Startup Vconnex của Việt Nam vừa vượt qua nhiều vòng tuyển chọn khắt khe để tham gia thuyết trình tại sự kiện ZEST 2023 được tổ chức ở Bangkok.  Đơn vị này đang ấp ủ tham vọng ứng dụng các sản phẩm, giải pháp IoT công nghệ Việt để giải các thách thức về chuyển đổi số tại Thái Lan.

ZEST 2023 là chương trình kết nối các công ty công nghệ mới nổi trong khu vực với chính phủ các nước và tập đoàn đa quốc gia nhằm thúc đẩy các giải pháp mới trong tiến trình chuyển đổi số.

Chương trình này do Bộ Kinh tế thương mại và Công nghiệp Nhật Bản, Bộ Năng lượng Thái Lan, Ủy ban đầu tư Thái Lan và các tổ chức hàng đầu khu vực ASEAN phối hợp tổ chức. 

Đại diện Vconnex chia sẻ về lời giải cho bài toán chuyển đổi số tại ZEST 2023.

Tại ZEST 2023, Vconnex đã lựa chọn giải quyết một đề bài thách thức về việc phát triển thành phố thông minh bền vững. Theo đó, Vconnex sẽ hợp tác với MinebeaMitsumi - tập đoàn đa quốc gia với doanh thu 9 tỷ USD của Nhật để mang tới 2 giải pháp công nghệ về quản lý năng lượng (điện, gas, điện gió, điện mặt trời…) và quản lý môi trường (nước sạch, nước thải, chất lượng không khí) cho các thành phố thông minh tại Thái Lan.

Trong phần thuyết trình của mình, công ty Việt Nam đã tạo được ấn tượng tốt với kinh nghiệm triển khai thực tế các dự án tại Việt Nam như hệ thống kết nối 5 nhà máy xử lý nước thải tại Đà Nẵng hay phát triển thành công hệ thống quản lý tòa nhà và cư dân iEscape,… 

Đại diện tập đoàn MinebeaMitsumi của Nhật đánh giá cao năng lực công nghệ của Vconnex, đặc biệt là nền tảng kết nối vạn vật theo chuẩn quốc tế oneM2M, có khả năng mở rộng kết nối hàng tỷ thiết bị IoT mà đơn vị này đang sở hữu.

Trước câu hỏi của VietNamNet về việc tại sao lại lựa chọn chuyển đổi số ở thị trường nước ngoài, đại diện Vconnex cho hay, so với các lĩnh vực khác, lĩnh vực công nghệ gần như không có giới hạn về địa lý trong hoạt động kinh doanh. Điều quan trọng là năng lực làm chủ công nghệ và khả năng ứng dụng thực tế. 

"Chúng tôi không từ chối bất cứ cơ hội nào dù trong nước hay nước ngoài. Vconnex coi việc mang công nghệ Việt ra thế giới là một trong những sứ mệnh quan trọng nên sẽ dấn thân ngay khi có cơ hội”, ông Nguyễn Đức Quý, Tổng giám đốc Vconnex chia sẻ. 

Nhiều sản phẩm IoT Make in Viet Nam được giới thiệu nhằm chinh phục thị trường Thái Lan. 

Thái Lan là một thị trường cởi mở và sôi động với nhiều tiềm năng phát triển công nghệ. “Qua quá trình nghiên cứu thị trường, chúng tôi nhận thấy nước này đang có các bài toán khó giải về năng lượng và quản lý môi trường, đặc biệt do là đất nước du lịch, bài toán môi trường luôn được Thái Lan đặt lên hàng đầu. Đây cũng chính là thế mạnh của chúng tôi khi đã có kinh nghiệm triển khai thực tế tại Việt Nam”, đại diện Vconnex nói.

Chia sẻ về hành trình “go global” của mình, đại diện startup này cho hay, Vconnex đã có đối tác phân phối sản phẩm nhà thông minh tại Lào. Với Thái Lan, đây là một thị trường rất tiềm năng, do đó, công ty Việt Nam đang đặt tham vọng lớn hơn, đó là tìm kiếm cơ hội hợp tác với các tập đoàn lớn tại bản địa để giải quyết các bài toán lớn mang tính quốc gia bằng công nghệ. 

"Giải bài toán chuyển đổi số khó nhất không nằm ở yếu tố công nghệ, mà là ở chính sách và thái độ sẵn sàng cởi mở với công nghệ mới của những người trực tiếp sử dụng giải pháp, dịch vụ chuyển đổi số”, đại diện Vconnex nói.  

Trao đổi với VietNamNet, Tổng giám đốc Nguyễn Đức Quý cho hay, Vconnex đang phối hợp cùng một số doanh nghiệp công nghệ ở châu Âu để nghiên cứu, phát triển các giải pháp và sản phẩm trí tuệ nhân tạo (AI).

Trong thời gian tới, startup này sẽ tham gia hoạt động xúc tiến thương mại của các nước trong khu vực nhằm vươn tầm, ghi dấu ấn và tên tuổi, sản phẩm công nghệ của người Việt lên bản đồ thế giới.

Nguyễn Mạnh Hưng, Vũ Thị Linh Trang, Lê Thế Mỹ, Ngô Thị Huyền