“Bên cạnh các điểm nghẽn về hạ tầng hay điểm nghẽn về tiếp cận tài chính, tiếp cận đất đai, theo tôi điểm nghẽn quyết định mọi sự thành công của chính sách chính là ở con người”- Nguyễn Thị Cúc, nguyên Phó Tổng cục trưởng Cục Thuế.

LTS- Hôm 13/12/2016, tại Hà Nội, Ban Kinh tế Trung ương cùng cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (UAID) đã tọa đàm tham vấn ý kiến chuyên gia về báo cáo nghiên cứu “Chẩn đoán điểm nghẽn tăng trưởng và Bản đồ năng lực sản xuất của Việt Nam”. Tuần Việt Nam xin giới thiệu một số ý kiến đáng chú ý.

Bà Nguyễn Thị Cúc, nguyên Phó tổng cục trưởng Tổng cục thuế: Điểm nghẽn lớn nhất là con người

1. Sáng nay tôi phải đi hơn 1 tiếng đồng hồ từ phố Trung Hòa-Nhân Chính mới tới được cuộc tọa đàm này (tại KS. Melia, 44 Lý Thường Kiệt- PV). Tôi đã ý thức phải đi từ rất sớm, nhưng vẫn bị đến muộn. Chỉ cần làm phép tính đơn giản, ngần ấy con người ở Hà Nội, hàng ngày phải trải qua 1 giờ để tham gia giao thông cho một đoạn đường ngắn như vậy sẽ thấy chúng ta đang tốn kém như thế nào, lãng phí như thế nào?

Chỉ tính riêng phạm vi khu Trung Hòa – Nhân Chính đã có tới mấy chục công trình xây dựng chung cư cao tầng đã hoàn thiện và đang tiếp tục mọc lên. Ai đã cấp phép có các công trình xây dựng mọc lên với mật độ cao như vậy? Hay chuyện người dân lấn chiếm không gian công cộng rồi bị xử phạt, rồi lại lấn chiếm rồi lại xử phạt… Và cả chuyện đường cứ đào lên rồi lại lấp xuống nữa….. Đây cũng là những điểm tắc nghẽn vì bao năm rồi vẫn vậy, chúng ta vẫn chưa thực hiện tốt được việc kiểm tra, giám sát giữa các ngành với nhau.

Năm nay chính phủ quyết tâm với chủ trương không quà cáp biếu xén dịp tết này. Quyết định này cực kì đúng. Nhưng có làm được hay không thì hãy chờ xem sao. Nếu cấp trên đã yêu cầu như vậy, các cấp dưới nghiêm túc thực hiện thì cũng sẽ tiết kiệm được nhiều lắm.

{keywords}

2. Bên cạnh các điểm nghẽn về hạ tầng như tôi vừa nói, hay điểm nghẽn về tiếp cận tài chính, tiếp cận đất đai như báo cáo nghiên cứu đã chỉ ra, theo tôi điểm nghẽn quyết định mọi sự thành công của chính sách chính là ở con người. Nguồn lực con người mà tôi nói đến là từ những người làm ở các vị trí lãnh đạo cao cho tới những người làm công việc giản đơn nhất.

Lấy dự án nâng cao năng lực quản trị nhà nước mà chúng ta đang triển khai ra làm ví dụ sẽ thấy ngay, ở đâu, bộ trưởng nào, chủ tịch tỉnh nào có tư tưởng cải cách, quan tâm đến cải cách thì nơi đó mới cải cách được. Còn không thì nói mãi vẫn cứ vậy thôi.

Ở nhóm công vụ, chuyện 30% cán bộ công chức sang cắp ô đi, tối cắp ô về đã tồn tại bao nhiêu năm rồi mà vẫn chưa giải quyết được gì nhiều.

Nguồn lao động cho các công việc giản đơn cũng có vô vàn vấn đề. Các nhà đầu tư trong các khu công nghiệp, khu chế xuất không ngớt phàn nàn về việc lao động Việt Nam thiếu chuyên nghiệp, thiếu kỷ luật, phải đào tạo lại.

TS Lê Xuân Nghĩa, chuyên gia tài chính ngân hàng: Điểm nghẽn đáng sợ nhất của Việt Nam là các định chế tài chính

Từ năm 2011 trở lại đây, lạm phát ở Việt Nam khá ổn định, chỉ ở mức từ 1,8 đến 2%. Điều đó cho thấy việc kiểm soát, cụ thể hóa điều hành chính sách tiền tệ đã có nhiều tiến bộ.

Nhưng điểm nghẽn đáng sợ nhất của Việt Nam là các định chế tài chính. Ở các quốc gia họ cũng có điều chỉnh cấu trúc ngân sách song họ không dùng tiền ngân sách để đầu tư cơ sở hạ tầng. Tiền ngân sách để dùng cho chi tiêu thường xuyên và để trả nợ. 

Cách nay 5 năm chúng tôi cũng đã dự báo về chuyện nợ công. Hiện, số lượng nợ xấu của chúng ta vẫn cao, cơ chế để xử lí vẫn đang là vấn đề. Đã có rất nhiều các hội thảo ngoài khuôn khổ, trong khuôn khổ để bàn thảo tìm cách tháo gỡ nhưng cho đến giờ phút này vẫn chưa thấy lối ra nào khả thi. Với các phương án tái cấu trúc như đã bàn, e rằng các ngân hàng phải mất mười năm mới xử lí xong vấn đề nợ xấu.

Bà Phạm Chi Lan, chuyên gia kinh tế độc lập: Chúng ta vẫn mắc kẹt trong điểm nghẽn phân bổ nguồn lực

1. Thời gian vừa qua, Việt Nam được khen thưởng nhiều về tăng trưởng nhanh, mức độ tăng trưởng cao. Nhưng thực ra tăng trưởng ở Việt Nam chưa thực sự phục vụ tốt cho sự phát triển mang tính lâu dài của chúng ta. Vì trong quá trình tăng trưởng đó mặc dù có được tốc độ tăng trưởng nhưng thu nhập vẫn thấp và vẫn chưa tạo được nền tảng cho tương lai.

{keywords}

Những điều mà các học giả đưa ra là cần phải tăng cường độ phức tạp trong mô hình kinh tế và việc đa dạng hóa phải tạo nên nền tảng cho tương lai. Nếu chỉ tập trung để đạt được mức tăng trưởng không thôi thì chưa đủ được. Ví dụ muốn tăng độ phức tạp thì phải có công nghệ. Cần con người với kỹ năng tốt hơn, có sự kết nối đúng và phân công hợp lí trong nền kinh tế. Nhưng nhìn chung Việt Nam vẫn thiếu vắng những nền tảng bền vững.

Khuyến cáo nghiên cứu Việt Nam 2035 của WB đã nhấn rất mạnh đến nhu cầu cải cách thể chế, yêu cầu về tăng cường giáo dục đào tạo một cách thực chất hơn, có chất lượng cao hơn để tăng cường về khoa học công nghệ trong khi vẫn phải tập trung vào các lĩnh vực cải cách trước mắt như tăng cường vai trò của khu vực tư nhân, tạo điều kiện để khu vực kinh tế tư nhân đóng vai trò lớn hơn trong các quyết định đầu tư, các quyết định phát triển, trong việc phân bổ nguồn lực hiệu quả.

Điều Việt Nam cần nhất hiện nay là phát triển theo chiều sâu chứ không chỉ tập trung phát triển theo chiều rộng. Để có tăng trưởng chúng ta có thể đạt được nhưng để phát triển theo chiều sâu thì khó hơn nhiều. Như vậy, Việt Nam cần  tránh đa dạng hóa theo hướng đầu tư dàn trải. Đa dạng hóa ở đây cần hiểu là xử lý từ trong từng sảng phẩm cụ thể. Ví dụ Việt Nam là quốc gia xuất khẩu rất nhiều lúa gạo, cà phê nhưng là xuất khẩu sản phẩm thô chứ vẫn chưa làm ra được nhiều sản phẩm chế biến từ các sản phẩm lúa gạo, cà phê này. 

2. Về cơ cấu hành chính, Việt Nam có quy mô kinh tế không lớn, dân số cũng không lớn nhưng có tới 63 tỉnh thành. Chúng ta cần phát triển theo vùng hơn là theo tỉnh, vì nguồn lực các tỉnh cũng hạn chế, trong khi cách phân bổ nguồn lực vẫn là chia đều. Tỉnh nào cũng có trường đại học, tỉnh nào cũng có sân bay…nên nguồn lực bị phân tán kinh khủng và tất cả đầu tư đó cũng không mang lại hiệu quả. Vì thế phát triển kinh tế nên hoạch định theo vùng hơn là theo tỉnh. Mỗi tỉnh sẽ tìm kiếm lợi thế của mình, trong vùng của mình có thể làm gì được cùng với các tỉnh xung quanh.

3. Việt Nam có 3 lực lượng doanh nghiệp chính: doanh nghiệp nhà nước, tư nhân và doanh nghiệp FDI. Câu chuyện phát triển kinh tế nước ta thời gian qua được dẫn dắt bởi khu vực đầu tư nước ngoài trong lĩnh vực xuất khẩu và một số lĩnh vực công nghiệp. Còn khu vực doanh nghiệp nhà nước thì luôn là nơi được phân bổ nguồn lực nhiều hơn cả.

Khu vực doanh nghiệp tư nhân của Việt Nam vẫn rất mờ nhạt. Ngay cả năng suất lao động của khu vực tư nhân cũng rất thấp. Đáng lẽ khu vực này phải có năng suất cao hơn khu vực nhà nước do nhiều yếu tố.

Theo tôi, để đi vào mức độ phát triển phức tạp của kinh tế, các chủ thể cần phải được tăng vai trò và điều chỉnh làm nào để có sự phân công, làm rõ vai trò của từng lực lượng khác nhau trong nền kinh tế. Đây là điểm tựa để giúp quá trình thúc đẩy cải cách kinh tế Việt Nam một cách đa dạng kể cả về mặt cải cách thể chế. Cải cách thể chế vẫn là một trong những điểm chốt quan trọng nhất trong hành trình phát triển lâu dài của Việt Nam.

Lan Anh ghi