Vụ máy bay Nga rơi ở Ai Cập, khủng bố tại Paris đã buộc lãnh đạo Nga, Mỹ phải đối mặt thảo luận về vấn đề Syria và biện pháp chống IS.
Bên lề Hội nghị thượng đỉnh G-20 tại Thổ Nhĩ Kỳ hôm 16/11, Tổng thống Mỹ Barack Obama và Tổng thống Nga Vladimir Putin đã khiến giới quan sát bất ngờ, khi hai ông có cuộc thảo luận trực tiếp và riêng tư, kéo dài 40 phút.
Nội dung thảo luận giữa hai nhà lãnh đạo, tất nhiên không ngoài các vấn đề nóng bỏng nhất hiện nay là khủng bố, tương lai của Syria, Ukraina, đặc biệt là vụ tấn công liên hoàn đẫm máu tại Paris hôm 13/11 và vụ máy bay Nga gặp nạn tại Ai Cập hôm 30/10.
Reuters cho hay, hai nhà lãnh đạo nhất trí cần phải có các cuộc đối thoại hòa bình do Liên Hợp Quốc làm trung gian giữa chính quyền của Tổng thống Syria Bashar al-Assad và các phe nhóm đối lập, cần phải có một thỏa thuận ngừng bắn và một "sự chuyển giao chính trị do chính người Syria làm chủ và dẫn dắt".
Nga và Mỹ đều có quan hệ và lợi ích chằng chéo, phức tạp, trực tiếp hoặc gián tiếp tại Syria. Dù vấn đề Ukraina khiến quan hệ đôi bên căng thẳng gần như ở mức nghiêm trọng nhất sau Chiến tranh Lạnh nhưng dường như cuộc chiến chống IS lại khiến Moscow và Washington cần tới nhau nhiều hơn.
Lý do quan trọng (tế nhị nhưng không kém phần rõ ràng) là vì đôi bên không muốn xảy ra đụng độ trực tiếp. Kremlin và Nhà Trắng hậu thuẫn cho hai lực lượng đối lập nhau tại Syria – là chính quyền Tổng thống Assad và phe nổi dậy.
Động thái mới đây nhất mà lãnh đạo hai nước đều hướng tới, đó là khả năng triển khai quân trên bộ tại Syria, nhằm diệt tận gốc ‘Vương quốc Hồi giáo’ mà IS muốn lập nên. Thực chất, các chuyên gia quân sự cho rằng, muốn diệt tận gốc IS, chỉ có cách là phải sử dụng quân trên bộ.
Những cuộc không kích của Mỹ và liên quân, thậm chí của Nga về sau này – dù có được truyền thông ca ngợi hết lời – vẫn không hề hấn gì tới IS. Giới quan sát phải thừa nhận rằng, bất chấp các cuộc oanh tạc, IS vẫn mở rộng vùng ảnh hưởng sang tới Ai Cập, Libya, Yemen.
Mới đây, Nga và Mỹ đã có tập trận chung trên không, nhằm tránh các tai nạn bất ngờ xảy ra khi không quân của họ cùng tác chiến trên bầu trời Syria. Nhiều nhà phân tích cho rằng, IS càng lan tỏa ảnh hưởng thì càng nhiều cơ hội cho Nga và Mỹ hợp tác, thậm chí có thể liên minh với nhau.
Omar Lamrani – nhà phân tích quân sự tại Stratfor- cho biết, Nga và Mỹ đang bị thúc đẩy xích lại gần nhau, khiến đôi bên sẽ phải vượt qua các mâu thuẫn để đối phó với mối đe dọa chung.
“Nga đang tìm cách đối thoại chiến lược với Mỹ, để loại bỏ các lệnh trừng phạt mà Washington áp đặt và dần bình thường hóa tình hình (bao gồm cả vấn đề Nga sáp nhập Crưm)”, hãng tin CNBC dẫn lời ông Lamrani bình luận.
“Do đó, Moscow sẽ thúc đẩy hợp tác với Mỹ để chống IS, nhưng theo cách của họ. Mỹ sẽ miễn cưỡng để trao cho Nga sự công nhận toàn diện đó, nhưng sẽ sẵn lòng làm việc với Nga về những vấn đề cụ thể, chẳng hạn như chiến đấu chống IS”.
Còn từ phía Mỹ, việc ‘bắt tay’ với Nga vào lúc này có lợi ở chỗ, ông Obama có nói tới khả năng triển khai quân trên bộ, nhưng cũng nói thêm là với lực lượng không quá nhiều. Một phần là bởi Mỹ đã quá mệt mỏi với các cuộc chiến ở Trung Đông.
“Cơ hội hợp tác giữa Nga và Mỹ ngày càng tăng, khi mà Moscow có thể tham chiến trực tiếp còn Washington không thật sự sẵn lòng” – Donald Jensen, nhà nghiên cứu cao cấp tại Trung tâm Quan hệ xuyên Đại Tây Dương, nhận định.
“Dù còn chia rẽ trong cách ứng xử với Nga nhưng chính quyền Obama có vẻ như hoan nghênh Nga tham gia (chiến dịch) trên bộ và vào tiến trình hòa bình. Trong vài tháng qua, Mỹ đã nới lỏng quan điểm về việc (Tổng thống Syria) Bashar al-Assad ra đi và để Nga tham gia đối thoại”, ông Jensen nói.
Tuy nhiên, hãng tin DW lại cho rằng, liên minh quân sự Nga – Mỹ trên mặt trận chống IS không thể sớm thành lập là bởi lợi ích hàng đầu của Mỹ và Nga trong khu vực rất khác nhau. Nga muốn duy trì chính quyền Assad, và xa hơn nữa là mở rộng ảnh hưởng ở Trung Đông với việc lập liên minh với các nhà nước hoặc lực lượng Hồi giáo dòng Shiite (Iran, Iraq, Syria, và Hezbollah).
Trong khi đó, lợi ích của Mỹ ở Trung Đông đang được xem xét lại, nhất là khi mà các đồng minh như Iraq và Ảrập Xê-út đang tham gia với Iran nhiều hơn. Điều quan trọng hơn cả, là việc Washington đã đặt chiến lược xoay trục sang châu Á – Thái Bình Dương.
Thế nên, khả năng Moscow và Washington bắt tay nhau để liên minh chống IS, theo hãng tin DW, vẫn còn là một kịch bản xa vời trong bối cảnh hiện nay.
Lê Thu