Phụ bán bún, bốc vác thuê cầm cự qua ngày 

Ông Nguyễn Tiến Hùng (57 tuổi), một ngư dân bao năm đi biển ở xã Tam Quang (huyện Núi Thành, tỉnh Quảng Nam), nay phải làm công việc trái tay, lo chuẩn bị bún gửi cho khách. “Hết đi biển, giờ về phụ vợ con bán bún, ai gọi gì làm đó”, ông Hùng than thở.

Đã 33 năm bám biển, ông Hùng không nghĩ có một ngày bản thân mình phải ngưng đi biển lâu đến vậy. 

Ông Nguyễn Tiến Hùng phụ vợ chăm lo quán bún

Ông chia sẻ: "Giá cả leo thang, có thu nhập dù giảm cũng là niềm an ủi rồi".

Khi PV đề cập đến việc đi biển lại, đôi mắt ông Hùng sáng bừng. "Có cơ hội là đi biển ngay, biển là máu của mình rồi, không bỏ được", ông nói.

Ông Đỗ Thanh Phong (44 tuổi, xã Tam Quang) cũng như nhiều ngư dân khác ở xứ biển, khi không ra khơi phải làm đủ việc để cầm cự qua ngày.

Ông chia sẻ: Khi công việc còn suôn sẻ, nguồn thu nhập mỗi tháng được hơn 8 triệu đồng. Tuy nhiên, gần 2 tháng nghỉ biển, ngần ấy thời gian ông trải qua những công việc khác nhau, trong đó công việc làm nhiều nhất là bốc vác đá lạnh xuống tàu.

Nguy cơ thiếu đói

Theo ước tính của UBND xã Nghĩa An (TP Quảng Ngãi), toàn xã có 350 chủ tàu với khoảng 700 chiếc giã cào. Trong đó khoảng 80% chủ tàu nợ ngân hàng 4-5 tỷ đồng mỗi người. Tổng tiền ngư dân toàn xã nợ ngân hàng thương mại hơn 1.000 tỷ đồng.

Bà Phạm Thị Công, Chủ tịch UBND xã Nghĩa An chua xót nói, "nhìn cảnh nhiều người dân trong xã lâm vào cảnh nợ nần, phải bán nhà, bán tàu trả nợ, chúng tôi thật sự xót xa, nhưng cũng chỉ biết kiến nghị lên cấp trên tìm cách giúp đỡ cho người dân, chứ khả năng của xã thì lực bất tòng tâm".

Làm nghề biển thua lỗ, chồng qua đời, con bỏ học giữa chừng, bà Võ Thị Chè (62 tuổi) ở xã Nghĩa An phải bán nhà để trả nợ cho ngân hàng. Bán nhà, bà dọn ra ngoài ở trọ.

Lý giải về nguyên nhân tổng số tiền ngư dân trong xã nợ ngân hàng hàng nghìn tỷ đồng, bà Công chia sẻ, từ năm 2016 trở về trước, kinh tế biển trong xã phát triển mạnh, nhất là chủ tàu hành nghề giã cào đôi. Nhiều chủ tàu thu lãi ròng mỗi năm từ 1-2 tỷ đồng.

Thấy có lợi, nhiều ngư dân thế chấp nhà cửa, đổ xô đi vay tiền ngân hàng, vay vốn nhàn rỗi trong dân để đóng tàu cá hành nghề giã cào. Việc tàu giã cào tăng đột biến, dẫn đến thiếu lao động, nguồn lợi thủy sản cạn kiệt, cùng với lý do tàu gắn máy Trung Quốc tuy rẻ tiền, tiêu tốn nhiên liệu, giá nhiên liệu tăng cao dẫn đến làm ăn thua lỗ, nợ nần chồng chất, nên phá sản.

Ông Võ Tiến Minh (65 tuổi) ở thôn Phổ Trung, xã Nghĩa An phải bán nhà để trả nợ cho ngân hàng vì làm nghề biển thua lỗ.

Theo bà Công, thời điểm đó ngân hàng tạo điều kiện hết sức thông thoáng, nên việc vay vốn của ngư dân rất dễ dàng. Tuy nhiên, chỉ được vài năm, việc khai thác hải sản bết bát, hàng trăm gia đình lâm vào cảnh lụn bại. Hiện nợ xấu bủa vây khắp xã, hàng tuần có 3-5 vụ án dân sự diễn ra liên quan đến nợ vốn vay của ngân hàng, từ đó Tòa án phải thực hiện thẩm định tài sản tại chỗ và thi hành án theo quy định của pháp luật.

Hiện tại giá nhiên liệu vẫn cao, càng làm đời sống của ngư dân lâm vào cảnh khó khăn hơn, có thể xảy ra tình trạng một số hộ thiếu đói trong thời gian tới .

"Chúng tôi liên tục kiến nghị lên Thành ủy, UBND TP Quảng Ngãi quan tâm, có ý kiến đề nghị các ngân hàng tạo điều kiện giãn nợ đối với các hộ dân mất khả năng trả nợ cho ngân hàng, nhằm giúp người dân trụ lại được trong hoàn cảnh khó khăn này", bà Công nói.

Dồn sức hỗ trợ ngư dân

Chủ tịch UBND xã Tam Quang (huyện Núi Thành, tỉnh Quảng Nam) Huỳnh Thị Mỹ Dung cho biết, trên địa bàn có hơn 2.000 lao động bám biển với khoảng 370 tàu thuyền, trong đó có 197 tàu đánh bắt xa bờ.

"Bão giá xăng dầu ảnh hưởng trực tiếp đến tàu thuyền, đặc biệt là những tàu đánh bắt xa bờ. Hiện trên địa bàn có khoảng 40 tàu đánh bắt xa bờ "đắp chiếu" vì không đủ chi phí khai thác, ảnh hưởng trực tiếp đến 400 lao động.

Nhiều người sẽ chuyển sang làm bốc vác tại cảng hoặc về đánh bắt xung quanh bờ, làm hàu", bà Dung thông tin.

Nhiều tàu cá của ngư dân Quảng Nam nằm bờ

Trước thực trạng này, UBND xã Tam Quang đã có nhiều đề xuất để hỗ trợ cho ngư dân như việc chuyển đổi nghề phù hợp, hỗ trợ xăng dầu.

Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản tỉnh Quảng Nam Võ Văn Long cho hay, việc hỗ trợ ngư dân trong giai đoạn này vẫn đang đợi thông tin từ phía Bộ.

"Cuối tháng 6 vừa rồi, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã đề nghị hỗ trợ 1 tháng lương cho các thuyền viên đậu bờ. Đối với ngành, chúng tôi đang tập trung tìm kiếm các ngư trường dự đoán nhiều sản lượng để hướng dẫn người dân đến địa điểm đó khai thác", ông Long nói.

Phó Chủ tịch UBND quận Sơn Trà Huỳnh Văn Hùng cho biết, để ngư dân yên tâm bám biển, phát triển nghề cá, quận đã đề xuất UBND TP xem xét, phê duyệt đối tượng được hưởng chính sách hỗ trợ bảo hiểm thân tàu; hỗ trợ 3 giàn pin năng lượng mặt trời, 1 bộ trang bị thiết bị đèn led; 800 khay nhựa đựng hải sản cho 20 tàu cá; đề xuất hỗ trợ khó khăn cho ngư dân có tàu cá gặp nạn với tổng số tiền là 345 triệu đồng.

Hiện nay, UBND TP hỗ trợ 3 mô hình hầm bảo quản sản phẩm cho ngư dân; 1 mô hình máy dò cá; lắp đặt 429 máy giám sát hành trình cho tàu khai thác xa bờ…

Ông Hồ Trọng Phương - Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Quảng Ngãi cho biết, năm 2015, Quảng Ngãi đã cấm đóng mới tàu giã cào. Tuy nhiên, vì lợi nhuận trước mắt nên ngư dân vẫn ồ ạt đóng tàu giã cào để hoạt động, giờ làm ăn thua lỗ, nợ nần, Nhà nước không hỗ trợ, cũng không kiến nghị ngân hàng giãn nợ cho ngư dân hành nghề giã cào.

Để đảm bảo nguồn lợi thủy sản, tỉnh Quảng Ngãi định hướng đến năm 2025 phải giảm lượng tàu giã cào xuống còn 25% (hiện 31%).

Tỉnh Quảng Ngãi đang xây dựng chính sách, chuyển đổi nghề giã cào sang các nghề khác. Tuy nhiên, do dịch Covid-19 nên đang gặp khó khăn, dẫn đến chính sách này chưa được ban hành.

Riêng tàu đóng theo Nghị định 67, hiện có 63 tàu, chiếm 1,35% trên tổng số tàu cá của Quảng Ngãi. Nhiều chủ tàu đóng theo Nghị định 67 gặp khó khăn vì khai thác không hiệu quả, dẫn đến nợ nần. Trước thực trạng này, tỉnh Quảng Ngãi đã kiến nghị với Ngân hàng Nhà nước, có đề xuất với các ngân hàng thương mại kéo dài thời gian vay, giãn thời gian trả nợ cho ngư dân, nhằm giúp các chủ tàu vượt qua khó khăn trước mắt.

Ngư dân Nghệ An đứng ngồi không yên khi khó khăn chồng chất, tàu nằm bờ. Ảnh: Quốc Huy

Tại Nghệ An, liên quan đến việc nhiều tàu thuyền đắp chiếu, nằm bờ, Ngành thuỷ sản của tỉnh đang làm thủ tục trình đề xuất hỗ trợ 30 tỷ đồng cho ngư dân ra khơi bám biển.

Trao đổi với PV, ông Trần Như Long, Phó Chi Cục trưởng Thủy sản (Sở NN&PTNT tỉnh Nghệ An) cho biết, để có chính sách hỗ trợ kinh phí cho ngư dân có tàu thuyền đánh bắt xa bờ bị ảnh hưởng, đơn vị đang tham mưu cho UBND tỉnh và trình HĐND tỉnh thông qua.

“Chúng tôi tham mưu cho Sở NN&PTNT để trình UBND tỉnh và đã có một phương án hỗ trợ. Cụ thể, dự kiến hỗ trợ cho nhóm tàu khai thác hải sản xa bờ. Trong đợt đề xuất lần này, dự kiến kinh phí khoảng 30 tỷ đồng hỗ trợ các tàu đánh bắt xa bờ”, ông Long thông tin.

Cũng theo ông Long, mức hỗ trợ kinh phí cho tàu cá ngư dân phù thuộc vào các nghề đánh bắt 3-4 ngày/chuyến; hoặc nghề tàu đánh bắt 15 ngày/chuyến. Tổng số gần 1.200 tàu đánh bắt xa bờ dự kiến sẽ được hỗ trợ. Danh sách các tàu này sẽ được trình lên UBND tỉnh xem xét và phê duyệt.

Cũng theo ông Long, các tàu cá đánh bắt xa bờ dự kiến sẽ được hỗ trợ một lần. Còn một nhóm tàu khác, khoảng 200 – 300 chiếc cũng nằm trong danh sách gửi lên đề xuất hỗ trợ trong đợt này.

Ngọc Viên - Quốc Huy - Công Sáng

Những ngư dân tỷ phú ở miền Trung thành...'con nợ'

Những ngư dân tỷ phú ở miền Trung thành...'con nợ'

Trái với quãng thời gian đi biển khấm khá, tình cảnh hiện nay của nhiều chủ tàu ở tỉnh Quảng Ngãi, Đà Nẵng, Quảng Nam rất bi đát, phải bán nhà, đất và bán cả tàu để trả nợ ngân hàng, trong khi đi biển khai thác hải sản không hiệu quả.
Tàu 'đắp chiếu' dài ngày, ngư dân càng bám biển càng kiệt quệ

Tàu 'đắp chiếu' dài ngày, ngư dân càng bám biển càng kiệt quệ

Khi khoản nợ vay đóng tàu vẫn treo trên đầu, những ngày này ngư dân vốn khó càng chồng khó khi giá nhiên liệu cao, đưa tàu ra khơi lại lỗ thêm. Cảnh những cảng biển ngày nào còn tấp nập thuyền cá ra vào, nay cả loạt tàu "đắp chiếu" nằm bờ.
Tỷ phú tàu vỏ thép 67 bên bờ vực phá sản

Tỷ phú tàu vỏ thép 67 bên bờ vực phá sản

Những ngư dân đóng tàu vỏ thép 67 đều là những người giỏi nghề, có kinh nghiệm đi biển và từng làm ăn hiệu quả nhưng nay cũng mắc nợ, thậm chí phá sản.