Bộ Quốc phòng Nga ngày 29/4 đã cho công bố một đoạn video quay cảnh một loạt tên lửa Kalibr bay lên từ biển và lao vút về phía đường chân trời. Nhà chức trách Nga mô tả chúng đang nhắm bắn các mục tiêu quân sự ở Ukraine.

Theo hãng thông tấn Interfax, đây là lần đầu tiên quân đội Nga thông báo việc dùng hạm đội tàu ngầm để tập kích nước láng giềng kể từ khi chiến sự bùng phát ngày 27/4.

Động thái diễn ra không lâu sau khi giới chức Ukraine tố cáo các lực lượng Moscow đã nã 2 tên lửa hành trình vào thủ đô Kiev khi Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Antonio Guterres đang ở thăm thành phố này và gặp Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky. Bộ trưởng Quốc phòng Ukraine Oleksi Rezniko cáo buộc đó là cuộc tấn công nhằm vào an ninh của người đứng đầu Liên Hợp Quốc và an ninh của thế giới. 

Chính quyền Kiev cho hay, một trong 2 quả tên lửa đã bắn trúng một tòa chung cư, làm ít nhất 3 người bị thương. Tên lửa còn lại rơi xuống một cơ sở không người, gần tòa nhà trên.

Cho đến nay, Moscow vẫn chưa có bất kỳ bình luận nào về thông tin của Kiev.

NATO cam kết hậu thuẫn Ukraine dài hạn

Tổng thư ký tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) Jens Stoltenberg khẳng định, liên minh quân sự này sẵn sàng duy trì sự hỗ trợ dành cho Ukraine trong cuộc chiến kéo dài chống Nga.

Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg. Ảnh: Reuters

Phát biểu tại một hội nghị của thanh niên ở Brussels ngày 28/4, ông Stoltenberg nói: "Hoàn toàn có khả năng cuộc chiến này sẽ kéo dài nhiều tháng, nhiều năm. Các đồng minh NATO đang chuẩn bị cung cấp hỗ trợ trong một thời gian dài cũng như giúp Ukraine chuyển đổi từ khí tài cũ thời Liên Xô sang các vũ khí và hệ thống hiện đại hơn theo tiêu chuẩn NATO, vốn sẽ đòi hỏi binh lính phải được đào tạo sử dụng nhiều hơn".

Ông Stoltenberg cho biết thêm, phương Tây sẽ tiếp tục gây áp lực tối đa với Tổng thống Nga Vladimir Putin nhằm buộc Moscow phải chấm dứt chiến dịch quân sự ở bên kia biên giới.

Theo Reuters, hầu hết vũ khí hạng nặng mà các nước NATO viện trợ cho Ukraine đến nay đều là vũ khí do Liên Xô chế tạo, vẫn còn trong kho của các quốc gia thành viên ở Đông Âu. Song, Mỹ và một số đồng minh khác đã bắt đầu cung cấp cho Kiev các loại pháo phương Tây. 

Đức hôm 26/4 thông báo sẽ chuyển giao các hệ thống pháo phòng không tự hành Gepard cho Ukraine, đánh dấu lần đầu tiên Berlin phê chuẩn việc cung cấp vũ khí hạng nặng cho Kiev. 

Hà Lan tái mở đại sứ quán ở Kiev

Ngoại trưởng Hà Lan Wopke Hoekstra. Ảnh: Reuters

Reuters dẫn lời Ngoại trưởng Hà Lan Wopke Hoekstra thông báo nước này sẽ cho tái mở cửa đại sứ quán ở thủ đô Kiev của Ukraine trong ngày 29/4. Lãnh sự quán của Hà Lan ở Lviv, miền tây Ukraine đã hoạt động trở lại từ tuần trước.

"Một nhóm nhỏ nhân viên đại sứ quán ở đó (Kiev) sẽ phối hợp chặt chẽ với nhà chức trách Ukraine và các nước đối tác khác. Điều quan trọng là chúng tôi phải hỗ trợ Ukraine trên thực địa", ông Hoekstra viết trên Twitter.

Chỉ 2 ngày sau khi binh lính Nga tiến vào Ukraine, Amsterdam đã cho di tản các đại diện ngoại giao khỏi quốc gia Đông Âu. Ngoài Hà Lan, nhiều nước châu Âu khác, bao gồm cả Pháp, cũng có động thái tương tự và gần đây tuyên bố sẽ cho tái mở cửa các đại sứ quán của họ ở Kiev.

Tuấn Anh

Nga thất thế trong 'chiến tranh mạng' với Ukraine?Giữa lúc các lệnh trừng phạt của phương Tây đang gây khó khăn cho nền kinh tế và quân đội hứng chịu tổn thất trong chiến dịch quân sự ở Ukraine, Nga còn phải đối mặt với một thách thức mới.