- Tham gia vào các hiệp định thương mại tự do, đồng nghĩa với việc nhiều dòng thuế nhập khẩu bị cắt giảm về 0%. Điều này sẽ khiến cho ngân sách hụt thu. Trong khi đó, các khoản chi vẫn tăng khiến cho nhiều người lo ngại xu hướng tăng thuế, phí để bù đắp ngân sách.
Hàng ngàn dòng thuế về 0%
Theo Hiệp định đối tác kinh tế Việt Nam-Nhật Bản, từ 1/4/2015, hơn 3.200 dòng thuế nhập khẩu từ Nhật Bản vào Việt Nam giảm về 0%. Thời gian tới, sẽ còn nhiều mặt hàng nhập khẩu từ Nhật Bản được áp thuế suất 0% nữa.
Từ ngày 30/3/2015 Việt Nam cũng bắt đầu thực hiện Biểu thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt ASEAN - Hàn Quốc (AKFTA), giai đoạn 2015 - 2018, với nhiều mặt hàng nhập khẩu từ Hàn Quốc về có thuế suất mức 0%.
Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC) mà Việt Nam là thành viên, sẽ được hình thành vào cuối năm 2015, khiến rất nhiều hàng hóa của các nước ASEAN vào Việt Nam sẽ không phải chịu thuế nhập khẩu.
Cùng với đó, Việt Nam sẽ ký kết các Hiệp định thương mại tự do, chẳng hạn như tham gia Liên minh kinh tế Á- Âu (EEU) với Nga, Belarut và Kazacstan, Hiệp định kinh tế xuyên Thái Bình Dương (TPP)...
Tham gia vào các hiệp định thương mại tự do, đồng nghĩa với việc nhiều dòng thuế nhập khẩu bị cắt giảm về 0%. |
Khi càng tham gia nhiều Hiệp định thương mại tự do, cũng đồng nghĩa với nhiều mặt hàng nhập khẩu có thuế suất giảm mạnh, chỉ còn ở mức từ 0-5%.
Các chuyên gia kinh tế lo ngại, giảm thuế đồng loạt sẽ làm cho ngân sách hụt thu.
Kết quả nghiên cứu về tác động ngân sách Việt Nam khi tham gia AEC, cho thấy có thể bị giảm do thuế nhập khẩu lên đến 320 triệu USD, tương đương 75% tổng số thu thuế quan từ hàng nhập khẩu ASEAN.
Khi ngân sách hụt thu mà các khoản chi vẫn tăng, điều các nhà kinh tế lo ngại là Nhà nước sẽ tăng thuế, phí với các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, dịch vụ... để có nguồn bù đắp.
Tăng thu trong nước
Theo Tiến sỹ Lê Đăng Doanh, Bộ Tài chính vừa quyết định tăng phí môi trường xăng dầu tới 300%, khiến xăng dầu mất đi cơ hội giảm giá. Mấy ngày trước, đoạn đường cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ dài khoảng 30km cũng đã được ban hành quyết định thu phí, trong đó mức cao nhất lên tới 5 triệu/tháng.
“Đây là ví dụ của việc Nhà nước đang dùng nhiều cách để tăng thu, bù đắp cho thâm hụt ngân sách”, ông Doanh nói.
Các khoản chi vẫn tăng khiến cho nhiều người lo ngại xu hướng tăng thuế, phí để bù đắp ngân sách. |
Mới đây, sau khi quyết định hạn chế các ngân hàng thương mại tham gia mua trái phiếu Chính phủ ngắn hạn, Bộ Tài chính lên tiếng lo ngại về việc thiếu khoảng 32.000 tỷ trong năm 2015 để bù đắp bội chi, trả nợ... mà chưa có nguồn cân đối.
Theo kế hoạch, năm 2015, tổng số nợ công mà Chính phủ phải trả là 150.000 tỷ đồng, tức khoảng 7 tỷ USD. Con số này bao gồm cả nợ trong nước, là những khoản nợ trái phiếu Chính phủ phải trả, nợ các quỹ tài chính mà Bộ Tài chính đã đứng ra vay.
Theo ông Doanh: chi ngân sách năm 2015 dành 70% là chi thường xuyên và hơn 30% là chi trả nợ, đầu tư, trong khi tổng nợ phải trả chiếm khoảng 31,2% thu ngân sách. Như vậy, riêng chi cho trả nợ đã hết, muốn chi cho đầu tư phải đi vay. Việc thiếu hụt ngân sách đã dồn áp lực lên Bộ Tài chính và có thể Nhà nước phải tăng thu để bù đắp.
Trao đổi gần đây, một số chuyên gia tỏ ra lo ngại khi có thông tin, trong 5 năm tới sẽ có 102 trạm thu phí được dựng lên trên hệ thống quốc lộ cả nước. Ở một số nơi, khoảng cách giữa các trạm thu phí sẽ có thể ở mức dưới 70/km.
Nguyên nhân do vốn ngân sách có hạn, trong khi vốn ODA cho giao thông cũng giảm, cho nên phải đẩy mạnh xã hội hóa và kêu gọi tư nhân đầu tư. Khi các nhà đầu tư bỏ vốn thì phải thu phí để thu hồi vốn.
Như vậy người dân sẽ vừa phải đóng phí đường bộ theo đầu xe, vừa đóng phí qua trạm thu, đây có thể xem là phí chồng phí.
Bà Phạm Chi Lan lo ngại, hiện 80% các tỉnh thu ngân sách không đủ chi, trong khi ngân sách Nhà nước hỗ trợ không đáp ứng, sẽ khiến các địa phương tăng thu phí, khiến gánh nặng đè lên vai người dân và DN.
Trong khi đó, Báo cáo “Tổng quan môi trường thuế Việt Nam 2014″ của Công ty Vietnam Report công bố cuối năm 2014 cho biết mức thu thuế của Việt Nam vẫn cao hơn hẳn so với các nước trong khu vực. Hiện tại tỷ lệ thuế của Việt Nam ở mức 20%, cao hơn mức 10%-16% của các nước trong khu vực.
Theo các nhà kinh tế, tăng thuế, phí sẽ khiến tăng chi phí sản xuất, về lâu về dài Việt Nam sẽ không còn lợi thế của nước có chi phí giá rẻ như thường thấy nữa.
Nhiều trạm thu phí giao thông đường bộ được lập ra sẽ tác động đến hoạt động vận tải hàng hóa, DN phải điều chỉnh tăng giá cước để bù đắp chi phí. Như vậy sẽ làm giá cả tăng, sức cạnh tranh của hàng hóa giảm. Điều quan trọng hơn là khi chi phí tăng sẽ làm giảm thu hút vốn đầu tư.
Bên cạnh đó, việc cắt giảm thuế quan hàng ngàn mặt hàng nhập khẩu theo lộ trình hội nhập được cho là một trong những nguyên nhân khiến vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào Việt Nam sụt giảm. Nay thuế phí lại tăng, khiến chi phí tăng thì các nhà đầu tư lại càng e ngại.
Các chuyên gia cảnh báo, nếu tất cả đều "ca" bài nhập khẩu dễ hơn đầu tư sản xuất thì nền kinh tế sẽ chịu nhiều tác động tiêu cực.
Trần Thủy