Nguồn tin giấu tên nói với hãng thông tấn CNN rằng, những gì có trong gói viện trợ lần này sẽ được mua từ các tập đoàn công nghiệp quốc phòng, không giống như nhiều gói viện trợ trước đây khi lấy trực tiếp trang thiết bị từ các kho vũ khí của Mỹ. Dù những viện trợ này sẽ mất nhiều thời gian để tới Ukraine, nhưng đây cũng là tín hiệu cho thấy cam kết dài hạn của Mỹ trong việc hỗ trợ Kiev.

Hệ thống HIMARS. Ảnh: Mil.in.ua

“Các hợp đồng mua trang thiết bị mới cho Ukraine sẽ gồm có tên lửa sử dụng cho Hệ thống pháo phản lực cơ động cao (HIMARS); đạn pháo cỡ 155mm; các máy bay không người lái (UAV); thiết bị chống UAV; máy dò mìn…”, người này cho hay.

Các quan chức Nhà Trắng tới nay chưa bình luận về thông tin được CNN đăng tải.

Theo số liệu trên trang web của Hội đồng Quan hệ Đối ngoại Mỹ (CFR) hôm 22/2, chính quyền Tổng thống Biden từ ngày 24/1/2022 tới giữa tháng 1/2023 đã gửi tổng cộng 76,8 tỷ USD cho Ukraine. Trong đó, hỗ trợ an ninh quân sự và vũ khí lên tới 46,6 tỷ USD, tương đương với 61%; Viện trợ về tài chính đạt 26,4 tỷ USD, chiếm 34%. Còn lại là viện trợ cho các hoạt động nhân đạo.

Danh sách tổng viện trợ Mỹ dành cho Ukraine từ tháng 1/2022 tới tháng 1/2023. Ảnh: CFR

Cảnh sát Ba Lan kết thúc nhiệm vụ ở Ukraine

Cục An ninh quốc gia Ba Lan hôm 23/2 cho biết, gần 100 sĩ quan cảnh sát nước này đã kết thúc chiến dịch hoạt động ở Ukraine. “Trong 5 tháng qua, 98 nhân viên thuộc lực lượng cảnh sát Ba Lan đã tham gia chiến dịch gỡ bom mìn ở Ukraine. Nhờ nỗ lực của họ, hàng trăm nghìn người dân đã được cứu sống”, quan chức Jacek Siewiera, người đứng đầu Cục An ninh quốc gia Ba Lan, nói.

Tờ báo Wirtualna Polska của Ba Lan dẫn lời một số quan chức thân cận vấn đề nói rằng, có thể coi hoạt động trên của các cảnh sát nước này ở Ukraine là một nhiệm vụ bí mật. Bởi yếu tố bảo mật thông tin là điều cần thiết nhằm đảm bảo sự an toàn của những người tham gia nhiệm vụ.

Theo những quan chức này, chính quyền Ukraine vào mùa hè năm ngoái đã yêu cầu sự trợ giúp từ các quốc gia thành viên Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) trong vấn đề rà phá bom mìn. Tuy nhiên, NATO không thể công khai hay ngầm cử các nhóm công binh tới hỗ trợ Kiev. Do vậy, giải pháp duy nhất là cử các chuyên gia gỡ bom mìn của lực lượng cảnh sát đặc biệt đến Ukraine.