- Đứa con tôi sinh ra tôi sẽ tự nuôi không cần người cha phải chu cấp, thăm nom, chăm sóc hay bất cứ một ràng buộc nào (vì tôi biết anh ta đã có gia đình).

TIN BÀI KHÁC:

Cách đây 2 năm, tôi quyết định không lấy chồng mà muốn sinh con ngoài giá thú. Tôi đã quen một người đàn ông một thời gian, sau khi tôi trình bày ý nguyện của tôi là muốn sinh một đứa con mà không muốn ràng buộc với họ. Đứa con tôi sinh ra tôi sẽ tự nuôi không cần người cha phải chu cấp, thăm nom, chăm sóc hay bất cứ một ràng buộc nào (vì tôi biết anh ta đã có gia đình). Kết quả là một cháu gái kháu khỉnh chào đời, anh cũng có qua lại thăm hỏi nhưng tôi cố gắng từ chối vì không muốn làm ảnh hưởng tới hạnh phúc gia đình anh. Nay anh lại yêu cầu tôi xin được nhận con và đứng tên trong giấy khai sinh của bé. Anh hứa sẽ không vì thế mà làm ảnh hưởng tới gia đình mình (gia đình không biết). Vậy tôi phải làm thủ tục thế nào và việc đứng tên của anh có trái pháp luật không?

Ảnh minh họa
Luật sư tư vấn:


Về pháp lý, không có vấn đề gì, không trái pháp luật bởi hai bên tự nguyện (theo hướng dẫn dưới đây). Tuy nhiên cô nên cân nhắc về vấn đề liên quan đến gia đình 2 bên và cuộc sống của nhiều người. Trào lưu mẹ đơn thân hiện nay khá phổ biến nhưng nếu rõ ràng quan hệ (với cha) chứng minh qua giấy tờ thì có nhiều hệ luỵ mà ta chưa thể lường hết. Vì thế rất cần cân nhắc thấu đáo.
Quy định, thủ tục pháp luật về nhận con và đứng tên trong khai sinh như sau:

1/ Điều kiện để đăng ký việc nhận cha, mẹ, con được quy định tại Điều 32 Nghị định 158/2005/NĐ-CP về đăng ký và quản lý hộ tịch. Như vậy, trường hợp của chị thỏa mãn các điều kiện để đăng ký.

Điều 32. Điều kiện đăng ký việc nhận cha, mẹ, con

1. Việc nhận cha, mẹ, con theo quy định tại mục này được thực hiện, nếu bên nhận, bên được nhận là cha, mẹ, con còn sống vào thời điểm đăng ký nhận cha, mẹ, con và việc nhận cha, mẹ, con là tự nguyện và không có tranh chấp.

2/ Thủ tục đăng ký viêc nhận cha, mẹ, con được quy định tại Điều 34 Nghị Định 158/2005/NĐ-CP về đăng ký và quản lý hộ tịch. Chị cần chuẩn bị hồ sơ theo mẫu và nộp hồ sơ tại UBND phường, xã.

Điều 34. Thủ tục đăng ký việc nhận cha, mẹ, con

1. Người nhận cha, mẹ, con phải nộp tờ khai (theo mẫu quy định). Trong trường hợp cha hoặc mẹ nhận con chưa thành niên, thì phải có sự đồng ý của người hiện đang là mẹ hoặc cha, trừ trường hợp người đó đã chết, mất tích, mất năng lực hoặc hạn chế năng lực hành vi dân sự.
Kèm theo tờ khai phải xuất trình các giấy tờ sau đây:
a) Giấy khai sinh (bản chính hoặc bản sao) của người con;
b) Các giấy tờ, đồ vật hoặc các chứng cứ khác để chứng minh quan hệ cha, mẹ, con (nếu có).

2. Trong thời hạn 5 ngày, kể từ ngày nhận đủ giấy tờ hợp lệ, nếu xét thấy việc nhận cha, mẹ, con là đúng sự thật và không có tranh chấp, thì ủy ban nhân dân cấp xã đăng ký việc nhận cha, mẹ, con.
Trường hợp cần phải xác minh, thì thời hạn nói trên được kéo dài thêm không quá 5 ngày.

3. Khi đăng ký việc nhận cha, mẹ, con, các bên cha, mẹ, con phải có mặt, trừ trường hợp người được nhận là cha hoặc mẹ đã chết. Cán bộ tư pháp hộ tịch ghi vào sổ đăng ký việc nhận cha, mẹ, con và Quyết định công nhận việc nhận cha, mẹ, con. Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã ký và cấp cho mỗi bên một bản chính Quyết định công nhận việc nhận cha, mẹ, con. Bản sao Quyết định được cấp theo yêu cầu của các bên.
Để chứng minh là cha của con, trường hợp này thì cần phải có kết quả giám định ADN xác định huyết thống (có thể liên hệ trung tâm BIONET Việt Nam).

3/ Sau khi đăng ký việc nhận cha-con, cô thực hiện thủ tục bổ sung, cải chính sổ đăng ký khai sinh và giấy khai sinh của người con được quy định tại Điều 35 Nghị định 158/2005/NĐ-CP về đăng ký và quản lý hộ tịch, tại UBND cấp xã.
Điều 35. Bổ sung, cải chính sổ đăng ký khai sinh và giấy khai sinh của người con

1. Căn cứ vào Quyết định công nhận việc nhận cha, mẹ, con, ủy ban nhân dân cấp xã, nơi đã đăng ký khai sinh cho người con ghi bổ sung phần khai về cha, mẹ trong Sổ đăng ký khai sinh và bản chính giấy khai sinh của người con, nếu phần khai về cha, mẹ trước đây để trống.
Trong trường hợp sổ đăng ký khai sinh đã chuyển lưu 1 quyển tại ủy ban nhân dân huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh (sau đây gọi là ủy ban nhân dân cấp huyện), thì ủy ban nhân dân cấp xã thông báo cho ủy ban nhân dân cấp huyện để ghi tiếp việc bổ sung.

2. Trong trường hợp phần khai về cha, mẹ trong sổ đăng ký khai sinh và bản chính giấy khai sinh của người con đã ghi tên người khác, không phải là cha, mẹ đẻ, thì đương sự phải làm thủ tục cải chính theo quy định tại Mục 7 chương này.
Đến đây, trên khai sinh của con cô đã có tên cha.

Đức Toàn (ghi)

Tư vấn bởi Ls.Nguyễn Thành Công- Đoàn Luật sư TP.HCM; Công ty Đông Phương Luật (120 Sương Nguyệt Anh, Q.1, TP.HCM); Đth : 08 62906420- 0906633168.

Bạn đọc muốn gửi các câu hỏi thắc mắc về các vấn đề pháp luật, xin gửi về địa chỉ banbandoc@vietnamnet.vn (Xin ghi rõ địa chỉ, số điện thoại để chúng tôi tiện liên hệ).