lái xe trên cao tốc được cánh tài xế đánh giá là khá “nhàn chân” so với đi đường phố hoặc đường trường (quốc lộ cũ, tỉnh lộ, huyện lộ,..), nhưng với thiết kế cho xe chạy với tốc độ cao, đường cao tốc lại ẩn chứa nhiều rủi ro dẫn tới những tai nạn rất nặng, đòi hỏi những người cầm lái phải có kỹ năng tốt và nhiều kinh nghiệm để xử lý.

Trên thực tế, nhiều trường hợp lái xe chạy với tốc độ thấp, cảm giác như “bò” ra đường nhưng vẫn bám vào làn phía bên trái gần dải phân cách - nơi thường được thiết kế cho xe chạy với tốc độ cao nhất. Trong khi đó, nhiều xe không ngại ngần lao vù vù vào làn đường khẩn cấp (làn ngoài cùng bên phải) gây ùn tắc giao thông và bức xúc cho những tài xế khác đang tham gia giao thông trên cùng tuyến.

W-cao-toc-1.jpg
Lái xe trên đường cao tốc được đánh giá là "nhàn chân", nhưng vẫn đòi hỏi tài xế phải có những kinh nghiệm, kỹ năng nhất định để đảm bảo an toàn. (Ảnh: Hoàng Hiệp)

Dưới đây là góc nhìn của độc giả Phan Trần (trú tại Quận Hoàng Mai, TP Hà Nội) về vấn đề này:

Hạ tầng giao thông tại Việt Nam trong những năm gần đây đang phát triển rất nhanh, đặc biệt là việc đầu tư xây dựng và đưa vào sử dụng nhiều tuyến đường cao tốc.

Không thể phủ nhận đường cao tốc giúp các phương tiện lưu thông nhanh chóng, an toàn hơn, góp phần thúc đẩy nền kinh tế của cả một khu vực phát triển. Tuy vậy, so với đường nội đô hay các tuyến quốc lộ, tỉnh lộ thông thường thì lái xe trên đường cao tốc cũng đòi hỏi người tài xế phải có những kinh nghiệm, kỹ năng tốt và thậm chí cả văn hoá lái xe chuẩn chỉnh hơn.

Một trong những kiểu lái xe đã và đang được cộng đồng đưa ra "mổ xẻ" và tranh cãi gay gắt trong những ngày qua chính là việc dù đi với tốc độ không cao nhưng nhiều tài xế cứ "ôm" làn trong cùng bên trái. Điều này không chỉ sai cả về Luật Giao thông đường bộ (phương tiện có tốc độ cao hơn đi bên trái, tốc độ nhỏ hơn đi bên phải) mà còn gây ức chế cho người đi sau.

cao-toc-hn-ninh-binh.jpeg
Những cao tốc có 2 làn xe chạy và 1 làn dừng khẩn cấp là khá điển hình tại Việt Nam. (Ảnh minh hoạ trên cao tốc Hà Nội - Ninh Bình: Hoàng Hà)

Với tôi, nếu chạy xe trên các tuyến đường cao tốc có từ 3 làn xe (gồm 2 làn chính và 1 làn khẩn cấp) trở lên (làn số 1 là làn bên trái, có tốc độ cao nhất; làn số 2 là làn giữa; làn số 3 là làn khẩn cấp), tôi sẽ lựa chọn ưu tiên cho xe di chuyển ở làn đường thứ 2 thay vì "ôm" làn đường bên trái. Đơn giản vì đây là làn đường an toàn nhất, bởi nhiều nguyên nhân.

Lý do đầu tiên, khi lái xe ở làn số 2, chúng ta có tầm nhìn rộng hơn, có thể quan sát tốt dòng xe lưu thông ở làn đối diện cũng như làn xe cùng chiều, lại không bị khuất tầm nhìn bởi cây cối ở những đoạn đường cong về bên trái. Những ai từng lái ô tô ở Đại lộ Thăng Long, qua những đoạn đường cong sẽ hiểu nhất điều này.

Trường hợp làn đường bên kia có xe mất lái lao sang hoặc vật thể "bay" không xác định (khúc gỗ, đá, hàng hoá, nước bắn,...) thì làn đường số 1 sát với phần làn đường đối diện nhất sẽ là nơi “dính đòn” sớm nhất. Còn các làn bên ngoài ít chịu ảnh hưởng bởi những rủi ro này.

Lý do thứ hai, khi có chướng ngại vật trước mặt (xe cùng chiều gặp sự cố, phanh gấp hoặc có đất đá văng ra đường), nếu bám làn đường số 1, chúng ta chỉ có một phương án tránh duy nhất là đánh lái sang làn số 2. Khi đó, nếu không quan sát kỹ, rất dễ tạt đầu xe đang di chuyển ở làn đường này.

Ngược lại, khi bám ở làn số 2, chúng ta có nhiều hơn một phương án để tránh chướng ngại vật. Ngoài việc đánh lái sang làn số 1 thì phương án đánh lái vào làn khẩn cấp bên phải là rất an toàn bởi trên trên lý thuyết, sẽ không có xe nào đang di chuyển ngay phía sau ở làn đường này.

Bản thân tôi thấy những tai nạn kiểu "dồn toa" trên đường cao tốc chủ yếu xảy ra ở làn số 1, không hẳn bởi tốc độ di chuyển của xe cao hơn mà còn vì lý do lái xe có quá ít sự lựa chọn cho việc đánh lái tránh.

don toa tren cao toc.jpeg
Theo quan sát của độc giả Phan Trần, tai nạn liên hoàn kiểu "dồn toa" thường xảy ra trên làn đường số 1. (Ảnh minh hoạ)

Và thứ ba, nếu chúng ta đi ở làn số 1, các xe sau muốn vượt, phải chuyển sang bên phải (làn số 2). Với đặc điểm tay lái thuận và lái xe ngồi bên trái như ở Việt Nam thì việc vượt bên phải là không an toàn do tầm nhìn bị hạn chế. Với tâm lý của một lái xe, việc liên tiếp phải chuyển làn sang phải để vượt lên những xe đi chậm bám làn trái sẽ rất ức chế. 

Ngoài ra, đối với những đường cao tốc có dải phân cách bằng bê tông cứng và cao (như cao tốc Hà Nội - Hải Phòng) thì ở làn số 1 sẽ có những cơn gió quẩn rất mạnh, có thể làm các xe nhỏ mất lái. Đi gần dải phân cách cũng là một trong những lý do khiến người lái bị hoa mắt, sinh ảo giác,... gây mệt mỏi cho lái xe trong thời gian dài.

Với các lý do trên, tôi thường xuyên lựa chọn làn đường số 2 khi lái ô tô trên cao tốc. Trừ lúc vượt xe, tôi chả tội gì phải "ôm" làn đường bên trái cho khổ, vừa nguy hiểm lại dễ bị các lái xe khác "lườm" nếu vô tình trở thành vật cản của họ.

Độc giả Phan Trần (Hà Nội)

Bạn có góc nhìn nào về câu chuyện trên? Hãy gửi ý kiến dưới phần bình luận của bài viết. Mọi câu hỏi tư vấn về sử dụng, mua bán xe xin gửi tới Ban Ô tô xe máy theo email: otoxemay@vietnamnet.vn. Các nội dung phù hợp sẽ được đăng tải. Xin cảm ơn!

Còn “hơn thua” trên đường là còn tai nạnNhững tranh luận xung quanh vụ tai nạn giao thông thương tâm trên cao tốc Cam Lộ - La Sơn mấy ngày qua đã gợi ra nhiều vấn đề, trong đó quan trọng nhất vẫn là ý thức người lái xe.