Phát biểu sau hội nghị thượng đỉnh của Tổ chức Hợp tác Thượng Hải (SCO) tại Samarkand, Uzbekistan hôm 16/9, Tổng thống Putin tuyên bố chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine là một bước đi cần thiết để ngăn chặn những gì ông gọi là "âm mưu của phương Tây nhằm chia rẽ nước Nga".

Tổng thống Nga Vladimir Putin. Ảnh: Reuters

Reuters dẫn lời ông Putin cho hay, Moscow không vội vã ở Ukraine và cũng không thay đổi các mục tiêu trong chiến dịch quân sự đặc biệt ở nước láng giềng.

"Chính quyền Kiev thông báo rằng họ đã phát động và đang tiến hành một chiến dịch phản công tích cực. Chà, hãy xem nó phát triển như thế nào và kết thúc ra sao", lãnh đạo Điện Kremlin mỉm cười nói.

Phía Ukraine tố cáo các lực lượng Moscow đang nhắm tấn công cơ sở hạ tầng của nước này, bao gồm cả một đập chứa nước và các nguồn cung cấp điện, "để trả đũa chiến dịch phản kích đẩy bật binh lính Nga khỏi khu vực đông bắc Kharkiv". Trong bình luận công khai đầu tiên về việc quân Nga rút khỏi Kharkiv cách đây một tuần, ông Putin khuyến cáo các lực lượng Moscow có thể phản ứng mạnh mẽ hơn.

Lãnh đạo Điện Kremlin quả quyết, Nga đang dần dần thâu tóm quyền kiểm soát các khu vực mới ở Ukraine. Báo Guardian thống kê, cho đến nay, các lực lượng Moscow đang kiểm soát khoảng 1/5 lãnh thổ nước láng giềng, kể cả phần lớn tỉnh Zaporizhzhia và tỉnh Kherson ở miền nam.

LHQ phê chuẩn ngoại lệ dành cho tổng thống Ukraine

Các quốc gia thành viên Liên Hợp Quốc (LHQ) hôm 16/9 đã bỏ phiếu thông qua một ngoại lệ, cho phép Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky phát biểu trước Đại hội đồng LHQ qua video, bất chấp sự phản đối của Nga.

Theo báo Guardian, 101/193 nước thành viên bỏ phiếu ủng hộ ông Zelensky "trình bày thông điệp được ghi hình sẵn" thay vì trực tiếp phát biểu như yêu cầu lâu nay. 7 quốc gia, bao gồm cả Nga bỏ phiếu chống, trong khi 19 nước khác bỏ phiếu trắng.

Kể từ ngày 20/9, gần 150 lãnh đạo thế giới sẽ dự họp Đại hội đồng LHQ ở News York, Mỹ. Các nhà lãnh đạo từng được phép phát biểu qua video vào năm 2020 và 2021 do đại dịch Covid-19, nhưng năm nay hội nghị sẽ được tổ chức trực tiếp và chỉ những đại biểu có mặt mới có thể phát biểu.

Bài diễn văn ghi hình trước của tổng thống Ukraine dự kiến sẽ được phát vào buổi chiều ngày 21/9, nhưng có thể thay đổi do nhiều nhà lãnh đạo dự kiến đến London, Anh để dự lễ tang cố Nữ hoàng Elizabeth II hôm 19/9.

Ukraine tố cáo 99% nạn nhân trong vụ mồ chôn tập thể ở Izyum bị tra tấn đến chết

Oleg Synegubov, lãnh đạo vùng Kharkiv, đông bắc Ukraine hôm 16/9 cho biết, 99% số thi thể được khai quật tại khu mồ chôn tập thể được phát hiện ở Izyum sau khi các lực lượng Kiev tái giành quyền kiểm soát thành phố, có dấu hiệu tử vong vì bạo lực.

Nhà chức trách Ukraine đang khai quật các thị thể tại khu vực mồ chôn tập thể ở Izyum, Kharkiv. Ảnh:  Anadolu

"Nhiều thi thể bị trói tay sau lưng và một thi thể bị chôn với dây thừng quấn quanh cổ. Rõ ràng, họ đã bị tra tấn và hành quyết", ông Synegubov nói.

Tổng thống Ukraine Zelensky cực lực lên án Nga vì vụ việc. Ông Zelensky cho hay, trong số hơn 400 thi thể được tìm thấy ở Izyum có cả trẻ em.

Josep Borrell, cao ủy phụ trách đối ngoại của Liên minh châu Âu (EU) bày tỏ "sốc nặng" trước phát hiện của giới chức Ukraine. Trong khi, Liz Throssell, phát ngôn viên của Văn phòng nhân quyền Liên Hợp Quốc tiết lộ, cơ quan này đang lên kế hoạch cử các giám sát viên tới Izyum để tìm hiểu sự việc.

Các lực lượng Moscow đã rút khỏi khu vực Kharkiv cuối tuần trước với lí do “tập trung lực lượng để tiến quân theo hướng Donetsk”. Phía Nga cũng nhiều lần phủ nhận đã nhắm tấn công dân thường hoặc các cơ sở dân sự trong giao tranh ở nước láng giềng.

Tuấn Anh