Hãng thông tấn Al Jazeera dẫn lời Thủ tướng Slovakia Eduard Heger nói rằng, chính quyền nước này đã duyệt kế hoạch gửi thêm 13 tiêm kích MiG-29 và một số hệ thống phòng không 2K12 Kub cho Ukraine

Một chiến cơ MiG-29 của Không quân Slovakia. Ảnh: Wikipedia

“Chúng tôi phải giữ được những lời hứa của mình, khi Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky đã yêu cầu nhận thêm nhiều vũ khí hơn nữa, trong đó bao gồm cả những chiếc tiêm kích. Bản thân tôi có thể nói rằng, chúng tôi đang làm điều tốt nhất có thể. Những vũ khí viện trợ này sẽ đảm bảo Ukraine có thể tự bảo vệ chính mình”, ông Heger viết trên mạng xã hội Twitter.

Theo Al Jazeera, thông cáo trên của Thủ tướng Slovakia được đưa ra chỉ vài ngày sau khi chính quyền Ba Lan quyết định sẽ gửi tiêm kích MiG-29, vốn được các phi công Ukraine sử dụng thuần thục, cho Kiev trong vòng 4-6 tuần tới.

Giới chức lãnh đạo Nga ngay lập tức đã có phản ứng trước việc chính quyền Bratislava quyết định gửi thêm vũ khí cho Kiev. “Trong chiến dịch quân sự đặc biệt, tất cả các trang thiết bị được gửi cho Ukraine sẽ đều trở thành mục tiêu cần phải phá hủy”, phát ngôn viên Điện Kremlin Dmitry Peskov cho hay.

Phần Lan họp với Thổ Nhĩ Kỳ về việc gia nhập NATO

Theo Al Jazeera, Tổng thống Phần Lan dự kiến sẽ có cuộc hội đàm với người đồng cấp Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan tại Istanbul trong những ngày tới, nhằm vận động Ankara phê chuẩn việc Helsinki gia nhập Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO). 

Al Jazeera nhận định, cuộc gặp trên diễn ra trong bối cảnh ông Erdogan vào đầu tuần này tuyên bố bản thân sẽ có thể gửi văn bản yêu cầu Quốc hội Thổ Nhĩ Kỳ bỏ phiếu phê chuẩn tư cách thành viên NATO đối với Phần Lan trước ngày 14/5 tới, thời điểm diễn ra cuộc bầu cử tổng thống ở nước này.

Phần Lan và Thụy Điển vào tháng 5/2022 đã chính thức nộp đơn xin gia nhập NATO, nhằm ứng phó với việc Nga mở chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine. Tuy nhiên, chính quyền Thổ Nhĩ Kỳ đã nhiều lần phản đối động thái trên, vì cho rằng hai nước Bắc Âu đang chứa chấp nhiều đối tượng có liên quan tới các nhóm vũ trang chống Ankara.

Thế bế tắc được giải tỏa sau khi 3 nước ký một thỏa thuận tại hội nghị thượng đỉnh NATO ở Madrid, Tây Ban Nha vào tháng 6/2022, trong đó Ankara sẽ chấm dứt việc phủ quyết NATO kết nạp Phần Lan và Thụy Điển để đổi lấy những cam kết chống khủng bố và xuất khẩu vũ khí từ Helsinki và Stockholm.