Lãnh đạo Nhà Trắng từng tuyên bố, Nga cần phải bị loại khỏi nhóm 20 nền kinh tế lớn (G20) vì chiến dịch tấn công quân sự ở Ukraine. Các quan chức cấp cao trong chính quyền ông Biden đã rời khỏi những sự kiện G20 gần đây có sự hiện diện của các đại biểu Nga nhằm bày tỏ sự phản đối Moscow.
Phía Mỹ cũng đã có các cuộc thảo luận với Indonesia, quốc gia sẽ tổ chức hội nghị thượng đỉnh G20 vào tháng 11 tới về việc đẩy mạnh lên án Nga. Tuy nhiên, theo CNN, hiện chưa có quyết định tẩy chay cuộc họp của các nhà lãnh đạo nhóm do vẫn còn 6 tháng nữa sự kiện mới diễn ra.
Các quan chức Mỹ tiết lộ, nhiều khả năng Washington sẽ không quyết định bỏ họp khi họ cân nhắc những mặt trái của động thái và việc nhường lại diễn đàn cho Nga và Trung Quốc.
"Tổng thống Biden đã công khai bày tỏ phản đối người đồng cấp Nga Putin dự thượng đỉnh G20", thư ký báo chí Nhà Trắng Jen Psaki cho biết hôm 29/4. Bà Psaki lưu ý, hiện còn quá sớm để nói hội nghị sẽ trông như thế nào.
Nhà Trắng hiểu rõ thực tế là G20 sẽ không loại Nga khỏi nhóm, vì quyết định này đòi hỏi sự đồng thuận và Trung Quốc đã bày tỏ rõ ràng rằng họ không ủng hộ động thái như vậy. Điều đó tạo nên kịch bản khác so với khi Nga bị trục xuất khỏi nhóm G8 tiếp sau việc sáp nhập bán đảo Crưm.
Theo bà Psaki, Nhà Trắng biết Indonesia đã mời ông Putin dự hội nghị thượng đỉnh G20 trước khi chiến sự bùng nổ ở Ukraine ngày 24/2. Indonesia cũng gửi lời mời Ukraine dự họp với tư cách khách mời, một động thái được Mỹ hoan nghênh.
Trong tuyên bố mới, Tổng thống Indonesia đã nhấn mạnh đến sự thống nhất giữa các nước thành viên của nhóm.
"Indonesia muốn đoàn kết G20. Đừng để xảy ra sự chia rẽ trong nhóm. Hòa bình và sự ổn định là chìa khóa cho sự phục hồi và phát triển của kinh tế thế giới", Tổng thống Indonesia Joko Widodo nhấn mạnh trong một tuyên bố của nội các ngày 29/4.
Tuấn Anh