Sáng 24/6, Quốc hội đã thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam và Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam.

Luật có hiệu lực thi hành từ ngày 15/8.

Thị thực (visa) có giá trị một lần hoặc nhiều lần được nâng thời hạn. Với thị thực ký hiệu SQ có thời hạn không quá 30 ngày. Thị thực ký hiệu HN (cấp cho người vào dự hội thảo, hội nghị tại Việt Nam), DL (cấp cho người nước ngoài vào Việt Nam du lịch), EV (visa điện tử) có thời hạn không quá 90 ngày. Thị thực ký hiệu VR (visa thăm thân) có thời hạn không quá 180 ngày.

Khách du lịch tại TP.HCM. Ảnh: Chí Hùng

Ngay sau khi luật được thông qua và có hiệu lực,  Chính phủ sẽ ban hành nghị quyết để kịp thời triển khai trong thực tiễn.

Về nâng thời gian cấp chứng nhận tạm trú từ 15 ngày lên 45 ngày, nhiều ý kiến nhất trí với dự thảo luật; một số ý kiến đề nghị làm rõ căn cứ của quy định 45 ngày; đề nghị tăng lên 60 hoặc 90 ngày.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội phân tích, hiện nay, xu hướng du lịch của du khách từ các thị trường xa như châu Âu đến Việt Nam thường theo kỳ nghỉ dài từ 15 ngày trở lên và chọn những chương trình du lịch nghỉ dưỡng xuyên Việt và liên quốc gia. Ngành du lịch định hướng thu hút khách nghỉ dưỡng biển, lưu trú dài ngày để từng bước cạnh tranh với các nước trong khu vực về du lịch biển, trong khi đó, các nước như Thái Lan, Singapore... đang áp dụng chính sách miễn thị thực với thời hạn tạm trú đến 45 ngày, 90 ngày. 

Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhấn mạnh, việc nâng thời hạn đơn phương miễn thị thực lên 45 ngày là đạt mức trung bình trong khu vực, qua đó, sẽ nâng cao tính cạnh tranh trong khu vực của Việt Nam trong thu hút du khách. Việc này tạo thuận lợi hơn nữa cho khách du lịch quốc tế.

Do vậy, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Quốc hội cho giữ nguyên như dự thảo luật do Chính phủ trình.