Ngay sau Tết Nguyên đán Giáp Thìn, Ban Bí thư lưu ý các cơ quan, đơn vị, địa phương nhanh chóng đưa các hoạt động trở lại bình thường, không để xảy ra tình trạng nghỉ Tết kéo dài, lơ là công việc, làm ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của người dân và doanh nghiệp.
Thủ tướng Phạm Minh Chính cũng đã có công điện đôn đốc thực hiện nhiệm vụ sau Tết. Theo đó, yêu cầu các bộ ngành, địa phương triển khai ngay các công việc, trong đó đề cao trách nhiệm, nêu cao quyết tâm, phấn đấu ngay từ những ngày đầu năm mới, tổ chức thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp chỉ đạo, điều hành thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2024.
Công điện của Thủ tướng nêu rõ, cán bộ, công chức, viên chức thực hiện nghiêm kỷ luật, kỷ cương; khẩn trương tập trung giải quyết, xử lý công việc ngay sau những ngày nghỉ Tết, không để chậm trễ ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất, kinh doanh và các hoạt động kinh tế - xã hội.
Cống hiến nhiều hơn và không sợ sai
Trao đổi với PV VietNamNet, Đại biểu Quốc hội Bùi Hoài Sơn (Ủy viên thường trực Ủy ban Văn hoá, Giáo dục) cho rằng, sau mỗi kỳ nghỉ Tết hay nghỉ lễ dài, khó khăn lắm người dân mới có thể bắt nhịp trở lại với công việc thường nhật. Chính tâm lý "ăn chơi" sau Tết đã kéo theo nhiều hệ lụy, tác động không nhỏ đến mọi hoạt động của đời sống xã hội.
“Có vẻ như thói quen đủng đỉnh, bê trễ công việc sau mỗi kỳ nghỉ Tết đã ăn sâu vào tư tưởng của nhiều người Việt Nam. Với rất nhiều người, họ coi đây là điều hiển nhiên, không có gì là xấu cả. Điều này thậm chí được đúc kết bởi câu 'Tháng Giêng là tháng ăn chơi'”, đại biểu Bùi Hoài Sơn chia sẻ.
Từ những phân tích trên, đại biểu Bùi Hoài Sơn lưu ý, chúng ta vừa vượt qua một năm 2023 khó khăn nhiều hơn dự đoán trước đó. Năm 2024, dù tình hình có thể khả quan hơn nhưng vẫn còn rất nhiều khó khăn không lường trước được.
“Điều đó buộc chúng ta phải chuẩn bị kỹ lưỡng hơn, với quyết tâm cao hơn, hành động quyết liệt hơn để đạt được mục tiêu mà Quốc hội và Chính phủ đã đặt ra, tạo điều kiện để hoàn thành nhiệm vụ của cả nhiệm kỳ Đại hội 13 của Đảng”, ông Bùi Hoài Sơn nhấn mạnh.
Chính vì thế, theo ông Bùi Hoài Sơn, ngay từ những ngày đầu năm, cán bộ, công chức, người lao động cần phải bắt tay ngay vào công việc, triển khai kế hoạch đã được đề ra. Trong đó cần nêu rõ lịch trình chi tiết, sản phẩm cụ thể, rõ người, rõ việc, rõ trách nhiệm, từ đó có thể kiểm tra tiến độ một cách phù hợp.
Đại biểu Bùi Hoài Sơn cho rằng, việc làm gương của cán bộ lãnh đạo, cùng với đưa ra những quy định cụ thể để đánh giá cán bộ nên được xem là cơ sở để vượt qua sự đủng đỉnh sau Tết.
Trong năm 2024, ông Bùi Hoài Sơn cho rằng, các cấp ngành cần tạo điều kiện để cán bộ cống hiến nhiều hơn và không sợ sai khi thực hiện chức trách của mình. Có như vậy mới hạn chế được tình trạng đùn đẩy, né tránh công việc.
“Khi chính sách, pháp luật được đồng bộ, thông thoáng, tạo điều kiện thuận lợi cho người thực thi công vụ, tôi tin chúng ta sẽ không còn lo lắng về bệnh đùn đẩy trách nhiệm, sợ sai nữa. Quốc hội đã ban hành một số nghị quyết thí điểm để tháo gỡ các khó khăn. Điều đó rất tốt nhưng sẽ tốt hơn nếu những vấn đề sai phạm gây nên lo lắng cho cán bộ công chức, viên chức được xử lý bằng luật.
Tôi cũng đánh giá cao việc Đảng và Nhà nước đã quan tâm đến bảo vệ cán bộ dám nghĩ, dám làm. Điều này sẽ phát huy tác dụng hơn nữa nếu chúng ta cụ thể hóa được các quy định này”, ông Bùi Hoài Sơn chia sẻ.
Quyết tâm cao để đẩy mạnh đầu tư công
Theo Đại biểu Quốc hội Trương Xuân Cừ, năm 2024 là năm có ý nghĩa đặc biệt quan trọng để hoàn thành các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2020-2025 và chuẩn bị cho Đại hội 14 của Đảng.
“Thắng lợi của năm 2024 về mặt kinh tế - xã hội có ý nghĩa chính trị rất lớn vì nó là tiền đề để chúng ta chào mừng Đại hội 14 của Đảng. Chính vì vậy, ngay từ những ngày đầu xuân, cán bộ, công chức cần phải nỗ lực để tạo tiền đề hoàn thành mục tiêu đã đề ra”, ông Trương Xuân Cừ nói.
Đi vào vấn đề cụ thể, đại biểu Trương Xuân Cừ cho rằng, bộ ngành, địa phương cần tập trung đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công để đáp ứng tiến độ công trình trọng điểm quốc gia, đặc biệt trong đó có dự án đường cao tốc Bắc Nam, đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô, sân bay Long Thành…
“Tồn đọng vốn đầu tư công ảnh hưởng đến tiến độ các dự án đã diễn ra trong nhiều năm qua, một phần do cán bộ e dè, sợ sai, không dám nghĩ, dám làm.
Với việc Quốc hội đưa ra nhiều nghị quyết tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong đầu tư công, theo tôi, năm 2024 các dự án giao thông trọng điểm sẽ đáp ứng được tiến độ đề ra”, ông Trương Xuân Cừ nói thêm.