- Tác giả của câu hỏi chất vấn gai góc trước QH về tình trạng “hoàng hôn nhiệm kỳ”, “chuyến tàu vét” - ĐB Lê Như Tiến đề nghị cấm quan chức trước khi nghỉ hưu ký bổ nhiệm, đề bạt cán bộ và ký những dự án đầu tư bằng tiền ngân sách lớn.

Trao đổi với VietNamNet bên hành lang QH, Phó chủ nhiệm UB Văn hóa, Thanh thiếu niên và Nhi đồng Lê Như Tiến nhấn mạnh, việc tăng tốc tham nhũng thời điểm “hoàng hôn nhiệm kỳ, làm những “chuyến tàu vét” trước khi hạ cánh sẽ rất có hại cho đất nước.

{keywords}
ĐB Lê Như Tiến. Ảnh: Hoàng Long

Theo ông, phải làm gì để hạn chế những “chuyến tàu vét”, tình trạng tham nhũng tăng tốc vào thời điểm “hoàng hôn nhiệm kỳ” như ông nói?

Tôi đề nghị Thanh tra Chính phủ có những quy định cụ thể, 3 tháng hay 6 tháng trước khi nghỉ hưu, quan chức không được ký bổ nhiệm, đề bạt cán bộ. Việc này, để cho người nhiệm kỳ sau người ta làm. Đồng thời cũng không ký những dự án đầu tư với tiền ngân sách lớn 10 tỷ trở lên hay 100 tỷ. 

Nếu có những quy định ấy thì rất tốt cho đất nước.

Đường đi của tài sản bất minh rất lắt léo

Như ông nói, hậu quả của tình trạng này để lại rất có hại cho đất nước. ĐB Dương Trung Quốc cũng nói hiện nay đang có hiện tượng “vô can sau khi về hưu”?

Nếu đã làm thất thoát, có dấu hiệu tham nhũng như thế, kể cả khi về hưu anh vẫn phải chịu trách nhiệm chứ không thể hạ cánh an toàn. 

Hiện nay, có hiện tượng mà tôi đã cảnh báo nhiều rồi, một số quan chức nhà nước trước khi nghỉ hưu đã chuyển dịch tài sản cho người thân. 

Vì vậy, khi yêu cầu kê khai tài sản phải thực hiện cả những người đương chức và những người thân trong gia đình họ.

Ví dụ, không có lý gì con mới vào tuổi thành niên mà đã có tài sản khổng lồ như nhiều mảnh đất, biệt thự, xe sang... Nếu người con không chứng minh được đó là tài sản của anh ta thì chắc chắn là bất minh.

Đường đi của tài sản bất minh hiện nay rất lắt léo,cơ quan chức năng phải vào cuộc. Tôi tin rằng cơ quan chức năng sẽ tìm ra được ngóc ngách con đường đi của tài sản bất minh.

Theo ông, các quan chức có nên tuyên thệ “không được tham nhũng” khi bắt đầu nhậm chức?

Tuyên thệ trong Hiến pháp chỉ quy định đối với những vị trí: Chủ tịch nước, Thủ tướng, Chủ tịch QH. Tuyên thệ là tuyên thệ trung thành với Hiến pháp, phục vụ tận tâm, tận lực với dân với nước. 

Nhưng chính ra chúng ta muốn là ở cấp thấp hơn, cấp trưởng ngành như bộ trưởng, chủ tịch tỉnh, những người hàng ngày thực hiện chủ trương chính sách, trực tiếp ký những dự án quyết định đầu tư. 

Tuyên thệ để thấy lòng tự trọng bị tổn thương

TP Hải Phòng có lễ hội Minh thề diễn ra hàng năm tái diễn lại cảnh những người làm việc công của làng thề: “Lấy chí công làm trọng, không xâm phạm của công” với ý nghĩa nhắc nhở quan chức nhà nước thề trước dân không tham nhũng nhưng việc này không diễn ra trong đời thực?

{keywords}
Lễ hội Minh thề tại Hải Phòng. Ảnh: Lao Động

Tuyên thệ chính là lời thề của những người giữ trọng trách, bằng danh dự cá nhân, tuyên thệ với dân với nước sẽ không vi phạm pháp luật, sẽ làm đúng bổn phận của mình. Họ lấy tấm lòng của mình, lấy danh dự của bản thân ra để tuyên thệ minh bạch, công khai với cử tri, nhân dân cả nước. Đó chính là chuyện rất nên làm.