Mỹ cảnh báo sẽ xem xét các lựa chọn khác, bao gồm cấm vận mới và các bước đi về an ninh, nếu Triều Tiên tiếp tục thử nghiệm hạt nhân và tên lửa đạn đạo.


Trước đó, hãng thông tấn Yonhap của Hàn Quốc đưa tin, Triều Tiên dường như đang chuẩn bị phóng thử một tên lửa đạn đạo tầm trung, sau những gì Mỹ miêu tả là thất bại "cay đắng, thê thảm" của một nỗ lực tương tự trong tháng 4.

Dư luận chung cho rằng Triều Tiên sẽ sớm tiến hành vụ thử hạt nhân lần 5, có thể là trước khi diễn ra Đại hội Đảng Lao động vào đầu tháng tới.

{keywords}

Chủ tịch Triều Tiên khi chỉ đạo một vụ phóng tên lửa đạn đạo từ tàu ngầm. (Ảnh được KCNA đăng tải ngày 24/4)

Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ Mark Toner kêu gọi chính quyền ông Kim Jong-un hãy kiềm chế những hành động "gây bất ổn" khu vực.

Ông tuyên bố Washington sẽ xem xét "các lựa chọn khác" nếu Bình Nhưỡng tiếp tục thử tên lửa và hạt nhân. Theo ông Toner, các lựa chọn trước kia gồm cấm vận và một số biện pháp an ninh.

"Tôi nghĩ khá rõ ràng là, khi Triều Tiên tiếp tục có những quyết định mà chúng tôi tin là phản tác dụng, thì chúng tôi cũng tiếp tục xem xét lựa chọn nào để đáp trả", Mark Toner nói.

Khi được hỏi đó về những lựa chọn cụ thể thì ông Toner chỉ trả lời: "Chúng tôi không muốn công bố bất cứ điều gì trước khi nó được hoạch định và nghiên cứu đầy đủ".

Triều Tiên đã thử hạt nhân lần 4 vào ngày 6/1 và phóng một tên lửa tầm xa ngày 7/2. Mỹ và Liên Hợp Quốc phản ứng bằng cách thắt chặt thêm cấm vận.

Bất chấp bị trừng phạt, Triều Tiên vẫn tiếp tục thử nghiệm vũ khí, thậm chí bắn một tên lửa đạn đạo từ tàu ngầm.

Hôm 15/4 vừa qua, Triều Tiên phóng một vũ khí nhiều khả năng là tên lửa Musudan có tầm bắn hơn 3.000km nhưng thất bại. Nếu thành công thì vũ khí này của Triều Tiên có thể chạm tới Nhật Bản và cả đảo Guam.

Về khả năng Triều Tiên thử nghiệm vũ khí hạt nhân lần nữa, phát ngôn viên Nhà Trắng Josh Earnest cho biết, ông không thể khẳng định điều này nhưng tuyên bố Washington sẽ tiếp tục "tăng cường sức ép", trong đó có phối hợp với Trung Quốc, để thuyết phục Bình Nhưỡng từ bỏ hoạt động hạt nhân.

Ngay cả Tổng thống Obama cũng phải thừa nhận "không có một giải pháp dễ dàng" về Triều Tiên. Ông lập luận, Mỹ có thể "phá hủy Triều Tiên bằng vũ khí" nhưng làm như vậy không những gây ra thảm họa nhân đạo mà còn ảnh hưởng đến Hàn Quốc.

Trả lời phỏng vấn của CBS, Obama cho biết, nước Mỹ đang nỗ lực tự bảo vệ mình và bảo vệ các đồng minh trước những mối nguy tiềm tàng từ Triều Tiên.

Về việc Triều Tiên phóng tên lửa từ tàu ngầm (bay được 30km thì rơi xuống biển), Hàn Quốc mô tả vụ thử chỉ thành công một phần.

Sau một loạt các vụ thử vũ khí của Triều Tiên từ đầu năm đến nay, Washington và Seoul đã bắt đầu họp bàn về khả năng triển khai một hệ thống phòng thủ tên lửa mới, được gọi tắt là THAAD.

Thanh Hảo

Tình báo Mỹ 'mù tịt' về năng lực chế bom của Triều Tiên

Chỉ huy tình báo Mỹ thừa nhận "không thực sự biết" liệu có phải Triều Tiên đã thử nghiệm một thiết bị hạt nhân "tăng cường" trong năm nay hay không.

Giải mã vụ thử tên lửa ngầm của Triều Tiên

Nỗ lực ngày đêm của Triều Tiên nhằm đạt được năng lực về tên lửa đạn đạo phóng từ tàu ngầm (SLBM) đang báo trước điềm xấu cho sự ổn định của khu vực nói riêng và quốc tế nói chung.

Sự thực sức mạnh tên lửa ngầm của Triều Tiên

Triều Tiên tuyên bố vụ thử tên lửa đạn đạo phóng đi từ tàu ngầm là ‘thành công vĩ đại’, mang lại ‘thêm phương tiện tấn công hạt nhân hữu hiệu’.