Những năm gần đây, thói quen mua sắm của người Việt đang dần thay đổi. Với sự phổ biến của Internet và các nền tảng số, người Việt ngày càng có xu hướng mua sắm online (trên mạng) nhiều hơn, đặc biệt là trong dịp cuối năm.

Báo cáo về hành vi mua sắm của người tiêu dùng trong dịp Tết do Metric thực hiện đã đưa ra nhiều dự báo đáng chú ý. 

Theo đó, trong dịp Tết 2025, các nhóm hàng, ngành hàng có tiềm năng tăng trưởng mạnh trên các sàn thương mại điện tử là thực phẩm đồ uống, đặc biệt là thực phẩm tươi sống, rau củ, bánh kẹo, đồ uống không cồn.

Ngoài ra, các sản phẩm làm đẹp (chăm sóc da mặt, chăm sóc tóc), thời trang và bộ quà tặng Tết được dự báo cũng sẽ tăng trưởng.

canh giac chieu tro lua dao trong giao dich vi dien tu va gia mao shipper 7241.jpg
Sự phổ biến của các công cụ thanh toán số cũng góp phần thúc đẩy việc mua bán online. Ảnh: Hoàng Hà

So với mọi năm, tâm lý mua sắm của người tiêu dùng trong dịp Tết 2025 là ưu tiên mua sắm trên sàn thương mại điện tử bởi sự tiện lợi, đa dạng, mặc dù vẫn còn những nỗi lo ngại về vấn đề giao hàng chậm trễ. 

Người tiêu dùng sẽ có xu hướng mua sắm tiết kiệm hơn bằng cách chủ động mua sắm Tết sớm, tìm kiếm khuyến mãi gần Tết. Chi tiêu cho thực phẩm và đồ uống tốt cho sức khỏe cũng sẽ được ưu tiên. 

Để thu hút người tiêu dùng dịp Tết, các nhà bán hàng trên mạng được khuyến cáo đẩy mạnh ngân sách chạy quảng cáo cao hơn 10-30% so với ngày thường.

Thời điểm chạy quảng cáo lý tưởng nhất là từ 3-6 tuần trước Tết với cả hai hình thức chạy nội sàn (quảng cáo tìm kiếm) và ngoại sàn (quảng cáo trên mạng xã hội).

Trước đó, trong dịp Tết năm 2024, tổng doanh số trên các bán lẻ trực tuyến chiếm 4,6% tổng doanh thu của thị trường bán lẻ Việt Nam, tăng hơn 100% so với năm 2023.

Hoạt động mua bán trên sàn thương mại điện tử cũng được ghi nhận tăng tới 104% về sản lượng so với năm trước đó.