CTCP Đầu tư Thế Giới Di Động (MWG) của ông Nguyễn Đức Tài vừa công bố kết quả kinh doanh 4 tháng đầu năm 2019 với doanh thu bất ngờ tăng thêm hơn 4,4 ngàn tỷ so với cùng kỳ 2018 lên hơn 34,1 ngàn tỷ đồng; lợi nhuận tăng 36% lên hơn 1,4 ngàn tỷ đồng.

Một điểm nhấn trong hoạt động kinh doanh của Thế Giới Di Động của ông Nguyễn Đức Tài là doanh thu mảng online tăng mạnh 69% so với cùng kỳ lên hơn 6 ngàn tỷ đồng.

Đóng góp của doanh thu online trong tổng doanh thu của Thế Giới Di Động tiếp tục tăng lên 18%, so với mức 12% trong cùng kỳ năm trước. Các con số này cũng khẳng định vị trí số 1 của MWG về doanh số bán lẻ hàng hoá trực tuyến. Với những diễn biến trong 4 tháng đầu năm 2019, Thế Giới Di Động của ông Nguyễn Đức Tài lại được kỳ vọng sẽ có sự bứt phá trong mảng bán lẻ, nhất là mảng trực tuyến. 

{keywords}
Thế Giới Di Động của ông Nguyễn Đức Tài bất ngờ di dấu ấn sau sự kiện Nhật Cường Mobile.

Cũng theo báo cáo, hầu hết các sản phẩm chính như điện thoại, điện tử điện lạnh, gia dụng… đều tăng vọt so với cùng kỳ năm ngoái, trong bối cảnh nắng nóng gia tăng ở cả miền Bắc và miền Nam.

Mảng Bách Hóa Xanh của MWG cũng bắt đầu bứt phá với dấu mốc 500 cửa hàng với những cửa hàng trung bình phục vụ hơn ngàn người/ngày.

Mặc dù bứt phá mạnh nhưng triển vọng của Thế Giới Di Động một lần nữa lại đối mặt với thách thức. Mảng cốt lõi bán điện thoại của MWG đứng trước nguy cơ suy giảm lợi nhuận sau sự cố Huawei, với khả năng điện thoại của ông lớn Trung Quốc này có thể sẽ không còn được dùng chip và dịch vụ của các ông lớn Mỹ trong bối cảnh cuộc chiến Mỹ - Trung leo thang. Và điện thoại Huawei bị lo ngại giá sẽ giảm, “rẻ như cho”.

Sự cố ông chủ Nhật Cường Mobile bị truy nã trước đó để điều tra về các tội buôn lậu và vi phạm quy định về kế toán gây hậu quả nghiêm trọng cũng khiến không ít người lo ngại đến tình hình kinh doanh của Thế Giới Di Động.

Cho tới thời điểm này, Thế Giới Di Động chưa nói gì về kế hoạch tiếp tục bán điện thoại Huawei nữa hay không. Còn trên thực tế, doanh nghiệp của ông Tài vẫn đang bán các mẫu điện thoại cũng như đồng hồ của ông lớn công nghệ Trung Quốc với nhiều mã giảm giá. 

{keywords}
Chưa có kế hoạch về Huawei.

Cuộc chiến trên thị trường bán lẻ, trong đó có bán lẻ điện thoại, điện máy và bán lẻ thực phẩm... đang ngày càng khốc liệt. Nhưng sau những sự kiện như Nhật Cường dính phốt lớn hay nhiều ông lớn bán lẻ chia tay thị trường Việt, các đại Việt vẫn đặt ra những kế hoạch lớn tỷ USD.

Vingroup của ông Phạm Nhật Vượng vừa dấn thân vào một cuộc chơi không gian ảo, đi đầu một mặt trận mới nhằm cải thiện vị thế trong lĩnh vực bán lẻ với việc đưa vào hoạt động siêu thị ảo VinMart (Virtual Store) cùng với ứng dụng mua sắm Scan & Go. Đây là lần đầu tiên một hình thức mua bán hàng hóa kiểu này có mặt tại Việt Nam  sau khi một vài tập đoàn trên thế giới ghi nhận những thành công ban đầu ở một vài thị trường.

Trước đó, Vingroup của ông Phạm Nhật Vượng cũng đã thâu tóm chuỗi cửa hàng lâu đời Viễn Thông A để phục vụ cho mục tiêu phát triển bán lẻ điện thoại. Điểm khác của Vinsmart là trực tiếp mua công nghệ và sản xuất ra điện thoại để cạnh tranh với hàng loạt các ông lớn công nghệ trên thế giới. 

{keywords}
Huawei đang bị tẩy chay và bị Mỹ tấn công.

FPT Retail của ông Trương Gia Bình cũng mở rộng nhanh chuỗi cửa hàng bán lẻ điện thoại và đã có được những nguồn vốn từ các nhà đầu tư nước ngoài. FPT Retail thậm chí còn phối hợp bán hàng cho Nguyễn Kim và cho phép người mua đặt mua hàng ngoại ngay trên trang web của mình thông qua các ông lớn như Amazon và Alibaba.

Trên thị trường chứng khoán (TTCK), cổ phiếu MWG của ông Nguyễn Đức Tài lên cao nhất 6 tháng, VIC của ông Vượng cũng ở vùng cao nhất nửa năm qua… Những người trụ lại trên thị trường tiếp tục khẳng định vị thế. Tuy nhiên, cuộc chiến trên một thị trường bán lẻ ngày càng dựa vào công nghệ sẽ còn thay đổi nhiều. Nhiều vị trí sẽ còn thay đổi và cuộc đua tới đích sẽ còn chứng kiến nhiều tên tuổi bị loại ra khỏi danh sách.

TTCK chịu áp lực giảm khá mạnh sau khi nhóm bluechips và dầu khí đồng loạt giảm sâu, VN-Index chốt tuần lùi về 970 điểm. Nhiều trụ cột giảm điểm như: Bộ 3 cổ phiếu của tỷ phú Vượng Vingroup, Vinhomes, Vincom Retail, các cổ phiếu lớn khác như: Petrolimex, Bảo Việt, Vinamilk...

Một số công ty chứng khoán (CTCK) vẫn có những cái nhìn thận trọng trong các dự báo.

Theo Chứng khoán Bảo Việt, VN-Index dự báo sẽ giảm về vùng hỗ trợ 960-965 điểm trong những phiên đầu tuần mới. Rủi ro giảm điểm của thị trường đang có dấu hiệu gia tăng trở lại sau khi chỉ số một lần nữa thất bại tại vùng kháng cự quan trọng 993-1000 điểm.

Nếu thị trường tiếp tục xuyên thủng vùng hỗ trợ trên thì khả năng giảm về vùng đáy 940-950 điểm hoặc sâu hơn là kịch bản cần được tính đến trong thời gian tới. Việc khối ngoại liên tục đẩy mạnh bán ròng đang tạo ra hiệu ứng tâm lý tiêu cực đến thị trường và dự kiến sẽ còn tạo ra rủi ro đáng kể đối với xu hướng của thị trường trong ngắn hạn.

Đóng cửa phiên giao dịch ngày 24/5, VN-Index giảm 12,68 điểm xuống 970,03 điểm; HNX-Index giảm 0,91 điểm xuống 105,39 điểm và Upcom-Index giảm 0,12 điểm xuống 55,27 điểm. Thanh khoản đạt 210 triệu đơn vị, trị giá 4,6 ngàn tỷ đồng

H. Tú