- "Tôi đã hỏi 11 trưởng đoàn đàm phán các nước về Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương - TPP rằng họ có cần truyên truyền, phổ biến cho doanh nghiệp không. Họ đều trả lời: chúng tôi không phải làm!".

Tâm tư vị trưởng đoàn đàm phán

3/4 thời gian là các chuyến công tác dài ngày ở nước ngoài nhưng gần đây, ông Trần Quốc Khánh, Thứ trưởng Bộ Công Thương, Trưởng đoàn đàm phán TPP của Việt Nam lại xuất hiện dày đặc ở nhà, trên các diễn đàn, đối thoại, hội thảo.

"Nhiều ý kiến nói rằng, công chúng, doanh nghiệp chưa biết gì về Cộng đồng kinh tế ASEAN...", Thứ trưởng Khánh đã mở lời như vậy, trong một bài chia sẻ tại Diễn đàn kinh tế mùa Xuân vừa qua.

Và ông kể: "Tôi đã hỏi 11 trưởng đoàn đàm phán của các nước trong TPP rằng, các bạn đã làm gì để để doanh nghiệp của mình biết về TPP, Họ nói là không phải làm gì cả. Tôi hỏi tiếp, các anh có phải tuyên truyền, phổ biến gì không? Họ cũng trả lời không. Vậy tại sao doanh nghiệp nước các anh lại biết được về các cam kết, thách thức hội nhập?. Họ bảo, doanh nghiệp còn biết rõ hơn họ".

"Họ giải thích doanh nghiệp tự nghiên cứu và tuyệt đại đa số, họ thông qua hiệp hội hỏi thông tin, chứ họ không hỏi đoàn đàm phán hay Nhà nước. Bởi nếu doanh nghiệp hỏi Nhà nước và đoàn đàm phán thì câu trả lời sẽ là tốt lắm, không vấn đề gì. Hiệp hội doanh nghiệp các nước thường đi thuê tư vấn cho doanh nghiệp, rồi đặt ra các yêu cầu với đoàn đàm phán, giám sát đoàn đàm phán để bảo đảm quyền lợi của họ", ông Khánh thuật lại.

"Vậy, đã có viện nghiên cứu nào nhận được đặt hàng của các hiệp hội doanh nghiệp về tác động của TPP hay tác động các hiệp định khác chưa?" ông Khánh đặt câu hỏi.

{keywords}

Ông Trần Quốc Khánh, Thứ trưởng Bộ Công Thương, Trưởng đoàn đàm phán TPP của Việt Nam

Không ai phản hồi cho câu hỏi trên cả.

Trưởng đoàn đàm phán TPP nhấn mạnh: "Về phía ta, tôi được biết, VCCI cũng đã làm việc này rồi, phát đi nhiều bản câu hỏi về TPP nhưng chỉ nhận được rất rất ít câu trả lời. Mấy chục phiên đàm phán đầu tiên, lần nào chúng tôi cũng gửi giấy mời gần 20 hiệp hội những cũng chỉ vài ba hiệp hội đi cùng, như thuỷ sản, dệt may, thép".

"Cho nên, doanh nghiệp bất an, lo lắng về hội nhập thì phải tiên trách kỷ, hậu trách nhân", Thứ trưởng Khánh nói.

Năm trước, một cuộc khảo sát của Viện Nghiên cứu Đông Nam Á, Singapore về Cộng đồng kinh tế ASEAN đã cho biết, 76% doanh nghiệp Việt Nam không biết gì về AEC và 63% vô tư nói rằng, AEC chẳng có ảnh hưởng gì hoặc ít ảnh hưởng đến kinh doanh của họ.

Hai tuần trước, kết quả khảo sát gần 10.000 doanh nghiệp Việt Nam và 1.500 doanh nghiệp FDI về TPP, do VCCI và USAID thực hiện có tín hiệu tích cực hơn, khi 70% doanh nghiệp trong nước và FDI đều đã biết TPP. Nhưng mức độ hiểu biết rất hạn chế. Nhiều doanh nghiệp không có thông tin và rất ít doanh nghiệp theo dõi sát sao các hoạt động của đoàn đàm phán và hiểu rõ tác động tiềm tàng của hiệp định.

Sự lo lắng phi lý

Năm 2015 là dấu mốc quan trọng khi có tới 6 Hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam đang tham gia bước vào giai đoạn kết thúc. Nổi bật nhất là TPP và Cộng đồng kinh tế ASEAN. Việt Nam sẽ tham gia một sân chơi rộng lớn hấp dẫn hơn cả WTO với thị trường 600 triệu dân, 55 đối tác lớn trên thế giới và hàng hoá lưu chuyển một cách tự do, đa phần là phi thuế quan.

{keywords}

Việt Nam sẽ tham gia một sân chơi rộng lớn hấp dẫn hơn cả WTO

Bởi vậy, đang có không ít lo lắng, bất an diễn ra.

Thế nhưng, Trưởng đoàn đàm phán Trần Quốc Khánh nhìn nhận: "Suy cho cùng, đó là sự lo lắng về sức ép cạnh tranh. Đó là một sự lo lắng không hợp lý của các doanh nghiệp. Vì bản chất môi trường kinh tế hiện nay ở Việt Nam là cạnh tranh".

"Nếu không phải là một ông Ivanovic hay John Smith nào đó, thì cũng là một ông Nguyễn Văn A, hay anh Nguyễn Văn B nào đó xuất hiện buộc chúng ta phải cạnh tranh và nếu không cạnh tranh nổi thì sẽ phá sản", ông Khánh dẫn giải.

Thứ trưởng nói: "Ông Trần Đình Long, Chủ tịch Thép Hoà Phát, khi có nhiều người hỏi anh đầu tư vào thép có sợ cạnh tranh với Formosa hay không, đã trả lời rằng: Rất đơn giản, chúng tôi chấp nhận cạnh tranh sòng phẳng! Đó là câu trả lời của một doanh nhân mang tầm thế khu vực. Tôi mong muốn có nhiều doanh nhân Việt Nam như vậy".

"Chúng tôi sẽ thay đổi cách thức, đẩy mạnh tuyên truyền tốt hơn về tình hình hội nhập, nhưng ngược lại, các doanh nghiệp cũng cần chủ động hơn nữa", ông Khánh đề nghị.

Ông Khánh cũng khẳng định: "Năm 2015 và kể cả 2016, dù TPP đã ký kết thì tình hình cũng chưa có sự thay đổi đột ngột ngay... Chỉ khi nào có lợi cho Việt Nam thì chúng ta mới kết thúc đàm phán. Đoàn không đặt ra mục tiêu cụ thể về thời gian'.

Trong khi đó, lại nói về chuyện cải cách, chuyên gia Phạm Chi Lan, nguyên Phó chủ tịch VCCI chia sẻ: "20 năm tham gia ASEAN, nhưng chúng ta vẫn vẫn vui vẻ nằm trong nhóm CVML- các nước phát triển thấp nhất khu vực, vẫn thích xin thêm các ưu đãi, hỗ trợ riêng. Điều đó cực kỳ vô lý với một đất nước có tiềm năng phát triển như Việt Nam. Với 10 nước ASEAN, ta còn không chơi bình đẳng được thì làm sao trong cộng đồng kinh tế ASEAN, đòi bình đẳng, và tới đây, trong TPP, FTA với EU, đòi sòng phẳng với các nước lớn như Mỹ, EU... Chúng ta phải có quyết tâm để cải thiện".

Phạm Huyền