Bộ Quốc phòng Ukraine ngày 12/9 cho đăng tải lên Twitter một đoạn video ngắn sau khi tiểu đoàn 130 đến trạm kiểm soát Hoptivka ở tỉnh đông bắc Kharkiv giáp biên giới với Nga.

"Chiến dịch phản công đang diễn ra ở vùng Kharkiv. Hàng chục làng mạc và thị trấn đã được giải phóng. Quân đội Ukraine đã đến trạm kiểm soát Hoptivka, ở biên giới với Nga. Quân đội Ukraine sẽ khôi phục sự toàn vẹn lãnh thổ của đất nước, bao gồm cả Donbass và Crưm. Chuẩn bị bơi đi, những kẻ chiếm đóng", trích thông điệp của Bộ Quốc phòng Ukraine.

Theo báo Guardian, động thái diễn ra sau khi Tướng Valeriy Zaluzhnyi, Tổng tư lệnh các lực lượng vũ trang Ukraine tối 11/9 tuyên bố, quân đội nước này đã giành lại quyền kiểm soát 3.000 km2 lãnh thổ kể từ đầu tháng 9, đang đẩy mạnh tiến công cả ở phía bắc, phía nam cũng như phía đông vùng Kharkiv và chỉ còn cách biên giới với Nga 50km.

Tình hình chiến sự ở Kharkiv và những khu vực lân cận thuộc Ukraine tính tới ngày 11/9: Các vùng màu vàng thuộc quyền kiểm soát của các lực lượng Kiev. Các vùng màu hồng nằm dưới sự kiểm soát của quân Nga. Vùng sọc hồng chỉ nơi quân Nga rút lui và hiện nằm dưới sự kiểm soát của binh lính Ukraine. Đồ họa: The Guardian

Viện nghiên cứu chiến tranh ở Mỹ đánh giá: "Chỉ trong 5 ngày, chiến dịch phản kích ở phía bắc của Ukraine đã thay đổi mọi thứ. Những gì bắt đầu như một nỗ lực tiến công vào một phần mặt trận hầu như bị các nhà phân tích quân sự sao lãng, đã trở thành bước tiến sâu 70km, tái giành kiểm soát nhiều lãnh thổ hơn những gì các lực lượng Nga đã chiếm được trong mọi hoạt động của họ kể từ tháng 4".

Giới chức Nga đề cập rất ít về tình hình chiến sự đang diễn tiến nhanh chóng. Tuy nhiên, người phát ngôn Bộ Quốc phòng Nga Igor Konashenkov ngày 11/9 giải thích, việc binh lính Nga bất ngờ rút khỏi thị trấn Izium thuộc vùng Kharkiv thực tế nhằm "tái tập hợp lực lượng" để củng cố các tuyến phòng thủ ở khu vực Donetsk lân cận.

Đoàn xe quân sự Nga đang tiến về khu vực tiền tuyến ở Kharkiv. Ảnh: Bộ Quốc phòng Nga

Moscow cũng tuyên bố đang nhắm bắn các vị trí của quân đội Ukraine ở Kharkiv. Song, các quan chức Ukraine cáo buộc binh lính Nga đang tập kích các cơ sở hạ tầng thiết yếu, gây mất điện diện rộng ở các thành phố Kharkiv, Poltava, Dnipropetrovsk và một phần vùng miền đông Donetsk nhằm "khiến cư dân địa phương không có điện, nước và sưởi ấm".

Nga điều trực thăng lớn nhất thế giới Mi-26 tiếp viện cho Kharkiv

Trong thông cáo trên mạng xã hội ngày 11/9, Bộ Quốc phòng Nga cho biết, các đơn vị lính dù, tên lửa và pháo binh của nước này đang thực hiện các vụ tấn công chính xác nhằm vào quân Ukraine ở Kharkiv để đáp trả chiến dịch phản kích của Kiev.

Các nguồn thạo tin nói, Moscow đã điều các trực thăng lớn nhất thế giới Mi-26 lập cầu hàng không, tăng cường tiếp viện cho các đơn vị quân đội Nga ở tỉnh đông bắc của Ukraine sau khi các lực lượng Kiev chiếm được trung tâm hậu cần đường sắt Kupiansk.

Yevgeniy Poddubny, phóng viên chiến trường của Nga hôm 10/9 đã đăng tải một đoạn video ghi lại cảnh xe bọc thép đang được đưa khỏi một siêu trực thăng Mi-26 ở Kharkiv.

Giới chức Nga vẫn chưa phản hồi về thông tin trên.

Lãnh đạo Nga - Pháp đấu khẩu về an ninh của nhà máy hạt nhân Ukraine

Tổng thống Nga Vladimir Putin và người đồng cấp Pháp Emmanuel Macron hôm 11/9 đã có cuộc điện đàm về an toàn của nhà máy điện hạt nhân Zaporizhzhia lớn nhất châu Âu ở Ukraine. Tình hình tại cơ sở này tiếp tục gây lo ngại toàn cầu.

Tổng thống Nga Vladimir Putin (phải) và người đồng cấp Pháp Emmanuel Macron tại họp báo sau một hội nghị về Ukraine ở Điện Elysee, Paris tháng 12/2019. Ảnh: Reuters

Moscow và Kiev đang đổ lỗi lẫn nhau về các vụ pháo kích quanh nhà máy Zaporizhzhia, làm tăng nguy cơ rò rỉ phóng xạ gây hậu quả nghiêm trọng. Cơ sở này hiện đã phải tạm dừng hoạt động để tránh sự cố, theo thông báo mới nhất của cơ quan quản lý hạt nhân quốc gia Ukraine Energoatom.

Trong cuộc điện đàm mới diễn ra, ông Putin khẳng định quân đội Ukraine đang đe dọa sự an toàn của nhà máy điện hạt nhân lớn nhất châu Âu. Ngược lại, ông Macron quy trách nhiệm cho các lực lượng Nga, đòi Moscow phải rút vũ khí khỏi Zaporizhzhia cũng như thực hiện đề xuất của Cơ quan năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA) về thiết lập một khu vực an toàn quanh cơ sở này.

Theo Reuters, các thông cáo riêng rẽ từ Điện Kremlin và Điện Elysee về phát biểu của hai nguyên thủ đã làm nổi bật những khó khăn trong nỗ lực tìm kiếm một thỏa thuận đảm bảo an toàn cho nhà máy Zaporizhzhi.

Tuấn Anh