Theo Ngân hàng Trung ương Nga, các hoạt động kinh tế của xứ sở bạch dương bắt đầu giảm vào tháng 3 năm nay sau khi Moscow mở chiến dịch tấn công quân sự vào Ukraine và bị Mỹ cùng các đồng minh áp trừng phạt. Ngân hàng cho biết, hiện đã có sự suy giảm trong hoạt động tiêu dùng, kinh doanh cũng như xuất - nhập khẩu ở Nga.

Trong tuyên bố ngày 29/4, Ngân hàng Trung ương Nga thừa nhận, các doanh nghiệp nước này đang đối mặt vô vàn khó khăn trong sản xuất và các khâu hậu cần. "Môi trường bên ngoài đối với nền kinh tế Nga vẫn còn đầy thách thức và kìm hãm đáng kể hoạt động kinh tế", trích tuyên bố.

Theo CNN, hồi đầu tháng 4, Ngân hàng thế giới từng dự báo, GDP của Nga sẽ giảm 11,2% trong năm 2002. Trong khi tuần trước, Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF) tiên lượng mức sụt giảm vào khoảng 8,5%.

Nhà chức trách Nga nhận định, nền kinh tế đất nước ít nhất tới cuối năm 2023 mới bắt đầu hồi phục dần dần trong bối cảnh chuyển đổi cấu trúc.

Các dự báo được đưa ra giữa lúc Ngân hàng Trung ương Nga quyết định cắt giảm lãi suất từ 17% xuống 14%. Họ cho biết, hoạt động tiêu dùng chậm lại và sự phục hồi của đồng Rúp đã làm giảm nhẹ tỷ lệ lạm phát trong nước.

Mỹ huấn luyện lính Ukraine ở Đức

Lầu Năm góc thông báo đã bắt đầu quá trình huấn luyện bổ sung cho các lực lượng vũ trang Ukraine tại căn cứ quân sự của Mỹ ở Đức.

“Những nỗ lực này được xây dựng dựa trên quá trình huấn luyện pháo binh ban đầu mà các lực lượng của Ukraine đã nhận được ở những nơi khác. Chúng cũng bao gồm việc huấn luyện sử dụng hệ thống radar và xe bọc thép được chuyển giao trong gói viện trợ quân sự công bố gần đây", Thư ký báo chí Lầu Năm Góc John Kirby nói tạo một cuộc họp báo mới.

Lực lượng Vệ binh quốc gia bang Florida sẽ đảm trách việc huấn luyện binh sĩ Ukraine tại Đức. Ảnh: AP

Theo ông Kirby, Đức là một trong 3 địa điểm được Mỹ sử dụng để huấn luyện các tay súng của Kiev bên ngoài lãnh thổ Ukraine. Song, ông từ chối tiết lộ tên 2 nước còn lại.

Phát ngôn viên của Bộ Quốc phòng Mỹ nói thêm, "phần lớn khóa huấn luyện" sẽ do lực lượng Vệ binh quốc gia bang Florida đảm nhiệm. Lực lượng này từng đào tạo binh lính Ukraine trước khi được lệnh rút khỏi quốc gia Đông Âu hồi tháng 2.

CNN dẫn lời một quan chức quốc phòng cấp cao Mỹ ngày 29/4 cho biết, hơn 12 chuyến bay chở khí tài viện trợ từ Mỹ cho Kiev dự kiến sẽ tới một nước châu Âu để trung chuyển vào Ukraine "trong 24 giờ tới". Các lô hàng viện trợ bao gồm hơn 155 hệ thống lựu pháo, một số máy bay không người lái "Bóng ma phượng hoàng" và một số radar.

Quan chức Mỹ nói thêm, trong vòng 24 giờ qua đã có gần 20 chuyến không vận vũ khí từ 7 nước khác nhau cho Ukraine.

Đức cân nhắc gửi lựu pháo cho Ukraine

Cùng ngày, một nguồn tin an ninh tiết lộ với Reuters, Đức đang cân nhắc gửi các hệ thống lựu pháo tầm xa cho Ukraine. Điều này đã xác nhận thông tin do tờ báo Welt am Sonntag đăng tải chỉ vài ngày sau khi Berlin quyết định chuyển giao vũ khí hạng nặng cho Kiev để chống lại chiến dịch tấn công quân sự của Nga.

Một hệ thống lựu pháo của quân đội Đức. Ảnh: Reuters

Động thái tiếp sau khi Điện Kremlin cảnh báo, việc phương Tây cung cấp khí tài cho nước láng giềng Nga đe dọa an ninh của châu Âu và "kích động sự bất ổn". Moscow khẳng định các chuyến viện trợ vũ khí của phương Tây do đó là "mục tiêu tấn công hợp pháp" của quân đội Nga.

Kiev đã tăng cường kêu gọi quốc tế chuyển giao vũ khí hạng nặng khi Nga chuyển hướng giai đoạn 2 của cuộc chiến tập trung vào Donbass, khu vực miền đông Ukraine với địa hình mở, hầu như bằng phẳng và được coi là phù hợp cho việc sử dụng xe tăng hơn các khu vực khác ở phía bắc, quanh thủ đô Kiev ở giai đoạn đầu cuộc chiến.

Nguồn thạo tin nói, Berlin đang thảo luận với chính phủ Hà Lan về việc chuyển giao Panzerhaubitze 2000, một trong những vũ khí pháo binh mạnh nhất của quân đội Đức, có thể tấn công mục tiêu ở cách xa 40km.

Hãng tin ANP ngày 26/5 đưa tin, Hà Lan dự định cung cấp "số lượng hạn chế" các loại lựu pháo tương tự cho Ukraine, khi Đức đã đề nghị huấn luyện và cấp đạn dược cho các khí tài do công ty quốc phòng Đức KMW chế tạo.

Kiev yêu cầu người dân tạm ngưng sử dụng xe cá nhân

Nhà chức trách ở thủ đô Kiev của Ukraine đã yêu cầu các cư dân không sử dụng xe hơi cá nhân để tiết kiệm nhiên liệu cho quân đội.

Cần cẩu đang di dời chiếc xe hơi bị thiêu rụi phía trước một tòa chung cư bị tàn phá sau cuộc pháo kích của quân Nga vào quận Obolon, tây bắc thủ đô Kiev, Ukraine. Ảnh: Aljazeera 

"Các cư dân Kiev, nếu các bạn quay trở về thủ đô, xin hãy dùng các phương tiện giao thông công cộng nếu có thể. Những người đã ở các nơi an toàn (ngoài Kiev), hãy chờ đợi cho đến thời điểm thích hợp để quay về", Mykola Povoroznyk, phó lãnh đạo chính quyền Kiev nhấn mạnh, đồng thời giải thích nhà chức trách đang phải ưu tiên cho nhu cầu sử dụng nhiên liệu của quân đội và các lực lượng bảo vệ đất nước.

Theo ông Povoroznyk, mạng lưới giao thông công cộng của Kiev hiện không gặp vấn đề gì. Nhà chức trách khuyến nghị người dân đã đi sơ tán không vội quay về thành phố do vẫn còn nguy cơ Nga tấn công bằng tên lửa. 

Khoảng 1/3 cư dân ở thủ đô Ukraine được cho đã di tản sau khi chiến sự bùng nổ. Trong một cuộc phỏng vấn mới với các nhà báo Ba Lan, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskiy cho biết, kể từ khi các lực lượng Nga rút khỏi Kiev hồi cuối tháng 3, nhà chức trách đã phát hiện 900 thi thể bị chôn vùi trong các ngôi mộ tập thể tại đây. 

Tuấn Anh

Ukraine hé lộ tổn thất trong trận chiến với Nga ở miền đôngMột cố vấn của tổng thống Ukraine thừa nhận, quân đội nước này đã hứng chịu tổn thất nghiêm trọng khi các lực lượng Nga tăng gấp đôi nỗ lực nhằm chiếm hoàn toàn vùng Donbass, phía đông đất nước.