quả giám định ADN mẫu sinh phẩm tại 20 nghĩa trang liệt sĩ.

Đội tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ 584, Bộ chỉ huy Quân sự tỉnh Quảng Trị cất bốc hài cốt liệt sĩ ở nông trường Dốc Miếu, huyện Gio Linh. Ảnh: Nhân Dân

Hiện cả nước có tới gần 3.000 nghĩa trang liệt sĩ lớn nhỏ. Vì thế, chắc chắn còn phải mất rất nhiều thời gian, công sức và nguồn lực tài chính thì mới hoàn thành việc giám định ADN.

Tại các trung tâm xét nghiệm ADN, giá xét nghiệm một mẫu ADN hiện nay cho hài cốt liệt sĩ được tính là 3,5 triệu đồng. Nếu cộng cả với 1 mẫu người thân còn sống thì tổng số tiền là khoảng 7 triệu.

Như vậy, nếu được phép triển khai chương trình lớn đầy ý nghĩa này, chúng ta phải bỏ ra 1.050 tỷ đồng để xét nghiệm 300.000 hài cốt. Nếu cộng thêm từng đó người thân của liệt sĩ thì là trên 2.100 tỷ và cộng thêm khoản lớn kinh phí cho công tác mở huyệt mộ để lấy sinh phẩm đi xét nghiệm. Một con số ngân sách có thể chịu được…

Đó là chưa nói các khoản này Nhà nước và các tổ chức xã hội có thể vận động từ nhà tài trợ có tấm lòng với người đã hy sinh cũng như chính những gia đình có điều kiện có thể tự nguyện bỏ tiền làm xét nghiệm.

Song có một điều hệ trọng cần làm thật khẩn trương, đó chính là chất lượng hài cốt của các liệt sĩ đã nằm xuống chưa được xác định danh tính còn bao nhiêu phần trăm và thậm chí không cho ra kết quả. Càng nhiều năm, độ chính xác giúp kết quả xác minh thành công càng trở nên khó khăn. Đồng thời, những người thân ruột thịt của các liệt sĩ cũng đi xa dần.

TS Nguyễn Đức Nhự, Viện trưởng Viện Pháp y quốc gia cho biết: “Việc xét nghiệm ADN hiện nay, chúng ta đã có đề án 150/QĐ/TTG. Bộ LĐ-TB-XH làm đơn vị chủ trì, phối hợp với các đơn vị giám định và đã triển khai nhiều năm nay. Họ cũng đang lập ngân hàng dữ liệu. Việc tra cứu so sánh đối chiếu phải là người có chuyên môn mới làm được. Nhìn chung, xương người nếu qua hơn 40 năm bây giờ cũng mục nát nhiều, tỷ lệ xét nghiệm thành công chưa đến 50%”.

Chúng ta nên hiểu rằng, xét nghiệm ADN huyết thống là phương pháp kiểm tra mối quan hệ huyết thống chính xác nhất hiện nay. Vậy khi các mối quan hệ huyết thống ngày một mất đi thì sẽ rất khó khăn.

Vô tình thành người không tên

Tôi có một người chú họ tên là Trương Mộng Ly, kỹ sư, cấp bậc binh nhì khi nhập ngũ vào tháng 9/1971. Đây là giai đoạn hết sức đặc biệt của cuộc chiến. Chúng ta đã huy động một lực lượng lớn trí thức trẻ vào chiến trường.

Năm 1963, chú tôi vào học ĐH Bách khoa (Hà Nội). Năm 1968, ông tốt nghiệp, về làm thư ký giám đốc nhà máy Cơ khí Quang Trung.

Tháng 9/1971, ông nhập ngũ vào đơn vị có bí danh Đ.808, sau đó được biên chế về một đơn vị vận hành đường ống xăng dầu cho chiến trường Quảng Trị.

Ông hy sinh trong lần đi kiểm tra đường ống vào đúng ngày 27/7 cách đây tròn 50 năm và được chôn cất tại địa phương. Sau này, xã đã quy tập về nghĩa trang xã Cam Tuyền, huyện Cam Lộ, Quảng trị.

Xác minh danh tính liệt sĩ: Ngân hàng ADN và hành trình không ngừng nghỉXác minh danh tính liệt sĩ: Ngân hàng ADN và hành trình không ngừng nghỉXem ngay

Việc gia đình tìm đưa ông về quê hương Hành Thiện, Nam Định để qui tập cùng bố mẹ, ông bà tổ tiên là một kỳ công đến độ khó tin.

Sau nhiều năm gia đình đi tìm mộ bất thành, Cục Xăng dầu, Tổng cục Hậu cần có nhờ Cục Chính sách, Tổng cục Chính trị hỗ trợ thông tin và đã lần ra nơi chôn cất của 6 liệt sĩ cùng hy sinh lần đó tại nghĩa trang xã trên.

Những tưởng từ đây sẽ mồ yên mả đẹp. Nào ngờ gia đình ông Mộng Ly đến nơi thì được biết, trong quá trình quy tập hài cốt từ nơi đánh dấu trong hồ sơ cho đến khi đưa về nghĩa trang xã trước đây, trong một trận mưa lốc bất ngờ, tất cả mảnh giấy ghi tên mỗi người được dán trên từng chiếc tiểu sành của 6 liệt sĩ đã bay mất.

Nằm tại nghĩa trang tuy khang trang nhưng 6 liệt sĩ đã không còn tên tuổi và bỗng chốc họ trở thành liệt sĩ chưa biết tên một cách ngậm ngùi. Gia đình chú tôi đã phải đi lại nhiều lần, đơn vị quản lý nghĩa trang hẹn chờ khi có dịp nâng cấp nghĩa trang, họ sẽ tạo điều kiện cho gia đình lấy mẫu để xét nghiệm ADN.

Và rồi danh tính của các liệt sĩ nói trên đã trở về thực sự với người thân yêu của họ. Cũng may là các cụ thân sinh của ông Mộng Ly đều còn minh mẫn trước cái ngày gia đình xác tín được nấm mộ con trai mình nằm ở đâu trước khi thêm một lần xin phép được đưa di cốt về với các bậc tiên tổ sau gần 40 năm thất lạc... 

GS.TS Trương Việt Dũng, nguyên Vụ trưởng Vụ Khoa học và đào tạo, Bộ Y tế, em trai của liệt sỹ Trương Mộng Ly chia sẻ: "Khi lấy mẫu, gia đình phải xét nghiệm mở rộng chứ cũng đâu được biết 6 liệt sỹ ở mộ vô danh nào. Vì thế, gia đình đã phải lấy đến 25 mẫu mang về Viện Khoa học Việt Nam nhờ lưu giữ, hy vọng có nhiều người biết sẽ tìm đến".

Câu chuyện nói trên cho thấy công tác quy tập mộ liệt sĩ rất cần sự cẩn thận và chu đáo. Chỉ một sai sót nhỏ trong quá trình tìm kiếm và chuyển dịch di cốt cũng sẽ khiến người thân của họ có thể đau lòng thêm một lần nữa.

Tri ân các vị anh hùng, liệt sĩ đã ngã xuống trong hơn 3/4 thế kỷ qua là trách nhiệm, nghĩa vụ thiêng liêng và bổn phận của chúng ta hôm nay.

Một thời chảo lửa túi bom, nay dựng đền thờ chung, làm giỗ tập thểĐến Quảng Trị trong cái nắng cháy da cháy thịt, sự khốc liệt của chiến tranh đã ngấm sâu vào lòng đất thiêng, hiện hình qua từng nhành cây, ngọn cỏ, qua tấm bia chứng tích hay ghi danh liệt sĩ.