Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm yêu cầu phải tiếp tục triển khai mạnh mẽ, đồng bộ các giải pháp; kiên quyết, kiên trì đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực theo đúng phương châm “không ngừng, không nghỉ, không có vùng cấm, không có ngoại lệ, bất kể người đó là ai; truy tố một vụ, cảnh tỉnh cả vùng, cả lĩnh vực”.

Chỉ đạo này tiếp tục được nhân dân ủng hộ vì người dân đánh giá rất cao công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng và, hơn nữa, để củng cố, tăng cường niềm tin của nhân dân đối với Đảng và Nhà nước.

tong bi thu to lam 2 2087 2136.jpg
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm. Ảnh: Trí Dũng/TTXVN

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm nhấn mạnh tại phiên họp thứ 26, ngày 14/8, của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực: Phòng, chống tham nhũng, tiêu cực phải phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, không vì đẩy mạnh công tác này mà ảnh hưởng, cản trở phát triển kinh tế, xã hội.

Để nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội là “trung tâm”, đáp ứng được các mục tiêu phát triển, như đề cập trong bài viết Điểm "trung tâm" trong bài viết đầu tiên của Tổng Bí thư Tô Lâm, cần đặt ra nhiều giải pháp, trong đó đáng kể nhất là phải chữa được căn bệnh trì trệ.

“Đá lên, đá xuống”

Căn bệnh này ngày càng trở nên trầm trọng hơn. Tình trạng “đùn đẩy”, “né tránh”, “sợ sai”, “sợ trách nhiệm” đã trở nên phổ biến dù đã có các chủ trương, chính sách rất quyết liệt.

Bệnh trì trệ đang làm chậm quá trình phát triển của đất nước vì những chủ trương, chính sách và giải pháp đi kèm có tốt đến mấy nhưng triển khai chậm thì các chủ trương, chính sách đó chỉ dừng ở trên giấy, thậm chí trong không ít trường hợp đã biến “cơ” thành “nguy”.

Luật Đất đai là một ví dụ. Luật này được kỳ vọng giúp tháo gỡ những nút thắt trong thị trường bất động sản, làm cho thị trường này hoạt động theo những tín hiệu thị trường hơn là can thiệp hành chính.

Để hỗ trợ cho thị trường bất động sản đang gặp khó khăn, các nhà hoạch định chính sách quyết tâm đưa Luật vào thực hiện sớm trước nửa năm. Ấy vậy mà bảng giá đất do Ủy ban nhân dân cấp tỉnh ban hành theo quy định của Luật Đất đai năm 2013 lại được đề nghị tiếp tục áp dụng kéo dài đến cuối năm 2025. Việc chậm trễ này đang tác động rất lớn đến việc định giá, giao dịch đất đai trên toàn quốc.

Tình trạng chậm chạp, trì trệ từng được Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng nói tại diễn đàn Quốc hội. Nhà máy ô tô Tesla ở Thượng Hải (Trung Quốc) từ khi khởi công đến khi khánh thành đi vào hoạt động chỉ đúng 11 tháng; Một trung tâm thương mại lớn từ khi xây dựng và đi vào hoạt động cũng chỉ mất có 6 tháng.

“Người ta làm như vũ bão, còn chúng ta cái gì cũng xin - cho; không phân cấp, phân quyền; không dám nghĩ, dám làm, cứ đá lên đá xuống thì rất khó. Nếu chúng ta không cải cách nhanh thì nhà đầu tư sẽ đi chỗ khác”, ông nói.

Hiện tại, mỗi năm tổng vốn đầu tư toàn xã hội ước đạt 3,4 triệu tỷ đồng (13,6 tỷ USD). Nếu khắc phục được tình trạng chậm chạp của các dự án đầu tư công, đầu tư từ khâu phê duyệt đến thực thi, thì nguồn vốn này sẽ mang lại hiệu quả như thế nào đối với sự phát triển kinh tế - xã hội.

Thử làm một phép tính về khoảng thời gian chậm trễ tính bằng thập kỷ, số vốn tính bằng hàng chục triệu USD mà một dự án tàu điện đô thị đã gây ra ở hai đầu tàu kinh tế Hà Nội và TP.HCM, mới thấy cái giá phải trả rất lớn cho tất cả các dự án này.

Vì sao có tình trạng này? Trước hết, hệ thống pháp luật của chúng ta quá phức tạp. Một vấn đề pháp lý được quy định tại nhiều văn bản khác nhau với các cấp độ khác nhau; không ít quy định thiếu rõ ràng, thiếu cụ thể, chồng chéo và khác nhau, xung đột nhau, có thể hiểu nhiều cách; và cuối cùng không biết đúng thế nào, sai ra sao.

Một luật có nhiều nghị định hướng dẫn. Một nghị định có nhiều thông tư hướng dẫn. Trung bình mỗi luật có 45 văn bản hướng dẫn, trong đó có 34 thông tư và 11 nghị định. Vấn đề là, nghị định thay đổi thường xuyên; xuống đến cấp thông tư còn thay đổi hơn so với nghị định. Thông tư của các bộ khác nhau, có thể hướng dẫn khác nhau, gây chồng chéo, mâu thuẫn, không thể tiên liệu được.

Hơn nữa, một vấn đề có thể có nhiều cách hướng dẫn khác nhau, tuỳ thuộc vào ý muốn và yêu cầu quản lý nhà nước của các cơ quan có thẩm quyền. Thực tế này đang làm khó các cơ quan quản lý trước tiên, gây ra sự trì trệ, né tránh của các cán bộ, công chức.

Hồi năm ngoái, Chủ tịch TP.HCM từng cho biết, có 4 nhóm vấn đề mà TP.HCM phải gửi văn bản hỏi ý kiến của một bộ vì các sở, ngành không quyết được. Nhóm 1 là các vấn đề thực tiễn của TP.HCM phát sinh, quy định pháp luật chưa có. Nhóm 2 là có những vấn đề đã có quy định nhưng còn sự khác nhau giữa luật này và luật kia. Nhóm 3 là đã có quy định nhưng cách hiểu còn khác nhau. Nhóm 4 là đã có quy định nhưng việc nghiên cứu còn nhiều điểm chưa chắc chắn.

“Nếu quy các trường hợp của nhóm 4 là sợ, không dám làm thì có thể đúng, nhưng các nhóm còn lại phải hỏi”, Chủ tịch UBND TPHCM phân tích, và cho rằng: “Thực tế trong hơn 600 văn bản bộ trả lời cũng có rất nhiều nội dung trả lời không rõ, căn cứ vào câu trả lời cũng không biết sao mà làm”.

Hoan Kiem.jpg
Sự trì trệ của hệ thống hành chính là hiện tượng hiếm có kể từ khi Đổi mới chuyển đổi sang kinh tế thị trường trong mấy chục năm nay. Ảnh minh hoạ: Hoàng Hà

Câu chuyện giấy phép con

Luật Đầu tư hiện hành có Danh mục 227 ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện. Tuy nhiên, trong nhiều luật và các văn bản hướng dẫn dưới luật, theo các nhà kinh tế, có hơn 700 với “nhiều ngàn” quy định về điều kiện kinh doanh.

Tình trạng trên cho thấy, các loại giấy phép “con”, giấy phép “cháu” tràn lan đang tiếp tục gây nên sự chậm trễ trong phát triển kinh tế đất nước. Đến lúc này cần rà soát lại kỹ càng nhóm ngành nghề kinh doanh có điều kiện để xóa bỏ bớt danh mục ngành nghề kinh doanh.

Thực tế áp dụng pháp luật hiện nay đã làm các cán bộ công chức e dè. Họ phải làm đúng quy định một cách tối đa có thể được; và nếu không biết làm thế nào là đúng hoặc chưa thật an toàn thì chưa làm. Vì vậy, xét về quyền và lợi ích cá nhân họ, thì không làm tốt hơn làm, làm ít tốt hơn nhiều, làm chậm tốt hơn nhanh; trong trường hợp cần thiết thì “câu giờ” bằng nhiều cách khác nhau.

Sự trì trệ của hệ thống hành chính là hiện tượng hiếm có kể từ khi Đổi mới chuyển đổi sang kinh tế thị trường trong mấy chục năm nay. Nhiều cán bộ né tránh, đùn đẩy trách nhiệm. Họ chỉ ra quyết định về một vấn đề nào đó thuộc thẩm quyền khi được bảo đảm an toàn 100% về mặt pháp lý. Còn về cơ quan, tổ chức, để giải quyết một vấn đề, nhất là liên quan đến đất đai, đầu tư, xây dựng thì xin ý kiến lòng vòng tất cả các sở ngành có liên quan (ở cấp tỉnh), thậm chí hỏi các bộ ngành và quyết định về cơ bản trên cơ sở đồng thuận.

Hệ quả là, các công việc mà người dân cần đến cơ quan nhà nước có thẩm quyền hoặc không giải quyết được, hoặc giải quyết rất chậm, kéo dài thời gian và tốn kém chi phí gấp nhiều lần so với trước. Những khó khăn, vướng mắc, ách tắc do cơ chế, luật pháp tạo nên được doanh nghiệp và người dân phản ánh, không được quan tâm giải quyết.

Việc khuyến khích cán bộ dám nghĩ, dám làm, năng động, sáng tạo… mới chỉ dừng ở  động viên chứ không thành động lực. Sự trì trệ của bộ máy đang kéo theo sự trì trệ hoạt động đầu tư, kinh doanh của người dân và doanh nghiệp.

Thống nhất nhận thức về kỷ nguyên mới

Việt Nam là nền kinh tế chuyển đổi, nguồn lực đất đai, tài nguyên, tài chính đang dịch chuyển từ khu vực công sang khu vực tư, tạo mảnh đất màu mỡ cho thông đồng, tham nhũng.

Vì lẽ đó, để chống tham nhũng phải “nhốt quyền lực vào lồng cơ chế”, như cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã khẳng định và được Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm làm rõ thêm khi yêu cầu tiếp tục đẩy mạnh xây dựng, hoàn thiện đồng bộ thể chế để phòng chống tham nhũng, tiêu cực trong đó trọng tâm là hoàn thiện thể chế về kiểm soát quyền lực và phát huy mạnh mẽ vai trò của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội, báo chí và Nhân dân.

Thực tiễn hiện nay đang đặt ra nhiều thách thức gay gắt, đòi hỏi cần xử lý, giải quyết ngay vì chậm là mất cơ hội, thậm chí biến “cơ” thành “nguy”.

Xin trích dẫn một số ý rất quan trọng của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước tại phiên họp của Thường trực Tiểu ban Văn kiện, như một lời giải hiệu quả cho thực tiễn đó:

Cần thống nhất nhận thức về khởi điểm lịch sử mới, kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam, từ đó có những đổi mới mạnh mẽ hơn nữa về hình thức và nội dung các văn kiện.

Nghiên cứu lý luận trên cơ sở tổng kết thực tiễn, đứng trên mảnh đất thực tiễn Việt Nam để định ra phương pháp cho cách mạng Việt Nam trong thời đại mới.

Nội dung văn kiện phải bảo đảm phát huy cao nhất tinh thần "tự chủ, tự tin, tự lực, tự cường, tự hào dân tộc"; mở ra triển vọng phát triển mới, mở rộng không gian sinh tồn.

Đẩy mạnh toàn diện, đồng bộ công cuộc đổi mới, phát triển nhanh và bền vững đất nước, củng cố tiềm lực quốc gia. Xây dựng, hoàn thiện đồng bộ thể chế phát triển đất nước, đặc biệt là thể chế phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa hiện đại, hội nhập.

Xem lại bài 1: Điểm “trung tâm” trong bài viết đầu tiên của Tổng Bí thư Tô Lâm