Theo công bố của Ngân hàng Nhà nước, cuối 2014, nợ xấu trên toàn hệ thống còn 3.25%. Tuy nhiên, trên nhiều diễn đàn vẫn có ý kiến cho rằng con số này chưa thuyết phục và đặt câu hỏi về những số liệu nợ xấu khác nhau trước đây.
Chuyện ai cũng biết…
Trong những năm quyết liệt xử lý nợ xấu từ 2011 đến nay đã có nhiều con số nợ xấu và có độ vênh giữa các con số đó. Mới đây, đã có ý kiến tỏ ra ngỡ ngàn khi: cuối 2010, tỷ lệ nợ xấu là 2,36% nhưng đến cuối 2011 lên 17% và giảm xuống quanh 3% như hiện nay chỉ sau vài năm.
Tuy nhiên, những chuyên gia ngân hàng lại cho rằng, đây là thực tế không mới và không có gì đáng ngạc nhiên khi theo dõi sát hoạt động NH những những năm qua.
Theo chuyên gia Lê Xuân Nghĩa, luôn có 1 sự khác biệt con số nợ xấu giữa báo cáo của NHTM và giám sát của NHNN nhưng chênh lệch này đã thu hẹp dần.
Nợ xấu khác nhau là do phương pháp tính khác nhau. |
Ông Nghĩa cho biết, trước đây, NHNN xây dựng một phần mềm giám sát nợ xấu từ xa một cách hoàn toàn độc lập và khách quan. Kết quả bao giờ cũng lệch so với báo cáo của các NHTM. Ví dụ, năm 2006, báo cáo nợ xấu NHTM là 3,7%, còn kết quả của NHNN là 7%. Đến nay, khoảng cách này đã thu hẹp dần vì dưới sức ép của NHNN các NHTM đã báo cáo trung thực và khách quan hơn. Hơn nữa, trải qua 1 quá trình xử lý nợ xấu, các NHTM đã dùng dự phòng rủi ro xử lý nợ xấu rất nhiều.
Nguyên Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Cao Sỹ Kiêm cũng cho rằng, có ý kiến về nhiều con số nợ xấu là để phản ánh thực tế của những năm trước đây. Có lúc chúng ta công bố chỉ khoảng 2,36 % rồi sau đó vọt lên 17%. Sau đó lại đưa ra con số 9% còn quốc tế lại cho rằng 13%.
“Nợ xấu phản ánh qua nhiều số liệu khác nhau do có nhiều cách tính theo phương pháp khác nhau. NHTM báo cáo con số của mình, Thanh tra NHNN giám sát toàn diện có một con số, các tổ chức quốc tế đánh giá theo cách của mình sẽ cố một con số. Mỗi cách đánh giá với số liệu khác nhau đều có cơ sở cả vì mỗi con số đều theo một phương pháp riêng”, ông Kiêm nói.
Ông Kiêm ví dụ, theo phương pháp tính quốc tế, một dự án với 5 khoản vay, nếu khoản vay đầu tiên quá hạn thì cả 4 khoản vay còn lại dù chưa đến kỳ cũng tính quá hạn. Trong khi đó, theo phương pháp của chúng ta thì chỉ tính quá hạn khoản nợ đó thôi, chưa tính các khoản vay khác”.
Ông Kiêm còn cho biết, lộ trình xử lý nợ xấu cũng có nhiều biến động quy đinh qua từng thời điểm. Khi đánh giá nợ xấu ở mức rất cao khoảng 17% đã dẫn đến tình trạng DN khó khăn, sản xuất co lại do không đáp ứng được tiều chí tín dụng, NH không cho vay. Sau đó, các NH tái cơ cấu các khoản nợ theo QĐ 780 thì nợ xấu giảm xuống, sản xuất hồi phục. Tiếp theo, khi NHNN dự kiến ban hành TT 02 với các tiêu chuẩn cưc kỳ chắt khe tạo ra nguy cơ đẩy nợ xấu lên rất cao, NH khó khăn và DN bế tắc. Sau đó, TT 09 ra đời với những điều chỉnh sát thực tế Việt Nam và tiệm cận quy định quốc tế thì nợ xấu được phản ánh chính xác.
“Với thực tế và ‘con đường’ đó nên có rất nhiều số liệu khác nhau và khiến người ta nghi ngờ nhưng thực tế, các số liệu này đều có cơ sở và gần khớp với nhau. Ví dụ, có thời điểm NHNN công bố nợ xấu 9% nhưng tổ chức quốc tế đưa ra 13%. Thực tế, sự chênh lệch đó nằm ở khoản tái cơ cấu nợ theo QĐ 780”.
Ông Trương Văn Phước, Phó Chủ tịch Ủy ban giám sát Tài chính Quốc gia cũng nhấn mạnh, UBGSTCQG cho rằng, con số nợ xấu Ngân hàng Nhà nước công bố vừa qua là chính xác. Mức độ chênh lệch giữa con số của chúng tôi với NHNN là rất nhỏ.
Nợ xấu giảm: Không cần số liệu cũng biết
Nói về xử lý nợ xấu, ông Lê Xuân Nghĩa nhấn mạnh thực tế là chưa bao giờ các NHTM trích lập dự phòng rủi ro để xử lý nợ xấu như mấy năm gần đây. Suốt từ 2012 đến nay chúng ta thấy, các NH trích lập DPRR nhiều hơn, được dùng DPRR xử lý nhiều hơn. Con số ước tính có thể lên tới gần 100.000 tỉ đồng.
“Chưa bao giờ NHTM phải trích lập DPRR lớn nhất như thời gian qua. Vì thế, tỷ lệ ROE toàn ngành NH còn 7%, thấp nhất khoảng 4,7%, có NH chấp nhận chia cổ tức 3-4%, nhiều NH không chia cổ tức cũng là để tập trung xử lý nợ xấu”.
Chưa bao giờ ngân hàng tập trung xử lý nợ xấu như hiện nay. |
Lý do thứ 2 khiến nợ xấu giảm, VAMC đã mua vào gần 150.000 tỉ đồng. Mặc dù xử lý chưa được bao nhiêu nhưng đã có một khoản lớn được tách ra, khiến bảng cân đối của các NH sạch hơn.
Bên cạnh đó là viêc NH phối hợp với DN để tái cấu trúc lại nợ theo Quyết định 780. Cách làm này đã giúp tai cấu trúc được khoảng 258.000 tỷ đồng tức là gần 13 tỉ USD là con số cực lớn .
“Nợ xấu có xu hướng giảm khá nhanh kể từ 2011 đến giờ do 3 nguyên nhân trên”, ông Nghĩa nhấn mạnh.
Theo ông Trương Văn Phước thì chưa cần nhìn vào hệ thống hạch toán, hệ thống thống kê, mẫu biểu nhưng vẫn có thể biết một cách tương đối chính xác về tiến độ xử lý và nợ nợ xấu. Nếu không trích lập dự phòng rủi ro thì năm 2014 so với 2013, các tổ chức tín dụng sẽ có mức tăng trưởng lợi nhuận 4,62%. Nhưng vì xử lý nợ xấu, các tổ chức tín dụng phải trích lập dự phòng rủi ro về tín dụng, do đó, lợi nhuận 2014 đã giảm 25,8% so với 2013.
Điều đó chứng tỏ trên 30% lợi nhuận của hệ thống ngân hàng trong 2014 đã được sử dụng để xử lý nợ xấu. Nôm na là, nếu một người không mua thuốc chữa bệnh, sẽ dư ra ít tiền nhưng vì phải mua thuốc chữa bệnh nên thu nhập sụt giảm so với năm ngoái.
“UBGSTC QG thấy rằng, trong các năm 2013 và 2014, NHNN cùng các TCTD đã tích cực sử dụng hàng loạt biện pháp trích lập dự phòng, cấn nợ, xiết nợ và bán cho VAMC nên tỷ lệ nợ xấu đã giảm rất mạnh. Đó là một thực tế phải thừa nhận”, ông Phước nhấn mạnh.
Lê Hà