Nếu các cơ quan, đơn vị thực thi nghiêm quy định pháp luật, tăng cường kiểm tra, kiên quyết xử lý sai phạm thì những vụ việc thương tâm như cháy chung cư mini, sạt lở bờ taluy ở Đà Lạt, tai nạn xe khách Thành Bưởi khó có thể xảy ra.
Lời tòa soạn
Những vụ thương vong lớn về người xảy ra liên tiếp gần đây dù khác nhau về lĩnh vực nhưng lại giống nhau ở chỗ, từ sự cố lộ ra “góc khuất” sai phạm, vi phạm.
Sau những vụ việc đau lòng như tai nạn xe khách Thành Bưởi, sạt lở ở Đà Lạt, cháy chung cư mini ở Hà Nội làm 56 người chết, là cả quá trình điều tra, xem xét, xử lý trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân liên quan.
Tìm nguyên nhân, bịt lỗ hổng từ những vụ việc như vậy là rất cần thiết, vì chỉ có đề cao trách nhiệm quản lý, chủ động ngăn chặn và xử lý vi phạm từ sớm, rủi ro mới được hạn chế.
Trách nhiệm càng cao, rủi ro càng thấp
Theo Đại biểu Quốc hội Phạm Văn Hòa (Ủy viên Ủy ban Pháp luật), phía sau những sự cố đau thương xảy ra trong thời gian vừa qua như vụ cháy chung cư mini ở Khương Hạ (quận Thanh Xuân, Hà Nội), lái xe Thành Bưởi gây tai nạn làm 5 người chết hay công trình sai phạm dẫn tới sạt lở chết người ở Đà Lạt đều có trách nhiệm của cơ quan quản lý.
Đại biểu Phạm Văn Hòa cho rằng, nếu như cán bộ quản lý trật tự xây dựng, phòng cháy chữa cháy (PCCC) xử lý ngay khi phát hiện tòa chung cư mini của bị can Nghiêm Văn Minh ở Khương Hạ xây dựng sai phép, không đủ điều kiện PCCC thì đâu đến nỗi dẫn đến hậu quả khiến 56 người thiệt mạng.
“Quận Thanh Xuân cấp phép xây tòa nhà đơn lẻ 6 tầng mà chủ đầu tư xây tới 9 tầng làm chung cư mini, chẳng lẽ cán bộ quản lý trật tự xây dựng không ai biết sự việc? Nếu họ biết, yêu cầu tháo dỡ tòa nhà ngay từ thời điểm đó thì sự việc đau thương đã không xảy ra”, ông Phạm Văn Hòa nói.
Do vậy, ông Hòa đặt nghi vấn có tiêu cực trong việc tòa chung cư mini của Nghiêm Quang Minh ở Khương Hạ dù sai phép tới 3 tầng nhưng vẫn tồn tại. “Tôi đề nghị cơ quan điều tra phải làm rõ ai chống lưng cho chung cư mini này tồn tại”, ông Hòa nêu kiến nghị.
Về vụ việc tài xế nhà xe Thành Bưởi dù bị tước bằng lái 3 tháng nhưng vẫn điều khiển ô tô gây tai nạn khiến 5 người tử vong, đại biểu Phạm Văn Hòa cho rằng, nếu cơ quan chức năng cùng với doanh nghiệp phối hợp ngăn chặn hành vi sai phạm của người điều khiển phương tiện ngay từ đầu thì sự việc đã không xảy ra.
“Trách nhiệm trước tiên thuộc về tài xế đã cố tình điều khiển xe khách khi không có bằng lái. Nhưng trách nhiệm của nhà xe cũng rất lớn.
Tại sao lái xe bị tước bằng mà vẫn được điều khiển phương tiện rồi gây tai nạn thương tâm? Để không bỏ lọt tội phạm, tôi đề nghị lực lượng chức năng mở rộng điều tra xem có ai tiếp tay cho sai phạm hay không”, ông Hòa nói.
Để không lặp lại những vụ việc thương tâm trên, ông Hòa cho rằng, ngay từ khi phát hiện mầm mống sai phạm, cán bộ, công chức phải rốt ráo xử lý với quan điểm sai đến đâu xử đến đó.
“Nếu cán bộ, công chức xử lý sai phạm không có vùng cấm thì ý thức của người dân cũng được nâng cao. Như vậy, tình hình cháy nổ, tai nạn giao thông cũng sẽ giảm đi”, ông Hòa nêu quan điểm.
Có sư lơ là trách nhiệm kiểm tra, giám sát
Ông Lê Như Tiến, Đại biểu Quốc hội khóa 13 cho biết, thời gian qua phát hiện nhiều vụ việc vi phạm mà phần lớn do lỗi chủ quan của con người chứ không phải lỗi khách quan. Trong những vụ việc để lại hậu quả đau lòng vừa qua, có sự lơ là trách nhiệm kiểm tra, giám sát của các cơ quan chức năng.
Trở lại vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng khiến 5 người tử vong ở Đồng Nai, ông Tiến cho rằng tài xế dù đã bị tước bằng lái vẫn chủ quan, bất chấp các quy định tiếp tục hành nghề.
“Vụ tài xế hãng xe Thành Bưởi bị tước bằng vẫn ôm vô lăng cho thấy ngoài nguyên nhân do chính tài xế còn có nguyên nhân đến từ những cơ quan, đơn vị thực hiện chức năng quản lý giao thông vận tải.
Một loạt lực lượng liên quan đến lĩnh vực giao thông vận tải gồm thanh tra giao thông, cảnh sát giao thông… nếu hằng ngày rà soát xe ra vào thành phố, di chuyển trên đường phải trình đủ giấy tờ thì sẽ không xảy ra chuyện đó.
Hơn nữa, bến xe và chủ phương tiện đó cũng phải chịu trách nhiệm liên đới, bởi vì doanh nghiệp có xe kinh doanh không thể nói không biết người ấy đã bị tước bằng lái 3 tháng”, ông Lê Như Tiến bày tỏ.
Ông Tiến cho rằng, ở đây có tình huống chưa kết nối, phối hợp xử lý sai phạm giữa các cơ quan quản lý dẫn đến tình trạng công an tước bằng mà doanh nghiệp, bến xe lại "không biết". Do đó, ông Tiến kiến nghị cần phải có sự kết nối, thông báo với các đơn vị liên quan về những trường hợp vi phạm giao thông nhằm ngăn ngừa hậu quả đáng tiếc có thể xảy ra.
Ví dụ, một tài xế vi phạm tốc độ, bị tước bằng lái thì ngay lập tức thông tin này được cập nhật trên hệ thống cảnh sát giao thông và liên kết tới Sở GTVT, doanh nghiệp. Từ đó các đơn vị này đưa ra hướng xử lý phù hợp.
Đối với việc xây dựng chung cư mini sai phép, ông Tiến cho rằng sự việc đau lòng vừa xảy ra ở Hà Nội chỉ ra thực trạng hầu hết các chung cư mini đều vượt tầng với hệ thống PCCC không đạt chuẩn.
“Khi xảy ra hỏa hoạn thì gần như chấp nhận số phận. Vì thế, tôi đề nghị Hà Nội phải rà soát lại tất cả các chung cư trên toàn thành phố, đồng thời thiết lập lại trật tự xây dựng. Quan trọng nhất chính là sự vào cuộc của các cơ quan gồm: Thanh tra xây dựng, công an, quản lý đô thị, PCCC…
Ngay từ đầu, các cơ quan chức năng chỉ cho phép xây dựng theo đúng hồ sơ cấp phép thì sẽ hạn chế tối đa những thương vong có thể xảy ra.
Sau những vụ việc vừa qua, chúng ta cần lập lại trật tự đô thị, trật tự giao thông”, ông Tiến nhấn mạnh.
Ngoài chung cư mini cháy làm 56 người tử vong ở phố Khương Hạ, ông Nghiêm Quang Minh còn có 8 công trình khác vi phạm xây dựng, PCCC, chưa bị xử lý triệt để.
Liên tiếp các vụ sạt lở với tần suất dày tại TP Đà Lạt (Lâm Đồng) đã lộ ra các nguyên nhân, xây dựng sai phạm, "nhân tai", quản lý xây dựng có vấn đề và quy hoạch đô thị bất cập.
Sau tai nạn đặc biệt nghiêm trọng khiến 5 người tử vong ở Đồng Nai, nhiều người bức xúc vì tài xế của nhà xe Thành Bưởi điều khiển xe khách trong tình trạng đã bị tước bằng lái 3 tháng. Trách nhiệm nhà xe, đơn vị quản lý ở đâu?