Dưới đây là những kiểu "phông bạt" của cánh tài xế nhằm mục đích qua mặt lực lượng chức năng khi tham gia giao thông, hoặc đơn giản là để đỗ xe "chùa" không bị làm phiền:

Để mũ, quần áo của công an trên xe

Việc một người làm trong ngành công an khi di chuyển bằng ô tô cá nhân để trang phục như mũ, áo quần,... trên xe của mình là điều hết sức bình thường.

Nhiều người cố tình để các vật dụng như mũ, áo công an trên xe mặc dù bản thân không liên quan gì đến ngành công an. (Ảnh minh hoạ: OFFB)

Tuy vậy, không hiếm gặp trên đường những chủ xe không phải là công an, thậm chí chẳng có quan hệ gần gũi gì với người trong ngành nhưng cũng cố trang bị cho mình một chiếc mũ kê-pi, trưng ở một nơi rất dễ thấy như kính trước, kính sau của xe.

Đây là chiêu nguỵ trang với mục đích biến mình như một người trong ngành đang "đi làm nhiệm vụ", hòng lưu thông thuận lợi hơn và qua mặt các chốt CSGT trên đường.

Một lái xe để gậy chỉ huy giao thông lên kính trước. (Ảnh: Công an TP. Hà Nội)

Tất nhiên, CSGT chẳng lạ gì chiêu trò "làm màu" này, và nhiều xe có mũ áo của ngành nhưng vẫn bị xử phạt bình đẳng như tất cả các trường hợp khác. Thậm chí nếu những người trên xe không phải là công an thì CSGT sẽ phối hợp với lực lượng Điều lệnh của Bộ Công an để lập biên bản tịch thu mũ áo và xử lý sai phạm.

Giấy ra vào cơ quan

Một vật khá phổ biến khác hay được các chủ xe cố tình cài lên kính lái là các loại giấy ra vào các cơ quan nhà nước, phù hiệu của xe ưu tiên đi làm nhiện vụ,... Dù chưa biết những loại giấy tờ trên có của chính chủ hay không nhưng vô hình trung tạo nên một tấm "bùa hộ mệnh" khi đi đường với tâm lý nghĩ rằng CSGT sẽ không dám làm khó "cán bộ".

Một chiếc xe Lexus có tấm thẻ ra vào trụ sở Bộ Công an vẫn bị lực lượng chức năng xử lý như thường. (Ảnh: Công an quận Hoàn Kiếm)

Phía công an khẳng định, những loại giấy tờ ra vào cơ quan không hề có giá trị ưu tiên khi tham gia giao thông trên đường, lại càng không được ưu ái khi vi phạm giao thông. Trên thực tế, rất nhiều xe sử dụng "bùa hộ mệnh" vi phạm giao thông vẫn bị lực lượng chức năng thẳng tay xử lý. 

Thẻ phóng viên báo chí

Tương tự như các loại giấy đi đường nói trên, một số loại giấy phù hiệu như "Thẻ hội viên Hội Nhà báo", "Báo chí/Press" hay "Xe hoạt động báo chí",... cũng được nhiều người in khổ to, ép plastic cẩn thận và để trên kính lái với mong muốn được "nể mặt" khi trót vi phạm.

Xe có gắn phù hiệu "Thẻ hội viên Hội Nhà báo" không có giá trị ưu tiên gì khi lưu thông trên đường. 

Về những tấm phù hiệu này, Hội Nhà báo Việt Nam khẳng định, đơn vị không cấp phù hiệu để trên xe ô tô, kể cả xe công vụ. Theo Hội Nhà báo Việt Nam, hoạt động cơ quan báo chí cũng bình đẳng như những cơ quan nhà nước khác nên không có chuyện cấp phù hiệu để ưu tiên khi lưu thông trên đường. Đồng thời đề nghị lực lượng chức năng lý nghiêm các trường hợp gắn phù hiệu vi phạm giao thông.

Dán decal "na ná" xe tuần tra của CSGT

Gần đây, rất nhiều xe ô tô màu trắng được chủ nhân dán loại decal xanh chạy ngang thân xe giống như của xe tuần tra của CSGT, khiến nhiều người đi đường nhầm lẫn. Việc làm này ngoài mục đích thích thể hiện và "doạ" với những người tham gia giao thông yếu bóng vía thì không có tác dụng nào khác. 

Một chiếc bán tải với dải decal xanh, chữ trắng khiến nhiều người dễ nhầm tưởng là xe của CSGT. (Ảnh: Otofun)

Lắp đèn nháy, còi hụ

Không ít ô tô, nhất là các xe SUV gầm cao được chủ nhân của mình lắp thêm đèn nháy ở kính lái giống như xe của công an đi làm nhiệm vụ với mục đích khi đi đường sẽ "oách" hơn và được các xe khác nhường đường. Tuy vậy, hành vi lắp thêm đèn nháy, còi hụ là không được phép và có thể "phản tác dụng" khi gặp CSGT.

Hoàng Hiệp

Bạn có góc nhìn nào về vấn đề trên, hãy để lại ý kiến dưới phần bình luận? Mời bạn đọc chia sẻ bài viết về Ban Ô tô xe máy theo email: otoxemay@vietnamnet.vn. Các nội dung phù hợp sẽ được đăng tải. Xin cảm ơn!

10 thói xấu của tài xế Việt cần bỏ ngay trong năm mới

10 thói xấu của tài xế Việt cần bỏ ngay trong năm mới

Lái xe toàn mùi “hồng xiêm”, bấm còi vô tội vạ, bật đèn pha “bắn” thẳng vào mắt người đối diện hay sẵn sàng 'thượng cẳng chân, hạ cẳng tay',… là những thói xấu xí mà tài xế Việt cần phải thay đổi trong năm mới 2023.