Hãng thông tấn Interfax trích dẫn thông cáo của Bộ Quốc phòng Nga cho hay: “Cuộc tập trận chung Quyết tâm đồng minh 2022 đã khởi động tại các khu vực diễn tập của Cộng hòa Belarus ngày 10/2 như một phần giai đoạn kiểm tra thứ 2 đối với lực lượng phản ứng nhanh của nhà nước liên minh (bao gồm Nga và Belarus). Mục tiêu của cuộc tập trận là thực hành ngăn chặn và đẩy lùi kẻ xâm lược từ bên ngoài thông qua các hoạt động phòng thủ, chống khủng bố và bảo vệ lợi ích của nhà nước liên minh”.

Nhà chức trách Nga cho biết, sự kiện Quyết tâm đồng minh 2022 diễn ra từ ngày 10 - 20/2. Nga đã điều động khoảng 30.000 binh sĩ, bao gồm cả lực lượng đặc nhiệm Spetsnaz cùng nhiều khí tài, kể cả các hệ thống phòng thủ tên lửa S-400, tên lửa có khả năng mang đầu đạn hạt nhân Iskander, tiêm kích Su-35 và máy bay chiến đấu Su-25SM, đến Belarus để tham gia cuộc tập trận này.

Theo Reuters, căng thẳng vẫn ở mức cao khi Ukraina cũng tổ chức diễn tập quân sự cùng thời điểm, nhằm đáp trả động thái của Nga và Belarus. Bộ trưởng Quốc phòng Ukraina Oleksii Reznikov tuyên bố, quân đội nước này sẽ sử dụng cả máy bay không người lái Bayraktar, các tên lửa chống tăng NLAW và Javelin do các đối tác nước ngoài cung cấp cho các hoạt động tập trận kéo dài đến ngày 20/2.

{keywords}
Một binh sĩ Nga tham gia cuộc tập trận gần biên giới với Ukraina. Ảnh: Reuters

Tuy nhiên, các nhà lãnh đạo của tất cả các bên đều bày tỏ hy vọng có thể dùng ngoại giao giải quyết "cuộc khủng hoảng an ninh lớn nhất châu Âu trong nhiều thập kỷ" như mô tả của Thủ tướng Anh Boris Johnson.

Trong một nỗ lực ngoại giao mới, Ngoại trưởng Anh Liz Truss đã công du Moscow, cảnh báo người đồng cấp Nga Sergei Lavrov về các biện pháp trừng phạt cứng rắn của phương Tây nếu Ukraina bị tấn công. Ông Lavrov phản hồi rằng, Moscow ủng hộ ngoại giao để hóa giải căng thẳng, đồng thời khẳng định Nga không có kế hoạch tập kích hay đe dọa bất kỳ nước nào thông qua việc điều động quân bên trong lãnh thổ và tập trận ở Belarus.

Nhà ngoại giao hàng đầu Nga cũng cáo buộc phương Tây đang sử dụng Ukraina như chiêu bài chống Moscow, đồng thời tố cáo Kiev âm mưu viết lại các thỏa thuận nhằm chấm dứt xung đột với các lực lượng ly khai ở miền đông Ukraina.

Chuyến đi của bà Truss diễn ra sau các hoạt động ngoại giao con thoi của Tổng thống Pháp Emmanuel Macron, người đã đến Moscow và Kiev hồi đầu tuần này. Trái ngược với giới chức Mỹ và Anh, ông Macron tin Nga khó có khả năng sớm ra tay với nước láng giềng.

Moscow hiện yêu cầu Mỹ và các đồng minh phải có các nhượng bộ về an ninh, đảm bảo việc NATO không mở rộng về phía đông, không kết nạp Ukraina, không triển khai tên lửa gần biên giới nước này và rút bớt các cơ sở hạ tầng quân sự của liên minh ở châu Âu về mức năm 1997.

Theo Điện Kremlin, trong các phản hồi chính thức gửi tới Moscow vào ngày 26/1, cả Mỹ và NATO đã "phớt lờ" các đề xuất này.

Liên minh châu Âu (EU) ngày 10/2 cho biết đã gửi một lá thư thay mặt cả 27 ngoại trưởng của khối trả lời các đề xuất an ninh của Nga đối với các nước thành viên. Nội dung của thư hiện chưa được tiết lộ.

Tuấn Anh

>>> Xem thêm Tình hình căng thẳng tại Ukraina

Ảnh vệ tinh về hoạt động quân sự của Nga quanh Ukraina

Ảnh vệ tinh về hoạt động quân sự của Nga quanh Ukraina

Các ảnh vệ tinh mới công bố cho thấy Moscow đã gia tăng sự hiện diện quân sự ở nhiều địa điểm xung quanh Ukraina như Belarus, vùng Crưm và phía tây Nga.

Ông Putin có thực sự muốn hạ nhiệt khủng hoảng Ukraina?

Ông Putin có thực sự muốn hạ nhiệt khủng hoảng Ukraina?

Đằng sau những phản ứng, cảnh báo cứng rắn với phương Tây, giới quan sát phát hiện các dấu hiệu ám chỉ Tổng thống Nga Vladimir Putin muốn tránh leo thang khủng hoảng Ukraina.