Diễn biến sự việc trong 3 tháng qua

Những ngày cuối tháng 5, đầu tháng 6 vừa qua, dư luận xôn xao chuyện nhiều phụ huynh Trường Tiểu học Cù Chính Lan ở TP Pleiku, tỉnh Gia Lai gửi đơn kiến nghị vì con họ bị giáo viên dạy nhạc đánh giá "chưa hoàn thành" môn học.

Theo đó, những học sinh này phải học lại môn Âm nhạc vào dịp hè. Theo quy định của Bộ GD-ĐT, nhà trường sẽ căn cứ vào kết quả rèn luyện này để quyết định việc có cho học sinh lên lớp hay không.

Trường Tiểu học Cù Chính Lan hiện có 800 học sinh và chỉ có duy nhất một cô giáo dạy môn Âm nhạc. Năm học 2022-2023, trường có 10 học sinh bị cô giáo đánh giá  “chưa hoàn thành” môn Âm nhạc. Năm ngoái, trường cũng có 10 em “chưa hoàn thành” môn này và năm trước nữa có 15 em.

Trong đơn kiến nghị, các phụ huynh cho rằng, giáo viên dạy môn Âm nhạc của trường thiếu tích cực trong giảng dạy, truyền đạt kém khiến học sinh không cảm nhận được nội dung bài học cũng như phát triển các kỹ năng để theo kịp yêu cầu.

Ngoài ra, việc kiểm tra, đánh giá của giáo viên thiếu khách quan nên không tạo được sự đồng thuận, gây ức chế cho học sinh. Họ đề nghị các cấp xem xét lại việc giảng dạy của cô giáo trên.

Ngày 2/6, thông tin từ UBND tỉnh Gia Lai cho biết đã có văn bản yêu cầu UBND TP Pleiku khẩn trương chỉ đạo cơ quan chuyên môn xác minh thông tin cô giáo Nguyễn Đỗ Thị Bảo Trân (giáo viên dạy môn Âm nhạc, Trường Tiểu học Cù Chính Lan) bị phụ huynh phản ứng về công tác giảng dạy. Sau khi có kết quả kiểm tra, xử lý (nếu có) báo cáo về UBND tỉnh Gia Lai trước ngày 10/6.

Cuối năm học 2023-2024, nhiều phụ huynh đến Trường Tiểu học Cù Chính Lan phản ứng việc giảng dạy cô giáo môn Âm nhạc. Ảnh: CTV VietNamNet

Đến ngày 10/6, theo Báo VietNamNet, Phòng GD-ĐT TP Pleiku có kết luận liên quan vụ việc bà Nguyễn Đỗ Thị Bảo Trân bị một số phụ huynh phản ứng gay gắt trong công tác dạy và học.

Kết quả kiểm tra khẳng định, giáo viên Nguyễn Đỗ Thị Bảo Trân đã để chất lượng giáo dục môn Âm nhạc tại một số lớp không đạt chỉ tiêu đã cam kết đầu năm học 2022-2023. Cụ thể, có 3 học sinh chưa hoàn thành môn Âm nhạc theo đăng ký.

Bà Trân cũng không lập sổ ghi chép, theo dõi sự tiến bộ của học sinh; không có kế hoạch bồi dưỡng, giúp đỡ học sinh hoàn thành học kỳ I (kết quả khảo sát đầu năm học có 16 học sinh chưa hoàn thành, đến cuối học kỳ I, con số nâng lên 28 học sinh).

Ngoài ra, bà Trân chưa có sự phối hợp với một số giáo viên chủ nhiệm, giáo viên cùng lớp và phụ huynh trong đánh giá học sinh, chưa thường xuyên kiểm tra, nhận xét vào vở học sinh để hướng dẫn các em khắc phục hạn chế, sai sót. Giáo viên này cũng chưa có kế hoạch dạy học, hồ sơ dành riêng cho học sinh khuyết tật học hòa nhập trường.

Đáng chú ý, trong 2 năm (2021-2022 và 2022- 2023), bà Trân đã tự ý sửa chữa kết quả học tập của 75 học sinh ở các lớp (nâng lên, hạ xuống và sửa nhận xét). Trong đó, có một số học sinh được nâng lên, hạ xuống nhiều lần mà không báo cáo lãnh đạo nhà trường.

Phòng GD-ĐT TP Pleiku đã đề nghị nhà trường căn cứ vào kết luận của đoàn kiểm tra, quy định về xử lý kỷ luật viên chức, tổ chức kiểm điểm làm rõ trách nhiệm tổ chức, cá nhân có vi phạm để xử lý theo quy định của pháp luật.

Vì nhiều lý do khiến UBND TP Pleiku chưa thể giải quyết dứt điểm vụ việc theo chỉ đạo của UBND tỉnh Gia Lai.

Đến ngày 24/8, Văn phòng UBND tỉnh Gia Lai đã có văn bản nhắc nhở Chủ tịch UBND TP Pleiku khẩn trương báo cáo kết quả xử lý về UBND tỉnh trước ngày 31/8, đồng thời yêu cầu xử lý để chấm dứt dư luận xã hội không tốt.

Tuy nhiên, trong khi TP Pleiku chưa báo cáo kết quả xử lý, ngay trước thềm năm học mới, vào sáng 29/8, trước cổng Trường Tiểu học Cù Chính Lan xuất hiện băng rôn ghi dòng chữ "Phụ huynh trường Tiểu học Cù Chính Lan, TP Pleiku – Gia Lai phản đối cô N.Đ.T.B.T tiếp tục dạy môn âm nhạc. Con em chúng tôi không đến trường để bị bạo hành tinh thần".

Băng rôn phản đối cô giáo tại Trường Tiểu học Cù Chính Lan. Ảnh: Báo Người Lao động

Sau đó, chính quyền địa phương đã cử lực lượng công an, bảo vệ dân phố xuống bảo vệ an ninh trật tự, tháo dỡ băng rôn trước cổng trường. Tuy vậy, rất nhiều phụ huynh có mặt vẫn tập trung phản đối cô giáo Bảo Trân tiếp tục dạy học tại trường.  

Cùng ngày, trao đổi với báo Người Lao Động, ông Nguyễn Đình Thức, Trưởng phòng GD-ĐT TP Pleiku, tỉnh Gia Lai, cho biết đã nắm được thông tin và cử người giải quyết sự việc. Còn cô Phan Thị Hợp, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Cù Chính Lan, cho biết cô Trân đang là giáo viên duy nhất dạy Âm nhạc tại nhà trường.

Đối với kiến nghị của phụ huynh, cô Hợp cho rằng Âm nhạc là môn chuyên biệt, ban giám hiệu không có chuyên môn để góp ý cho giáo viên. Cô Trân đánh giá học sinh theo các thông tư của Bộ GD-ĐT là không sai. Việc đánh giá này mang tính định tính, là quyền của giáo viên, nhà trường không thể can thiệp.

Sẽ giải quyết dứt điểm trong ngày 31/8?

Tới ngày 30/8, theo báo Gia Lai, UBND TP Pleiku đã có Báo cáo số 572/BC-UBND gửi UBND tỉnh Gia Lai về quá trình xử lý vụ việc giáo viên dạy môn Âm nhạc Trường Tiểu học Cù Chính Lan.

Theo đó, sau khi có kết luận về sự việc giáo viên Nguyễn Đỗ Thị Bảo Trân, ngày 12/6, UBND TP Pleiku đã có báo cáo gửi UBND tỉnh về kết quả xác minh nội dung phản ánh, kiến nghị đối với giáo viên này.

Trong đó, UBND TP chỉ đạo cho các phòng chuyên môn tham mưu, hướng dẫn, chỉ đạo Hiệu trưởng Trường Tiểu học Cù Chính Lan tổ chức kiểm điểm làm rõ trách nhiệm tập thể, cá nhân có liên quan.

Đặc biệt, giáo viên môn Âm nhạc Nguyễn Đỗ Thị Bảo Trân đã gây dư luận không tốt, ảnh hưởng đến uy tín của nhà trường, ngành giáo dục và đào tạo thành phố. Sau khi có kết quả kiểm điểm, giao Phòng GD-ĐT, Phòng Nội vụ tham mưu UBND thành phố quy trình công tác cán bộ theo quy định.

Tuy nhiên, từ ngày 1/6 đến 31/7 là thời gian nghỉ hè (nghỉ hàng năm) của giáo viên theo quy định của pháp luật. Do đó, Phòng GD-ĐT chỉ đạo Trường Tiểu học Cù Chính Lan tổ chức kiểm điểm làm rõ trách nhiệm của tổ chức, cá nhân có vi phạm và xử lý nghiêm minh theo đúng quy định pháp luật sau thời gian nghỉ hè (từ sau ngày 1/8) và báo cáo kết quả kiểm điểm về Phòng trước ngày 10/8.

Trường Tiểu học Cù Chính Lan. Ảnh: Quang Tấn, Báo Gia Lai

Đến ngày 5/7, UBND TP nhận được đơn khiếu nại của bà Nguyễn Đỗ Thị Bảo Trân. Theo đó, bà Trân khiếu nại các nội dung: Thông báo Kết luận số 11 ngày 5/6/2023 về công tác quản lý, công tác chuyên môn tại trường Tiểu học Cù Chính Lan; Nội dung trả lời tại Văn bản số 492 ngày 8/6/2023 của Phòng GD-ĐT; Quy trình kiểm tra khi có đơn tập thể phụ huynh học sinh kiến nghị của Trường Tiểu học Cù Chính Lan và Quyết định số 68 ngày 26/5/2023 của Phòng GD-ĐT (quy trình kiểm tra đơn thư khiếu nại).

Sau khi nhận đơn, UBND TP giao Phòng GD-ĐT giải quyết đơn theo quy định của Luật Khiếu nại. 

Đến ngày 18/8, Phòng GD-ĐT đã có Quyết định số 109 về việc giải quyết khiếu nại, báo cáo UBND TP và gửi đến bà Nguyễn Đỗ Thị Bảo Trân, Trường Tiểu học Cù Chính Lan.

Theo Quyết định số 109, Phòng GD-ĐT công nhận và giữ nguyên 8 nội dung trong Thông báo số 11 ngày 5/6/2023 về công tác quản lý, công tác chuyên môn tại Trường Tiểu học Cù Chính Lan. Trong thời gian 30 ngày, kể từ ngày nhận được quyết định này, nếu bà Nguyễn Đỗ Thị Bảo Trân không đồng ý với giải quyết khiếu nại của Phòng GD-ĐT TP Pleiku có quyền khiếu nại đến Chủ tịch UBND TP hoặc khởi kiện Phòng GD-ĐT TP tại Tòa án theo quy định của pháp luật về tố tụng hành chính.

Tuy nhiên, thời điểm giáo viên Nguyễn Đỗ Thị Bảo Trân nhận quyết định đến nay chưa đủ thời gian 30 ngày quyết định giải quyết khiếu nại có hiệu lực, nên Trường Tiểu học Cù Chính Lan và Phòng GD-ĐT chưa báo cáo kết quả kiểm điểm, xử lý làm rõ trách nhiệm của tổ chức, cá nhân liên quan về UBND TP.

Hiện, UBND TP đã yêu cầu các phòng chuyên môn hoàn chỉnh hồ sơ, tham mưu UBND TP thực hiện công tác cán bộ theo đúng thẩm quyền quy định, dự kiến hoàn thành trong ngày 31/8.

Qua đó, UBND TP yêu cầu giải quyết dứt điểm dư luận không tốt, ảnh hưởng đến uy tín của nhà trường, ngành GD-ĐT TP.