Tốn thêm 3.776 tỷ/tháng vì giá xăng dầu tăng

Theo Bộ NN-PTNT, ngành khai thác thủy sản đóng góp vai trò quan trọng trong phát triển nông nghiệp nước ta. Sản lượng khai thác hải sản năm 2021 đạt 3,92 triệu tấn, kim ngạch xuất khẩu hải sản đạt 3,435 tỷ USD.

Ngành khai thác thủy sản đã đảm bảo việc làm, thu nhập cho hơn 600 nghìn ngư dân và gần 4 triệu lao động làm các nghề dịch vụ thủy sản ven biển. Sự có mặt của tàu cá khai thác trên biển còn góp phần quan trọng trong việc bảo vệ chủ quyền biển đảo của đất nước.

Tuy nhiên, từ tháng 12/2021 đến nay, giá xăng dầu liên tục tăng cao tác động mạnh mẽ đến hoạt động sản xuất, kinh doanh, đời sống và an sinh xã hội của người dân, trong đó có cộng đồng ngư dân ven biển và ngành khai thác thủy sản.

Thống kê đến ngày 31/12/2021, cả nước có 91.716 tàu cá hoạt động trên các vùng biển. Ngoài ra còn có các nghề như: lưới kéo, lưới vây, lưới rê; nghề câu, chụp; nghề lồng bẫy và dịch vụ hậu cần khai thác thủy sản.

Theo tính toán, nhu cầu xăng, dầu cho hoạt động khai thác thủy sản trung bình khoảng 330 triệu lít/tháng, trong khi giá dầu diesel 0.05S, nhiên liệu chính cho tàu khai thác thủy sản đã tăng lên 65% (ngày 25/12/2021 là 17.579 đồng/l đến ngày 20/6/2022 là 29.020 đồng/l, tăng thêm 11.441 đồng/l).

Hàng loạt tàu cá nằm bờ vì giá xăng dầu tăng mạnh. Ảnh: Công Sáng

Với mức tăng trên, chi phí nhiên liệu để đảm bảo cho hoạt động khai thác thủy sản bình thường tăng thêm khoảng 3.776 tỷ đồng/tháng.

Trong khi, chi phí nhiên liệu thường chiếm từ 45-60% chi phí đầu vào phục vụ sản xuất cho tàu cá khai thác thủy sản, tùy theo từng nghề. Chưa kể, giá nhiên liệu tăng nên giá các mặt hàng khác phục vụ cho hoạt động khai thác thủy sản tăng theo khoảng từ 10-15%, kéo theo chi phí đầu vào tăng từ 35-48%. Thế nhưng, giá bán hải sản tăng không đáng kể.

Bộ NN-PTNT cho rằng, những khó khăn trên dẫn đến tình trạng nhiều tàu cá ngừng hoạt động khai thác thủy sản do thu không đủ bù chi phí đầu vào. 

Tính chung cả nước, hiện tàu cá ngừng hoạt động chiếm khoảng 40-55%, đặc biệt các tàu cá làm nghề tiêu thụ nhiều nhiên liệu như: lưới kéo, nghề rê,.... làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến thu nhập, đời sống và an sinh xã hội của cộng đồng ngư dân do ngừng sản xuất, không tìm được việc làm phù hợp trên bờ, không có thu nhập. Điều này tác động tiêu cực đến chuỗi cung ứng mặt hàng thủy sản cho tiêu dùng trong nước và xuất khẩu. 

Chưa kể, số lượng tàu cá ngừng sản xuất, không thường xuyên hiện diện trên các vùng biển còn ảnh hưởng đến công tác bảo vệ chủ quyền biển đảo của quốc gia. 

Thực tế, những ngày này tại các địa phương ven biển ở miền Trung, nhiều tàu cá tiền tỷ phải nằm bờ dài ngày, ngư dân kiệt quệ bởi giá xăng dầu tăng mạnh, càng cố đi biển càng thua lỗ nặng. Có những chủ tàu còn đứng bên bờ vực phá sản, bán cả cơ nghiệp không trả hết nợ…

Dùng ngân sách hỗ trợ để ngư dân bám biển

Trước thực trạng khó khăn trên, cuối tháng 6/2022, Bộ NN-PTNT có công văn đề nghị Bộ Công Thương và Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội xem xét, đề xuất Chính phủ có chính sách hỗ trợ về an sinh xã hội cho thuyền viên tàu cá.

Đối tượng hỗ trợ gồm thuyền viên làm việc trên tàu cá tạm ngừng hoạt động sản xuất do giá nhiên liệu tăng với thời gian hỗ trợ trước mắt 6 tháng. 

Bộ này cũng kiến nghị mức hỗ trợ theo mức lương tối thiểu theo vùng áp dụng đối với người lao động quy định tại Nghị định số 90/2019/NĐ-CP ngày 15/11/2019 của Chính phủ. 

Ngư dân cần được hỗ trợ để vươn khơi bám biển. Ảnh: Công Sáng

Ngay sau đó, Văn phòng Chính phủ cũng ban hành Văn bản ngày 5/7/2022 truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính về hỗ trợ ngư dân ảnh hưởng do giá xăng, dầu. Thủ tướng đề nghị Bộ trưởng NN-PTNT nghiên cứu để có chính sách phù hợp cho các đối tượng nông dân sản xuất kinh doanh.

Trên cơ sở đề nghị của Bộ NN-PTNT, đầu tháng 7 vừa qua, Bộ Công Thương đề nghị Thủ tướng chỉ đạo Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính, Bộ NN-PTNT, UBND các địa phương có hoạt động sản xuất đánh bắt thủy, hải sản rà soát, cân đối, bố trí ngân sách để hỗ trợ giá xăng dầu cho ngư dân.

Việc này tiến hành theo hướng hỗ trợ bằng tiền từ ngân sách Nhà nước bù vào phần giá xăng dầu tăng so với đầu năm 2022 đối với loại xăng dầu ngư dân sử dụng để hỗ trợ, khuyến khích ngư dân khôi phục trở lại hoạt động vươn khơi, bám biển (thay vì hỗ trợ cho thuyền viên làm việc trên tàu cá đang ngừng hoạt động như đề xuất của Bộ NN-PTNT sẽ không khuyến khích việc khôi phục hoạt động của các tàu đánh bắt thủy hải sản). Thời gian hỗ trợ từ khi ban hành chính sách đến hết năm 2022.

Bên cạnh đó, với người thu nhập thấp, Bộ Công Thương đề nghị Thủ tướng chỉ đạo Bộ LĐ-TB-XH cùng Bộ Tài chính nghiên cứu, có chính sách an sinh xã hội hỗ trợ, nhằm giảm bớt khó khăn cho đời sống người dân trong bối cảnh lạm phát tăng cao.

Một chuyên gia trong ngành cho rằng, cần hỗ trợ ngư dân ngay và luôn. Bởi, ngư dân không ra khơi sẽ dẫn đến ngành thuỷ sản thiếu hụt nguyên liệu trong chế biến, ảnh hưởng lớn đến xuất khẩu. Quan trọng không kém, hàng trăm nghìn ngư dân lênh đênh trên biển, không đơn thuần chỉ vì tìm kế mưu sinh, mà hơn hết là tham gia giữ biển, khẳng định chủ quyền biển đảo thiêng liêng.

Khi nói về ngư dân bám biển, Bộ trưởng NN-PTNT Lê Minh Hoan cho hay, đừng chỉ nhìn ngư nghiệp qua những con số tăng trưởng, sản lượng khai thác, kim ngạch xuất khẩu, mà hãy ghi nhận từng đóng góp của những ngư dân chung tay tạo ra những con số đó. Cũng như, đừng chỉ nhìn ngư trường chỉ là nơi khai thác tài nguyên biển, mà hãy cùng nhắc nhớ rằng đấy là Tổ quốc thiêng liêng mà mỗi người thể hiện tinh thần yêu nước của mình. 

Nghề nào cũng có rủi ro, nghề đi biển không là ngoại lệ. Sóng to, gió lớn luôn chực chờ những chuyến ra khơi. Tranh chấp ngư trường, tranh chấp chủ quyền luôn đe dọa cả tính mạng bà con ngư dân hiền hoà, chất phác. 

Thị trường nghiệt ngã với bao lo toan về chi phí đầu vào, đầu mối tiêu thụ đầu ra, bão biển kèm theo “bão giá” xăng dầu, vật tư khác. Trong khi đó, đâu phải chuyến tàu nào trở về cũng tôm cá đầy khoang.

"Chiến lược quốc gia phát triển khai thác thủy sản hiệu quả, bền vững hướng đến “ngư dân là trung tâm”, không chỉ dừng lại ở việc hỗ trợ an sinh xã hội. Chiến lược bắt đầu từ việc định danh, định hướng, đào tạo nghề nghiệp, tổ chức lại một ngành nghề chuyên nghiệp để hướng đến một nền ngư nghiệp chuyên nghiệp. 

Phải được xây dựng và triển khai thực hiện bằng tình cảm, bằng tinh thần trách nhiệm của chúng ta với hàng trăm nghìn ngư dân bám biển, sống chết với biển, để “đoàn thuyền đánh cá lại ra khơi. Câu hát căng buồm cùng gió khơi”, Bộ trưởng chia sẻ.

Ngư dân gặp khó, tàu cá nằm bờ, địa phương loay hoay tìm cách hỗ trợTrước những khó khăn chồng chất với mối lo lớn về nợ ngân hàng, ra khơi không có lãi, nhiều ngư dân phải làm đủ nghề để duy trì cuộc sống, còn địa phương cũng loay hoay tìm giải pháp hỗ trợ.