Tên lửa đạn đạo siêu vượt âm Oreshnik mới của Nga có tốc độ bay 2,5 - 3km/giây tức gấp 10 lần tốc độ âm thanh, và có tầm bắn lên tới 5.500km.

Trong quá trình triển khai chiến đấu thử nghiệm nhằm vào cơ sở công nghiệp quân sự ở thành phố Dnipro của Ukraine hôm 21/11, tên lửa Oreshnik được cho là đã di chuyển hơn 1.000km từ vùng Astrakhan của Nga đến Dnipro của Ukraine. 

nato nga Oreshnik.jpg
Máy bay Mỹ cất cánh từ căn cứ không quân Ramstein tại Đức. Ảnh: EPA-EFE

Tổng thống Vladimir Putin cũng cảnh báo tên lửa Oreshnik có thể được sử dụng để tấn công bất kỳ đồng minh nào cho phép Ukraine dùng tên lửa tầm xa được viện trợ để tập kích Nga.

Theo hãng tin Sputnik, loạt căn cứ quân sự chủ chốt của NATO ở châu Âu đang nằm trong tầm bắn của tên lửa tối tân do Nga sản xuất. 

Tại khu vực Đông Âu có các căn cứ quân sự ở Ba Lan, Estonia, Latvia, Lithuania... Trong đó, căn cứ Redzikowo ở Ba Lan là nơi hoạt động của hệ thống phòng thủ tên lửa Aegis Ashore mà Mỹ mới khánh thành. Ngoài ra, căn cứ không quân Amari ở Estonia được xem là chìa khóa cho các hoạt động "kiểm soát không phận" của NATO trên Biển Baltic. Căn cứ quân sự Deveselu ở Romania cũng là nơi đặt hệ thống Aegis Ashore của Mỹ. Trại Bondsteel ở Kosovo còn là căn cứ lớn nhất của Mỹ ở Balkan.

Tại Bắc Âu có các căn cứ ở Thuỵ Điển và Phần Lan. Trong đó, căn cứ Mikkeli ở Phần Lan chỉ nằm cách biên giới Nga chưa đầy 150km. 

Ở Tây Âu có các căn cứ tại Đức, Bỉ, Hà Lan, Italy, Hy Lạp, Anh, Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha. Đặc biệt Đức là nơi có lực lượng đồn trú lớn nhất của Mỹ tại châu Âu, và là nơi triển khai quân đội Mỹ lớn thứ 2 ở nước ngoài chỉ sau Nhật Bản.

Cũng tại Đức, căn cứ không quân Ramstein là căn cứ không quân lớn nhất của Mỹ và NATO ở châu Âu, đóng vai trò quan trọng trong các hoạt động của Washington. 

Đáng nói, Tây Âu còn là nơi có nhiều căn cứ chứa vũ khí hạt nhân của Mỹ như căn cứ không quân Buchel của Đức, căn cứ Kleine Brogel ở Bỉ, căn cứ Volkel ở Hà Lan, và căn cứ Aviano ở Italia.

Về số lượng lớn tàu chiến Mỹ đồn trú ở nước ngoài, có căn cứ hải quân Rota ở Tây Ban Nha. Đây là nơi đồn trú cố định của 6 tàu khu trục tên lửa Mỹ, và là cơ sở chiến lược quan trọng cho các hoạt động của Mỹ ở Biển Địa Trung Hải.  

Còn tại Bồ Đào Nha, căn cứ không quân Lajes ở quần đảo Azores là trung tâm hậu cần xuyên Đại Tây Dương quan trọng của NATO. Địa điểm này có thể trở thành mục tiêu tấn công, nếu Oreshnik được tái triển khai từ khu vực Astrakhan đến các vị trí phóng mới ở phía tây Moscow.