Các công ty Hàn Quốc lưu trữ máy móc đã qua sử dụng trong kho thay vì đưa chúng ra thị trường thứ cấp, ba nhà kinh doanh công cụ sản xuất chip cũ nói với Financial Times. Theo nguồn tin của tờ báo, các công ty Hàn Quốc cất máy trong kho thay vì đưa lên thị trường thứ cấp. Một nguồn tin thân cận tiết lộ họ lo ngại thiết bị rơi vào tay người xấu và gây ra vấn đề trong quan hệ với Chính phủ Mỹ.

Các nhà sản xuất chip bắt đầu tích trữ máy móc cũ vào năm 2022, sau khi Washington áp đặt các biện pháp kiểm soát xuất khẩu ngăn Trung Quốc tiếp cận chất bán dẫn và thiết bị sản xuất chip tiên tiến. Một số người mua Trung Quốc sau đó còn bán lại công cụ cho Nga.

kkbxtk6r.png
Samsung và SK Hynix là những nguồn cung thiết bị sản xuất chip đã qua sử dụng lớn. Ảnh: Reuters

Mỹ đang kêu gọi các đồng minh ở châu Âu và châu Á siết chặt hạn chế xuất khẩu. Năm ngoái, Huawei gây bất ngờ khi ra mắt chip tiên tiến do SMIC sản xuất, sử dụng trong smartphone 5G mới. Cả Huawei và SMIC đều nằm trong danh sách đen thương mại của Mỹ.

Samsung và SK Hynix là những nguồn cung cấp thiết bị cũ lớn do liên tục thay mới công cụ để chuyển từ thế hệ chip này sang thế hệ chip sau. Họ thường đóng thiết bị đã qua sử dụng thành các gói trước khi bán cho các đại lý để đem ra bán đấu giá. Nhu cầu lớn nhất xuất phát từ Trung Quốc, nơi hầu hết các hãng chip tập trung vào sản xuất các thế hệ chip cũ hơn dùng trong các ô tô và thiết bị khác.

Máy móc cũ có thể được tân trang và lắp đặt lại tại các nhà máy của Trung Quốc, thường là để sản xuất các chip kém tiên tiến hơn không nằm trong sự kiểm soát của Mỹ, theo một người bán thiết bị đã qua sử dụng tại Nhật Bản. Tuy nhiên, người này tiết lộ ngay cả những cỗ máy cũ 10 năm tuổi, như thiết bị in thạch bản chuyên "in" bóng bán dẫn trên chip logic và bộ nhớ, cũng có thể được triển khai để chế tạo chip tiên tiến sau khi chúng được sửa chữa.

Chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden đã tích cực kiểm soát các vi phạm kiểm soát xuất khẩu của Mỹ đối với Trung Quốc và các lệnh trừng phạt đối với Nga.

Theo một nguồn tin của Financial Times, SK Hynix gần đây đã bắt đầu bán một số máy sau khi hết kho lưu trữ. Công ty vẫn đang hạn chế bán thiết bị do Mỹ sản xuất, từ máy mài wafer đến máy khắc.

Gregory Allen, Giám đốc Trung tâm AI và Công nghệ tiên tiến Wadhwani, nhận xét: "Hàn Quốc biết rằng các thiết bị từ Samsung hoặc SK Hynix rơi vào các nhà máy Trung Quốc bị trừng phạt như SMIC hoặc YMTC sẽ không tốt cho mối quan hệ giữa Mỹ và Hàn Quốc”.

Samsung và SK vận hành các nhà máy chip nhớ của riêng họ ở Trung Quốc, chiếm khoảng một nửa công suất sản xuất của họ. Cả hai đều đã được chính quyền ông Biden miễn trừ vô thời hạn, cho phép gửi các công cụ sản xuất chip của Mỹ đến Trung Quốc để duy trì và nâng cấp các cơ sở ở đây.

Ngoài ra, họ cũng giữ lại thiết bị đã qua sử dụng vì lo ngại có thể cần chúng nếu Washington thắt chặt kiểm soát xuất khẩu hơn nữa, buộc họ phải sử dụng các công cụ kém phức tạp hơn.

Một quản lý cấp cao tại một nhà máy SK Hynix ở Trung Quốc tiết lộ họ "nhận thức rõ việc Mỹ có thể rút lại giấy phép vận chuyển thiết bị đến Trung Quốc", do đó, họ không muốn bán hết hàng cũ.

"Họ có thể lựa chọn giữa bán, tích trữ hoặc làm phế liệu", người quản lý nói. "Nhưng chúng ta đang nói về hàng trăm, nếu không muốn nói là hàng nghìn máy móc trị giá hàng triệu USD, vì vậy, tại thời điểm này họ chọn tích trữ”.