Trao đổi nhanh với báo chí trong chiều ngày 10/10, ông Nguyễn Nguyên Phương - Phó Giám đốc Sở Công Thương TP.HCM cho biết, trong ngày hôm qua, hệ thống các cây xăng của Petrolimex đã cung ứng thực tế khoảng 1.900 m3 xăng dầu ra thị trường, tăng 500m3 so với con số bình quân hàng ngày của đơn vị. Dự kiến, trong ngày 10/10, hệ thống Petrolimex sẽ bán ra hơn 2.000 m3 xăng dầu cho người dân.

Đại diện Sở này nhận định, việc phân phối của các cửa hàng xăng dầu đang gặp khó khăn liên quan tới việc nhập khẩu, số lượng nhập giảm do biến động giá cả thế giới. Cùng với đó, việc vận chuyển xăng dầu cũng gặp khó khăn, bão lũ dẫn tới việc di chuyển của các tàu dầu, xe bồn từ kho hàng tới các điểm bị ảnh hưởng.

Đến thời điểm này, Sở Công Thương xác nhận chỉ có 3/550 cửa hàng xăng dầu trên địa bàn TP chính thức có đăng ký tạm dừng hoạt động với lý do sửa chữa, thanh lý hợp đồng. Còn lại 58 cửa hàng xăng dầu khác không đóng cửa nhưng kinh doanh bán nhỏ giọt hoặc thiếu hàng, chủ yếu là thiếu xăng.

Nguyên nhân chính của tình trạng khan hàng trên là do các đơn vị này đặt hàng nhưng đối tác cung cấp thiếu. Tiếp đó, vào giờ cao điểm, khi nhu cầu tiêu dùng tăng cao thì các xe vận chuyển xăng dầu cung ứng bổ sung không kịp. Đối với cửa hàng nhỏ lẻ có lượng dự trữ thấp thì việc tạm thời hết hàng hoàn toàn khách quan.

Người dân mang can nhựa đi mua xăng tại TP.HCM trong sáng 10/10. (Ảnh: Như Sỹ)

Sở Công Thương và Cục Quản lý thị trường TP.HCM nắm rất rõ lý do, nguyên nhân đóng cửa của các cửa hàng xăng dầu. 58 cửa hàng đang tạm ngưng hoạt động, chiếm khoảng 10% số lượng cửa hàng, đây chủ yếu là các DN nhỏ lẻ, họ không có đủ nguồn lực dự phòng, cân đối nguồn hàng duy trì hoạt động của các cây xăng.

"Đối với các DN lớn, có thương hiệu, có chuỗi cửa hàng, dự trữ tốt thì nguồn cung vẫn đảm bảo. Việc cần làm là hỗ trợ vận chuyển, cung ứng xăng dầu kịp thời tới các cây xăng. Sở đã nhận được kiến nghị của Petrolimex gửi bổ sung danh sách xe bồn được lưu thông, vận chuyển xăng dầu trong giờ cao điểm, hỗ trợ cung cấp xăng cho các cửa hàng có lượng dự trữ thấp", ông Phương nói.

Nếu không linh động tính toán điều chỉnh cho xe vận chuyển xăng dầu được lưu thông trong giờ cao điểm, bổ sung cho nguồn hàng thiếu hụt tại các cây xăng thì chắc chắn sẽ dẫn tới tình trạng thiếu xăng dầu cục bộ tại TP.

Cũng theo lãnh đạo Sở Công Thương TP.HCM, hiện nay, người dân đang có tâm lý mua trước khi biết tin kỳ điều chỉnh ngày mai (11/10), dự báo giá xăng dầu sẽ tăng lên. Tuy nhiên, đại diện Sở khẳng định, theo quy định hiện nay, sẽ không bán xăng dầu cho người dân sử dụng can, bình để mua hàng về dự trữ. 

Cùng ngày, trao đổi với PV.VietNamNet, lãnh đạo Tổng công ty Dầu Việt Nam (PVOil) - 1 trong những đơn vị có thị phần lớn nhất trong ngành xăng dầu tại thị trường miền Nam - cho hay, trong 9 ngày đầu tháng 10/2022, sản lượng xăng dầu PVOIL cung cấp cho các đơn vị trong hệ thống vượt 7% so với kế hoạch, riêng mặt hàng xăng vượt 16%. Tại thị trường TP. Hồ Chí Minh, sản lượng xăng dầu do PVOIL cung cấp cho các đầu mối phân phối cũng vượt tới 28% so với kế hoạch, riêng mặt hàng xăng vượt 35%.

"Đặc biệt, trong 2 ngày 8, 9/10/2022, nhiều cây xăng trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh đóng cửa, khách hàng ồ ạt chuyển qua các cây xăng PVOIL quá đông, tăng gấp 3 lần so với bình thường, gây áp lực lớn cho công tác điều độ hàng hoá. Trong thời gian này, lượng bán lẻ của PVOIL Sài Gòn và TIMEXCO tăng rất cao so với bình quân các ngày trước đó (xăng tăng 60%, dầu DO tăng 25%). Mặc dù PVOIL liên tục đưa hàng về các cây xăng nhưng đôi lúc cũng không kịp đáp ứng nhu cầu tăng đột biến nên xảy ra hiện tượng một số cây xăng hết mặt hàng xăng trong khoảng thời gian ngắn khi chờ xe bồn đến nhập hàng", đại diện PVOil thông tin đồng thời nhấn mạnh, việc thiếu xăng ở một vài cây xăng nói trên chỉ là sự việc mang tính nhất thời và cục bộ. Sau khi được cấp hàng, các cây xăng này đã ngay lập tức tiếp tục bán hàng bình thường.

Tuy nhiên, nếu tình hình thị trường như hiện nay tiếp tục kéo dài sẽ gây khó khăn rất lớn đối với PVOIL cũng như các doanh nghiệp đầu mối kinh doanh xăng dầu khác. Vì vậy, các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu rất mong các cơ quan chức năng sớm có giải pháp để hài hòa lợi ích của Nhà nước, doanh nghiệp và người tiêu dùng nhằm ổn định thị trường trong bối cảnh giá dầu thế giới biến động lớn, thị trường trong nước đang gặp khó khăn.

Trần Chung - Lương Bằng

Bộ trưởng Tài chính nói về tình trạng khan hiếm xăng dầuCông tác quản lý doanh nghiệp xăng dầu thuộc về trách nhiệm của Bộ Công Thương, do đó việc đảm bảo nguồn cung, các chi phí trung gian, tiết giảm chi phí quản trị... thuộc trách nhiệm của Bộ Công Thương và các doanh nghiệp, theo Bộ trưởng Tài chính.