- Việc giá dầu rớt sâu, xuống dưới ngưỡng 50 USD/thùng không chỉ là thách thức đối với riêng nước Nga khi đồng rúp sụt giảm, mà còn là một phép thử đối với chiến lược độc lập về năng lượng của Mỹ.
“Cuộc chiến” căng thẳng về giá
Giá dầu tiếp tục lập kỷ lục thấp mới trong những ngày đầu tiên của năm 2015. Thị trường ghi nhận mức giá mới của dầu thô tại thị trường Mỹ là dưới 50 USD/thùng. So với tháng 6/2014, dầu mất gần 55% giá trị.
Giá dầu thô Brent cũng giảm mạnh hơn 6%, xuống dưới 53 USD/thùng.
Đây đều là các mức thấp nhất kể từ tháng 4/2009, đánh dấu một cuộc chiến dầu mỏ đang trở nên căng thẳng hơn bao giờ hết cho dù các bên trong cuộc chiến này như Mỹ, Nga hay Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) đều phải chịu áp lực rất lớn.
Giá dầu giảm trong bối cảnh cung trên thế giới tiếp tục tăng lên còn cầu được dự báo không có suy chuyển, thậm chí có thể yếu đi khi mà nhiều nền kinh tế đang gặp trục trặc: tăng trưởng Trung Quốc đứng trước nguy cơ suy giảm tăng trưởng mạnh; châu Âu và Nhật không thể ngóc đầu đi lên.
Trong một báo cáo mới đưa ra hôm 5/1, Bộ Năng lượng của Nga cho biết, sản lượng dầu thô Nga đã lên 10,58 triệu thùng mỗi ngày, tăng 0,7% nhờ các hãng khai thác tư nhân nhỏ. Sản lượng dầu của nước này đang tiếp tục tăng và hiện đang ở mức cao nhất trong thời kỳ hậu Xô Viết.
Một số nước OPEC, trong khi đó, vẫn giữ sản lượng ở mức cao nhất trong vài thập kỷ qua và chưa có ý định cắt giảm sản lượng mà để thị trường tự cân bằng. Trong tháng 12 vừa qua, Iraq - nước sản xuất dầu lớn thứ 2 trong tổ chức OPEC cho biết, lượng dầu thô xuất khẩu của nước này đạt đỉnh trong hơn 30 năm qua.
Giá dầu giảm còn do đồng USD tăng mạnh so với Euro trong bối cảnh các nhà đầu tư lo ngại Hy Lạp có thể bị loại ra khỏi khu vực đồng tiền chung châu Âu.
“Thị trường đang nằm trong xu hướng đi xuống với các yếu tố nền tảng tiêu cực”, Mike Wittner, trưởng bộ phận nghiên cứu dầu thô tại Societe Generale SA, New York nhận định trên Bloomberg.
Theo nhiều chuyên gia, cho dù giá dầu đã xuống thấp tới mức gây thiệt hại cho nhiều quốc gia, bao gồm cả Nga, OPEC, Mỹ... nhưng những tín hiệu nguồn cung mới đang vào thị trường cho thấy giá khó có thể bật lên vào lúc này. Nhu cầu tiêu thụ cũng khó tăng lên nếu chỉ nhìn vào Mỹ bởi nền kinh tế thế giới đang đứng trước nguy cơ tăng chậm lại vì Trung Quốc, Nhật Bản và châu Âu.
Tính từ giữa năm 2014, dầu Brent và WTI đều đã mất giá hơn một nửa và đang đứng ở mức thấp nhất trong gần 6 năm qua.
Như vậy, giá dầu đã về dưới giá thành của phần lớn dầu được sản xuất từ đá phiến (khoảng 60 USD/thùng) và đang về gần giá thành sản xuất của Trung Đông - khoảng 40 USD/thùng.
Cuộc chiến dầu dầu khí đang trở nên căng thẳng hơn bao giờ hết khi OPEC kiên nhẫn không cắt giảm sản lượng để giữ thị phần nhằm bóp nghẹt ngành công nghiệp sản xuất dầu khí đá phiến của Mỹ - nguyên nhân khiến OPEC mất vai trò thống trị thị trường dầu mỏ. Cuộc chiến dầu giá thấp này có lẽ là một phép thử đối với chiến lược độc lập về năng lượng của Mỹ.
Không phải Putin mà là Mỹ chùn bước?
Giá dầu tụt giảm kỷ lục lần này khiến nước Nga thêm phần lao đao, đồng rúp suy giảm nghiêm trọng. Tuy nhiên, đối với Mỹ, đó cũng không phải là điều mong muốn.
Theo Bloomberg, chỉ 2 tháng trước đây, công ty khoan dầu khí đá phiến Continental Resources Inc. (CLR) của tỷ phú Harold Hamm đã lên ngân sách 4,6 tỷ USD đầu tư vào lĩnh vực này trong năm 2015 với giá dầu dự kiến 80 USD/thùng. Sáu tuần sau đó, khi mà giá dầu giảm 29%, Continental đã cắt giảm ngân sách đầu tư xuống còn 2,7 tỷ USD.
Halliburton Co. (HAL) - nhà cung cấp các dịch vụ về công nghệ khai thác dầu khí đá phiến lớn nhất thế giới, tháng trước tuyên bố họ sẽ sa thải 1.000 công nhân dù trước đó 2 tháng, chủ tịch và CEO của tập đoàn này tuyên bố “lĩnh vực hoạt động của chúng ta sẽ ổn” nếu giá dầu nằm trong khoảng 80-100 USD/thùng.
Có thể thấy, khai thác dầu khí đá phiến bùng nổ đã giúp Mỹ - lần đầu tiên trong nhiều thập kỷ - tiến tới ngưỡng có thể tự cung cấp năng lượng. Tuy nhiên, giá dầu giảm là một thách thức to lớn đối với nỗ lực tìm kiếm sự độc lập này.
Trong khi đó, các tập đoàn sản xuất dầu khí đá phiến lớn của Mỹ như Irving, Pioneer Natural Resources Co. (PXD), Continental hay Chesapeake Energy Corp. lại chi tiêu mạnh tay cho các hoạt động đầu tư và sản xuất dầu khí, lớn hơn rất nhiều so với những gì họ thu được. Giá dầu quá thấp đã giáng một đòn đau vào kỳ vọng của các tập đoàn này.
Theo nhiều chuyên gia, số tiền đầu tư cho lĩnh vực dầu khí đá phiến tại Mỹ sẽ suy giảm trong năm 2015 và Texas sẽ là thành phố bị ảnh hưởng nhiều nhất do đây là nơi cung cấp 37% sản lượng dầu của Mỹ.
Ở chiều ngược lại, OPEC cũng đối mặt với những khó khăn do giá giảm. Dự báo cho thấy, các thành viên OPEC (không tính Iran) sẽ chỉ thu về 446 tỷ USD từ xuất khẩu dầu trong năm 2015, hụt gần một nửa so với 703 tỷ trong năm 2014.
Với Nga, theo kế hoạch, nước này sẽ giảm 4% sản lượng trong năm 2015 nếu giá ở mức dưới 60 USD/thùng.
Có thể thấy, cuộc chiến giá dầu đang ở hồi căng thẳng nhất. Chính các nước OPEC đang chấp nhận cuộc chơi hao tiền tốn của, thậm chí thua lỗ để giữ thị phần. Theo Reuters, các thành viên OPEC dường như đang đếm ngược thời gian để chứng kiến các đối thủ mới nổi của họ bị hạ gục mới nâng giá dầu.
Họ hy vọng nếu tiếp tục duy trì sản lượng - khi giá dầu đã giảm gần 60% kể từ tháng 6/2014 - sẽ gây áp lực với các nhà sản xuất đá phiến của Mỹ, buộc phải dừng hoặc giảm sản lượng khi nguồn cung đang rất dồi dào.
Văn Minh