Được thành lập để thúc đẩy hội nhập kinh tế, Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á-Thái Bình Dương (APEC) quy tụ các nước chiếm tổng cộng 38% dân số, 62% GDP và 48% thương mại toàn cầu.

Vợ chồng Thủ tướng Thái Lan Prayuth Chan-ocha (phải) chụp ảnh lưu niệm cùng vợ chồng Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại dạ tiệc của hội nghị cấp cao APEC 2022 ở Bangkok, Thái Lan, ngày 17/11. Ảnh: Reuters

Theo Reuters, Thái Lan hy vọng đạt được tiến bộ trong việc hình thành Khu vực Thương mại tự do châu Á - Thái Bình Dương (FTAAP), dù các cuộc đàm phán diễn ra trong bối cảnh căng thẳng địa chính trị vì cuộc xung đột Nga - Ukraine và các điểm nóng khác như bán đảo Triều Tiên.

Ngoại trưởng Thái Lan Don Pramudwinai hôm 17/11 cho hay, hội nghị thượng đỉnh của khối đang diễn ra vào một "thời điểm then chốt", khi thế giới đối mặt với vô số rủi ro. “Đó là lý do tại sao APEC năm nay phải vượt qua những thách thức này và mang lại hy vọng cho thế giới nói chung”, ông Pramudwinai nhấn mạnh.

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình bày tỏ lo ngại về nguy cơ căng thẳng chiến tranh lạnh trong một khu vực vốn là tâm điểm cạnh tranh giữa Bắc Kinh và Washington. Ông Tập cho rằng, châu Á - Thái Bình Dương không phải là sân sau của bất kỳ ai và không nên trở thành đấu trường cho sự kình địch giữa các cường quốc.

Căng thẳng giữa Trung Quốc và Mỹ là một trong những tâm điểm thu hút sự chú ý của dư luận tại thượng đỉnh APEC 2022. Mối quan hệ giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới đã xấu đi trong những năm gần đây vì bất đồng trong hàng loạt vấn đề như hàng rào thuế quan, quyền sở hữu trí tuệ, các tranh chấp lãnh thổ ở Biển Đông, …

Tại Bangkok, ông Tập đã có cuộc tiếp xúc hiếm hoi với Thủ tướng Nhật Kishida Fumio. Đây là cuộc gặp cấp lãnh đạo chính phủ đầu tiên giữa hai nước trong gần 3 năm qua, sau khi ông Kishida có phát biểu về eo biển Đài Loan khiến Bắc Kinh phẫn nộ. Đài truyền hình trung ương Trung Quốc (CCTV) đưa tin, ông Tập đã nói với ông Kishida rằng, vấn đề Đài Loan (Trung Quốc) liên quan đến nền tảng chính trị của mối quan hệ giữa hai nước và các tranh chấp lãnh thổ cần được quản lý đúng cách.

Theo Reuters, Phó Tổng thống Kamala Harris sẽ đại diện Mỹ dự họp APEC lần này. Nga là thành viên của APEC, nhưng Tổng thống Vladimir Putin không dự hội nghị và thay vào đó cử Phó Thủ tướng thứ nhất Andrei Belousov tham gia họp.

Thủ tướng Australia Anthony Albanese nằm trong số các nhà lãnh đạo sẽ có mặt tại các phiên họp chính của APEC trong 2 ngày 18 - 19/11, trong khi Tổng thống Pháp Emmanuel Macron là khách mời đặc biệt.

Tuấn Anh