Gần đây, xảy ra liên tiếp những vụ va chạm giao thông dẫn đến cự cãi, thậm chí xô xát gây xôn xao trong cộng đồng. Những người trong cuộc không chỉ thiệt thân mà còn vướng vào lao lý. Tất cả chỉ vì một phút nóng nảy, mất kiểm soát của mình.

23h đêm 5/3, ô tô KIA Seltos mang BKS 30H-119.XX do chị L.H.T. (36 tuổi) cầm lái va chạm với xe máy 30Z-568.XX do anh N.V.A. (25 tuổi) điều khiển trên phố Trần Cung, quận Cầu Giấy, Hà Nội. Thay vì nói một câu xin lỗi rồi vui vẻ bỏ qua cho nhau, hai chủ xe lại xảy ra cãi vã, mắng chửi nhau rất to, gây ồn ào cả một góc phố lúc nửa đêm. Thậm chí, một Tiktoker còn phát trực tiếp trên mạng xã hội, thu hút hàng trăm người theo dõi sự việc.

Đáng nói, khi được can ngăn, nữ tài xế còn lớn tiếng xưng là cháu gái của một bộ trưởng. 

screen shot 2024 03 07 at 14554 am.jpg
Nữ tài xế điều khiển xe KIA Seltos vi phạm nồng độ cồn ở mức "vượt khung", còn tự xưng là cháu của một bộ trưởng. (Ảnh: MXH)

Đội CSGT số 6 (Phòng CSGT, Công an TP Hà Nội) đã đến hiện trường, sau đó đo nồng độ cồn đối với chị T. và cho kết quả "vượt khung" với mức lên tới trên 0,573 miligam/lít khí thở. 

Với vi phạm trên, chị T. sẽ bị xử phạt từ 30-40 triệu đồng, tước giấy phép lái xe từ 22-24 tháng và tạm giữ xe. 

Những người theo dõi vụ việc cho rằng, yếu tố "kích hoạt" sự nói năng "bạt mạng" của nữ tài xế là do có men rượu trong người, cộng với thái độ "gõ cửa" vặn hỏi của tài xế xe máy. 

Trước đó không lâu, chiều 25/2, một vụ xô xát khác xảy ra giữa hai người đàn ông đi xe Honda SH tại đường Vành đai 2 trên cao (cấm xe máy) và hai người đi trên xe ô tô nhãn hiệu VinFast Fadil cũng được chia sẻ nhiều trong cộng đồng. 

Thời điểm trên, chị T.A. (28 tuổi, ở quận Long Biên, Hà Nội) đi ô tô bất ngờ bị nam tài xế Trần Văn Hiệp lái xe máy Honda SH chở theo người bạn tên Trịnh Thịnh, lạng lách, tạt đầu. Hai người này đã đập vào xe của chị T.A. rồi chửi bới vì cho rằng chị này quay phim mình.

Lúc này, một chiếc xe VinFast Fadil vượt lên. Hiệp và Thịnh tiếp tục di chuyển trên đường Vành đai 2, chặn đầu chiếc ô tô này và giật cửa, gây gổ vì cho rằng hai người đàn ông trên xe đã "chỉ trỏ" mình.

Không kìm chế được trước hành vi của Hiệp và Thịnh, hai người đàn ông trên xe đã nhảy xuống và đấm đá tài xế xe máy. Hành vi đánh nhau này được cộng đồng mạng cổ xuý.

Sự việc được chính chị T.A ghi lại bằng điện thoại. Hai đối tượng đi xe máy sau đó đã bị công an triệu tập và tạm giữ hình sự để tiếp tục điều tra làm rõ hành vi vi phạm.

Trước đó, ngày 4/3 tại khu vực thung lũng hoa hồ Tây (quận Tây Hồ, Hà Nội), một vụ xô xát khác xảy ra nhưng gây ra hậu quả vô cùng thương tâm. Anh L.X.T. (44 tuổi) điều khiển xe ô tô taxi va chạm với xe máy do Trần Duy Quang điều khiển, chở bạn gái phía sau.

Hai bên sau đó đã xảy ra tranh cãi gay gắt. Đỉnh điểm, anh T. mở cốp xe lấy ra một vật dài khoảng 40cm đuổi đánh Quang. Quang giơ tay lên đỡ và đấm thẳng vào mặt rồi cầm mũ bảo hiểm đập nhiều lần vào đầu anh T. trước khi rời đi. Rất không may, hành động đáp trả này của Quang đã khiến anh T. chấn thương sọ não, dẫn đến tử vong.

Trần Duy Quang đã bị Cơ quan CSĐT Công an quận Tây Hồ bắt tạm giam và khởi tố hình sự về hành vi cố ý gây thương tích dẫn đến chết người, theo Điều 134 Bộ luật Hình sự.

Có thể thấy, chỉ từ nguyên nhân ban đầu là những lời nhắc nhở hoặc va chạm rất nhỏ trên đường mà nhiều lái xe mất kiểm soát, sẵn sàng "ăn miếng trả miếng", thậm chí xông vào hành hung đối phương một cách không thương tiếc. Từ va chạm nhỏ biến thành cuộc ẩu đả giữa đường phố. Từ người đi đúng cũng có thể trở thành người làm sai khi phản ứng vượt quá giới hạn của pháp luật cho phép.  

Nhiều người chứng kiến những sự việc như vậy cho rằng, khi va chạm giao thông ai cũng cho rằng mình đúng. Đa số không xử lý tình huống dựa trên những căn cứ pháp lý và cách hành xử văn minh mà thích dùng "võ mồm" để cự cãi, thể hiện cái tôi. Đôi khi sự nóng nảy bị đẩy lên chỉ vì những lời nói, hành động khiếm nhã ban đầu của một trong hai bên.

Ở góc độ tâm lý học, đó là biểu hiện của sự thiếu kiểm soát cảm xúc và hành vi, chưa có kỹ năng xử lý tình huống. Còn dưới góc độ về nhận thức, có thể, những "người trong cuộc" còn thiếu về kỹ năng ứng xử, chuẩn mực đạo đức và đặc biệt là nhận thức về pháp luật chưa đầy đủ. Tất cả những điều này dẫn đến những thái độ và hành vi "đi quá xa".

Cũng phải nói thêm, nhiều nhân vật chính của những cuộc cãi vã, xô xát kể trên đã lái xe ra đường trong tình trạng say xỉn. Có thể rượu bia đã làm cho họ bị kích thích và phần nào trở thành một con người khác, cục cằn và dễ nổi nóng hơn.

Hiện nay, các phương tiện thông tin, mạng xã hội rất phát triển. Mọi hành vi vi phạm dù nhỏ của lái xe đều dễ dàng được camera an ninh hoặc thiết bị ghi hình của người dân ghi lại, chia sẻ. Ngoài việc bị lực lượng chức năng xử phạt thích đáng, những hành vi côn đồ, ứng xử vô văn hoá còn có thể bị cộng đồng lên án, "ném đá" mạnh mẽ.

Các chuyên gia cho rằng, khi không may va chạm giao thông, mỗi người cần bớt thể hiện "cái tôi" đi một chút, ứng xử đúng mực và văn minh thì mọi chuyện sẽ êm đẹp. Ngược lại, nếu mang sự nóng nảy, mất kiểm soát ra đường thì sớm muộn gì cũng gây hậu quả nặng nề cho cá nhân, gia đình và xã hội.

Hoàng Hiệp

Bạn có góc nhìn như thế nào với câu chuyện trên? Hãy gửi ý kiến dưới phần bình luận của bài viết. Bài viết cộng tác xin gửi tới Ban Ô tô xe máy theo email: otoxemay@vietnamnet.vn. Các nội dung phù hợp sẽ được đăng tải. Xin cảm ơn!