Theo báo cáo của Bộ Thông tin và truyền thông, doanh thu các nhà mạng trong năm 2016 tăng mạnh. Tổng doanh thu lĩnh vực viễn thông trong năm 2016 ước đạt 365.500 tỷ đồng, tăng 7,5% so với 2015.

Ba nhà mạng đạt doanh thu 365.500 tỷ đồng

Ba nhà mạng lớn là VNPT, Mobifone và Viettel đạt kết quả kinh doanh cao trong năm 2016. Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT) có  lợi tức đạt 4.380 tỷ, đạt 102% kế hoạch, tăng 20,3% so với thực hiện năm 2015, trong đó lợi nhuận của khối kinh doanh dịch vụ viễn thông - CNTT đạt 4.023 tỷ, đạt 102,3% kế hoạch, tăng 21% so với thực hiện 2015. 

Tổng lợi nhuận hợp nhất toàn Tập đoàn ước đạt 4.162 tỷ, đạt 100,4% kế hoạch, tăng 20,5% so với thực hiện năm 2015, trong đó lợi nhuận hợp nhất của khối kinh doanh dịch vụ viễn thông - CNTT đạt 3.931 tỷ, đạt 100,6% kế hoạch, tăng 20,5% so với thực hiện 2015. 

{keywords}
VNPT tăng lợi nhuận sau khi tái cơ cấu

Doanh thu toàn Tổng công ty Viễn thông MobiFone ước đạt: 38.439 tỷ đồng, đạt 107,2% kế hoạch năm, tăng trưởng 14,5% so với năm 2015; lợi nhuận trước thuế năm 2016 ước đạt: 5.204 tỷ đồng, đạt 100% kế hoạch; tỷ suất lợi nhuận/vốn chủ sở hữu ước đạt: 25,6%, nộp ngân sách nhà nước năm 2016 ước đạt 4.593 tỷ đồng.

Tập đoàn Viễn thông Quân đội (Viettel) đạt doanh thu 226.558 tỷ, hoàn thành 100% kế hoạch. Lợi nhuận trước thuế 43.200 tỷ, hoàn thành 101% kế hoạch; nộp NSNN 40.396 tỷ, hoàn thành 105% kế hoạch. Tỷ suất lợi nhuận trước thuế/Vốn chủ sở hữu 34,1%, hoàn thành 100,4% kế hoạch.

Bên cạnh 3 nhà mạng lớn, hiện Việt Nam còn có một số nhà mạng di động nhỏ như Vietnammobile, Gmobile. Tuy nhiên, trong báo cáo không thấy đề cập đến kết quả kinh doanh của những đơn vị này.

Tái cơ cấu để tăng trưởng bền vững hơn

Bên cạnh các nhà mạng lớn, các doanh nghiệp thuộc Bộ TT&TT cũng đang thay đổi mạnh mẽ sau khi tái cơ cấu, chia tách từ các Tập đoàn, tổng công ty. Đơn cử như Tổng công ty Bưu điện Việt Nam (VNPost), tổng doanh thu hợp nhất toàn tổng công ty năm 2016 ước thực hiện là 11.906 tỷ đồng, bằng 117% kế hoạch năm 2016, tăng 35,8% so với thực hiện năm 2015. 

Tổng lợi nhuận hợp nhất trước thuế ước đạt 185,5 tỷ đồng, bằng 105,3% kế hoạch, tăng 20,6% so với thực hiện năm 2015. Trong đó, doanh thu công ty mẹ đạt 11.791 tỷ đồng, bằng 116,6% kế hoạch năm 2016, tăng 38% so với thực hiện năm 2015. Tỷ suất lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu là 1,6%, hoàn thành vượt mức kế hoạch Bộ TT&TT giao (1,47%). 

{keywords}
Các DN chuyển hướng kinh doanh

Năm 2016, Tổng công ty VTC đã kết thúc giai đoạn phục hồi, xóa toàn bộ lỗ lũy kế (trên 384 tỷ đồng) vào cuối quý III và có lãi khi kết thúc năm tài chính. Tổng doanh thu năm 2016 đạt 5.209 tỷ đồng, vượt trên 34% so với kế hoạch được giao và tăng 39% so với kết quả thực hiện năm 2015. 

Tổng lợi nhuận trước thuế đạt 180 tỷ đồng, vượt trên 15% so với kế hoạch được giao và đạt mức tăng trưởng trên 46% so với năm 2015. Tổng các khoản nộp NSNN đạt 520 tỷ đồng, tăng 8% so với năm 2015. Chỉ tiêu tỷ suất lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu đạt 13,1%, vượt 20% kế hoạch được giao và tăng trưởng 48% so với năm 2015.

Ngoài ra, khối doanh nghiệp thông tin truyền thông còn có Tập đoàn Công nghệ CMC, Công ty TNHH Truyền hình Cáp Sài Gòn Tourist (SCTV), Công ty cổ phần Tập đoàn HiPT.

Năm 2016, CMC doanh thu ước đạt 4.202 tỷ đồng, bằng 111% so với kế hoạch và bằng 114% so với thực hiện năm 2015.Tỉ suất lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu bằng 117% so với năm 2015. Nộp ngân sách 145 tỷ đồng, bằng 117% so với năm 2015.

SCTV doanh thu ước đạt hơn 3.420 tỷ đồng (hợp nhất); lợi nhuận trước thuế hơn 290 tỷ đồng; nộp ngân sách Nhà nước hơn 400 tỷ đồng; thu nhập bình quân người lao động gần 14 triệu đồng/người/tháng. Tổng doanh HiPT thu ước đạt 450 tỷ đồng, nộp ngân sách nhà nước 12,7 tỷ đồng.

Thực tế, các doanh nghiệp đang phải đối mặt với cuộc cạnh tranh gay gắt. Theo Tổng Giám đốc Tập đoàn VNPT Phạm Đức Long, với việc chuyển dịch cơ cấu sản phẩm dịch vụ sang CNTT, Tập đoàn VNPT cần khẩn trương đào tạo chuyển hệ nguồn nhân lực từ viễn thông sang CNTT. Nhu cầu nhân lực điện tử viễn thông giảm 18-20% trong thời gian tới trong khi nhu cầu nhân lực CNTT không ngừng gia tăng.

Theo Tổng giám đốc Tổng Công ty VTC, vẫn còn những khó khăn, thách thức đối là thị trường Nội dung số, Truyền hình và Viễn thông đang trong thời điểm cạnh tranh rất mạnh mẽ giữa các đối thủ lớn, có tiềm lực về tài chính, nhân lực và hạ tầng.

Trong khi chi phí cho hạ tầng ngày một cao, cộng với xu hướng của người tiêu dùng đang chuyển dần sang sử dụng các dịch vụ miễn phí.... Chính sách của các nhà mạng liên tục thay đổi dẫn đến định hướng chiến lược cho các dịch vụ không ổn định.

Bước sang năm 2017, các doanh nghiệp đều đặt mục tiêu cao hơn. Lãnh đạo VNPT cho biết sẽ tiếp tục đổi mới để đạt mục tiêu trở thành nhà mạng đem đến trải nghiệm tốt nhất cho khách hàng. 

Theo ông Đỗ Ngọc Bình, Chủ tịch HĐTV TCT Bưu điện Việt Nam, năm 2017, việc tổ chức lại sản xuất sẽ được đẩy mạnh hơn, cụ thể là xây dựng lại toàn bộ các quy định, quy trình dịch vụ mà ngay trước mắt là quy định, quy trình các dịch vụ bưu chính; tổ chức lại các khâu trong dây chuyền sản xuất. 

Còn lãnh đạo VTC cho rằng, năm 2017, VTC bắt đầu giai đoạn phát triển bền vững và mở rộng quy mô, phấn đấu trở thành doanh nghiệp hàng đầu về dịch vụ nội dung đa phương tiện với dịch vụ thông tin, giải trí làm chủ đạo; mở rộng kinh doanh cả thị trường trong nước và quốc tế.

D.Anh