- 14 tôn giáo sẽ có một thông điệp cam kết các tôn giáo cùng với Đảng, Nhà nước và MTTQ Việt Nam bảo vệ môi trường và ứng phó biến đối khí hậu - Phó Chủ tịch UB TƯ MTTQ Việt Nam Lê Bá Trình trao đổi.
Hội nghị toàn quốc “Phát huy vai trò của các tôn giáo tham gia bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu” do MTTQ Việt Nam phối hợp với Bộ TN&MT tổ chức sẽ diễn ra tại Huế từ ngày 2 - 3/12.
Trao đổi với phóng viên, Phó Chủ tịch UB TƯ MTTQ Việt Nam Lê Bá Trình cho biết, từ năm 2004, để thực hiện chiến lược quốc gia bảo vệ môi trường tầm nhìn năm 2020 đến 2030, UB TƯ MTTQ Việt Nam đã phát động một chương trình toàn dân tham gia bảo vệ môi trường. Trong đó có vai trò của các tổ chức tôn giáo.
Trong thời gian gần đây chúng ta thấy tình hình ô nhiễm môi trường, biến đổi khí hậu có những tác động tiêu cực. Việt Nam là một trong 5 nước có tác động trực tiếp và nặng nề nhất.
Vì vậy, MTTQ Việt Nam đã phối hợp với Bộ TN&MT tổ chức một hội nghị toàn quốc "Phát huy vai trò của các tôn giáo tham gia bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu giai đoạn 2015-2020" để tăng cường thêm sức mạnh trong các tầng lớp nhân dân cùng chung tay với Đảng, Nhà nước và các tổ chức hệ thống chính trị trong việc bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu trong thời gian sắp tới.
Phó Chủ tịch UB TƯ MTTQ Việt Nam Lê Bá Trình. Ảnh: Hoàng Long |
Theo ông, các tôn giáo có vai trò như thế nào trong việc thực hiện nhiệm vụ bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu?
Chúng ta biết rằng, trong giáo luật giáo lý của mỗi tôn giáo, mặc dù có khác nhau về giáo luật, giáo lý, về cách tu tập. Nhưng đều có một điểm chung là giáo dục chức sắc, tín đồ con người hướng thiện, làm lành tránh dữ, bảo vệ môi trường, môi sinh để tạo dựng một cuộc sống hiện nay và mai sau tốt đẹp.
Trong mỗi giáo luật, giáo lý của mỗi tôn giáo đều có những lời răn dạy rất cụ thể để thực hiện điều này. Đây là điểm tương đổng giữa giáo lý, giáo luật các tôn giáo với chủ trương chính sách về bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu.
Chúng ta khai thác điểm tương đồng này để nâng cao nhận thức, trách nhiệm của chức sắc tín đồ cũng như các tầng lớp nhân dân - là một lực lượng rất lớn trong khối đại đoàn kết dân tộc. Vì vậy có ý nghĩa rất lớn thực hiện nhiệm vụ bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu sắp tới.
Tôn giáo đồng hành cùng dân tộc
Ông có thể cho biết những chương trình phối hợp cụ thể giữa các tôn giáo với MTTQ Việt Nam trong việc bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu?
Sau hội nghị "Phát huy vai trò các tôn giáo tham gia bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu" tới đây, sẽ có một bản ký kết của 40 tổ chức tôn giáo với UB TƯ MTTQ Việt Nam và Bộ TN&MT đưa ra những nội dung phối hợp trong việc làm cho chức sắc, tín đồ, bà con đồng bào tôn giáo ở địa bàn dân cư nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi về bảo vệ môi trường và biến đổi khí hậu.
Từ đó, các tổ chức tôn giáo ở địa phương sẽ có kế hoạch cụ thể phối hợp với UB MTTQ , các sở, ngành TN&MT. Từ mỗi tôn giáo sẽ tùy theo đặc điểm, tình hình giáo luật, giáo lý của mình để có chương trình, công việc cụ thể triển khai đến các địa bàn dân cư. Hằng năm, 2 năm, 3 năm sẽ có sơ kết từ địa phương cho đến 5 năm tổng kết ở TƯ.
Một đặc điểm nữa rất có ý nghĩa trong hội nghị này, đó là 14 tôn giáo sẽ có một thông điệp cam kết các tôn giáo cùng với Đảng, Nhà nước và MTTQ Việt Nam thực hiện nhiệm vụ này. Đây là một vấn đề mang tính cấp bách và chiến lược đối với đất nước ta.
Thấy được vai trò quan trọng của các tôn giáo và ý thức, trách nhiệm của đồng bào các tôn giáo trong việc tham gia xây dựng, bảo vệ tổ quốc hiện nay, mà vấn đề cụ thể hiện nay là bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu.
Từ bài học liên kết phối hợp để phát huy sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc, MTTQ Việt Nam sẽ có những đề xuất, phương thức liên kết như thế nào để phối hợp đặc điểm hoạt động của các tôn giáo trong việc thực hiện nhiệm vụ bảo vệ môi trường và biến đổi khí hậu?
Chúng ta biết rằng, đặc điểm của đất nước chúng ta có nhiều dân tộc, tôn giáo với 54 dân tộc anh em, 14 tôn giáo và 41 tổ chức tôn giáo khác nhau. Mỗi dân tộc, tôn giáo đều có đặc thù riêng của mình nhưng cùng chung một khối chung của khối đại đoàn kết dân tộc rất phong phú, đa dạng như vậy.
Sắp tới MTTQ Việt Nam sẽ tập trung vào tính đặc thù của từng dân tộc, từng tôn giáo để có những chương trình phối hợp cùng với các cơ quan chức năng làm thế nào để khai thác phát huy thế mạnh của sức mạnh này tạo nên một sức mạnh chung để thực hiện các nhiệm vụ xây dựng bảo vệ tổ quốc trong thời gian tới trên các lĩnh vực kinh tế- văn hóa- xã hội- an ninh- quốc phòng.
Đặc biệt là phần bảo đảm độc lập
chủ quyền của đất nước và xử lý các vấn đề quan trọng về môi sinh, môi trường,
bảo đảm sự phát triển bền vững trong thời gian sắp tới.
Hồng Nhì