“Chúng tôi không khuyến khích hay ‘bật đèn xanh’ cho phép Ukraine thực hiện các vụ tấn công vào bên trong lãnh thổ Nga. Thay vào đó, Mỹ và các đối tác trên khắp thế giới quyết tâm trong việc đảm bảo Ukraine sẽ có được trong tay những trang bị cần thiết, để họ có thể tự bảo vệ bản thân và lãnh thổ”, trang Thời báo Israel dẫn lời ông Blinken phát biểu trước cánh phóng viên. 

Sân bay Dyagilevo gần thành phố Ryazan, Nga sau vụ tấn công hôm 5/12. Ảnh: ImageSat International

Thời báo Israel nhận định, tuyên bố trên của ông Blinken được đưa ra trong bối cảnh liên tiếp có những vụ tấn công nghi được thực hiện bởi máy bay không người lái (UAV) Ukraine nhằm vào các sân bay Nga, hai trong số đó nằm cách xa vùng biên giới hai nước hàng trăm km.

Cụ thể, một xe bồn chở nhiên liệu tại sân bay Dyagilevo gần thành phố Ryazan hôm 5/12 đã phát nổ khiến cho 3 người thiệt mạng và 6 người bị thương. Trong khi đó, hai người khác được cho là bị thương trong vụ nổ tại sân bay Engels thuộc tỉnh Saratov. Ngày 6/12, UAV nghi của Ukraine đã thực hiện một vụ tấn công vào sân bay thuộc địa phận tỉnh Kursk khiến “một bồn chứa dầu bốc cháy”.

Một số chuyên gia quân sự giấu tên nhận định rằng, dù nền công nghiệp quốc phòng Ukraine đã chịu tổn thất nặng nề trong cuộc xung đột với Nga, nhưng Kiev vẫn đủ khả năng chỉnh sửa những loại UAV trinh sát có từ thập niên 1980 để thực hiện các vụ tấn công trên.

Ba Lan thất vọng vì quyết định của Đức 

Bộ trưởng Quốc phòng Ba Lan Mariusz Blaszczak hôm nay (7/12) cho biết, ông cảm thấy thất vọng khi Đức quyết định triển khai hệ thống tên lửa phòng không tiên tiến Patriot trên lãnh thổ nước này, thay vì ở khu vực miền tây Ukraine. 

“Tôi rất thất vọng khi buộc phải chấp nhận quyết định trên từ phía Đức, khi nó từ chối việc hỗ trợ cho Ukraine. Động thái triển khai hệ thống Patriot ở vùng phía tây Ukraine sẽ tăng cường an ninh đối với người dân hai nước Ba Lan và Ukraine. Chúng tôi sẽ cho kết nối tổ hợp phòng không Đức với hệ thống chỉ huy của Ba Lan”, hãng tin The Guardian dẫn bài đăng trên Twitter của ông Blaszczak, viết. 

Theo The Guardian, động thái Đức chỉ cho phép triển khai hệ thống phòng không Patriot trên đất Ba Lan thay vì lãnh thổ Ukraine có liên quan tới việc giới lãnh đạo Nga cuối tháng trước nói rằng, nếu Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) chuyển các tổ hợp phòng không Patriot cho Ukraine thì "chúng sẽ trở thành mục tiêu hợp pháp của quân đội Nga". 

“Nếu đúng như những gì Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg gợi ý, khối này sẽ cung cấp hệ thống tên lửa Patriot cho Ukraine. Trong trường hợp này, chúng (các bệ phóng) sẽ lập tức trở thành mục tiêu chính đáng của các lực lượng vũ trang Nga. Hi vọng các quan chức NATO hiểu rõ điều này”, Phó Chủ tịch Hội đồng An ninh Nga Dmitry Medvedev khi đó nhấn mạnh.