Ngày 10/3/1975, Buôn Ma Thuột được giải phóng. Chiến dịch Tây Nguyên giành thắng lợi vang dội khiến cho cục diện chiến trường miền Nam thay đổi nhanh chóng, tạo nên bước ngoặt quyết định, đưa cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước đi đến thắng lợi cuối cùng, hoàn thành nhiệm vụ giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước.
Những ngày cuối tháng Ba, đầu tháng Tư năm 1975, tin chiến thắng từ miền Nam dồn dập dội về. “Cả Việt Nam tiến công, cả miền Nam nổi dậy/ Dồn dập tim ta, trăm trận thắng bừng bừng”, “Đường tiến quân ào ào chiến thắng” [1].
Không khí ở hậu phương miền Bắc lúc đó thật sôi động, dường như ai nấy đều cảm nhận được sức nóng nơi chiến trường lan ra từ tiền tuyến miền Nam xa xôi. Báo chí, Đài tiếng nói Việt Nam vận hết công suất để cập nhật một cách sớm nhất, nhanh nhất tin thắng trận đến đồng bào, chiến sĩ khắp mọi miền đất nước.
Ngày 24/3/1975: Giải phóng Quảng Nam, Quảng Ngãi.
Ngày 25/3/1975: Giải phóng thành phố Huế.
Ngày 29/3/1975: Giải phóng thành phố Ðà Nẵng.
Sau thắng lợi nhanh gọn của Chiến dịch Huế - Đà Nẵng, quân ta thừa thắng xông lên với tinh thần “một ngày bằng 20 năm”. Ngày 31/3/1975, Bộ Chính trị họp và nhận định: “Thời cơ chiến lược tiến hành tổng công kích, tổng khởi nghĩa vào sào huyệt của địch đã chín muồi. Cần có sự quyết tâm lớn hoàn thành trận quyết định chiến lược cuối cùng tốt nhất trong tháng 4/1975”.
Bước sang tháng Tư, tin thắng trận vẫn dồn dập báo về. Trong ba ngày liên tiếp, ta giải phóng các tỉnh, thành phố thuộc duyên hải miền Trung là Phú Yên, Bình Ðịnh (1/4), Nha Trang (2/4), Khánh Hòa (3/4).
Trong bối cảnh “một ngày bằng 20 năm” ấy, Bộ Chính trị quyết định thành lập Bộ Chỉ huy Chiến dịch giải phóng Sài Gòn - Gia Định. Thể theo nguyện vọng của nhân dân và các lực lượng vũ trang trên chiến trường, trong đó có quân và dân thành phố Sài Gòn - Gia Định, chiến dịch này sau đó được Bộ Chính trị phê chuẩn, đặt tên Chiến dịch Hồ Chí Minh.
Tin chiến dịch cuối cùng của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước được mang tên Bác Hồ kính yêu đến với toàn dân, toàn quân có sức cổ vũ lớn lao, tạo nên sức mạnh mới, góp phần làm nên chiến thắng mùa Xuân năm 1975 lịch sử.
Ngày 7/4, Đại tướng, Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp, thay mặt Thường trực Quân ủy Trung ương đã ký bức điện gửi đến toàn mặt trận với nội dung “Thần tốc, thần tốc hơn nữa, táo bạo, táo bạo hơn nữa, tranh thủ từng phút, từng giờ, xốc tới mặt trận, giải phóng miền Nam. Quyết chiến và toàn thắng”. Mệnh lệnh của Đại tướng đã trở thành lời hiệu triệu thôi thúc các cánh quân dũng mãnh xông lên tiến về Sài Gòn với phương châm thần tốc, táo bạo, bất ngờ, chắc thắng.
Những ngày tháng Tư hừng hực, sôi động ấy, “Cả Việt Nam tiến công, cả miền Nam nổi dậy”, “một ngày bằng 20 năm”, với quyết tâm cao độ vượt qua mọi khó khăn gian khổ và hy sinh, mở đường mà tiến, đánh địch mà đi, tạo thế, tạo lực, tạo đà cho trận quyết chiến chiến lược cuối cùng giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.
Chưa đầy hai tuần, từ 15/4 đến 27/4, vùng giải phóng lại tiếp tục được mở rộng từ Bình Thuận đến Bà Rịa. Sài Gòn hoàn toàn nằm trong tầm ngắm của bộ đội ta.
Nhằm ngăn chặn bước tiến như vũ bão của quân Giải phóng, quân đội Việt Nam Cộng hòa với sự giúp sức của cố vấn Mỹ gấp rút xây dựng Xuân Lộc thành tuyến phòng thủ trọng yếu, trấn giữ cửa ngõ phía đông Sài Gòn.
Xuân Lộc được xem như là yết hầu của Sài Gòn trong kế hoạch "Nỗ lực tối đa" nhằm giữ vững những phần đất còn lại của chính quyền Nguyễn Văn Thiệu. Chính Tham mưu trưởng Lục quân Hoa Kỳ là Đại tướng Frederick C. Weyand đã trực tiếp lên Xuân Lộc thị sát và nhấn mạnh với các tướng Việt Nam Cộng hòa: "Phải giữ cho được Xuân Lộc, mất Xuân Lộc là mất Sài Gòn".
Vì thế, trận chiến Xuân Lộc diễn ra trong thế giằng co, vô cùng ác liệt trong suốt hơn một tuần. Ngày 21/4, quân Giải phóng miền Nam Việt Nam đã đánh sập "cánh cửa thép" cuối cùng này. Đường tiến quân vào Sài Gòn rộng mở.
Phòng tuyến Xuân Lộc bị chọc thủng làm rung chuyển bộ máy chính phủ Việt Nam Cộng hòa. Buổi tối ngày Xuân Lộc thất thủ, Tổng thống Việt Nam Cộng hòa Nguyễn Văn Thiệu tuyên bố từ chức và hai ngày sau đó ông ta bí mật lên máy bay chạy khỏi Sài Gòn. Bên kia bờ đại dương, ngày 23 tháng 4 năm 1975, Tổng thống Hoa Kỳ Gerald Ford tuyên bố "Cuộc chiến tại Việt Nam đã chấm dứt đối với người Mỹ".
Sau 55 ngày đêm tổng tiến công và nổi dậy với phương châm tốc chiến, tốc thắng, truy đuổi quân địch đến tận sào huyệt cuối cùng, bằng trận quyết chiến chiến lược lịch sử - Chiến dịch Hồ Chí Minh, Sài Gòn - Gia Định được hoàn toàn giải phóng.
11 giờ 30 phút ngày 30/4/1975, lá cờ cách mạng của quân và dân ta tung bay trên nóc Dinh Độc Lập, kết thúc ba mươi năm đằng đẵng đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước đầy hy sinh, gian khổ của nhân dân ta dưới sự lãnh đạo của Đảng cộng sản Việt Nam.
Lý giải cho sự sụp đổ nhanh chóng của quân đội Việt Nam Cộng hòa, Merle L. Pribbenow, tác giả cuốn sách “Tổng Tiến công Mùa Xuân 1975: đấu pháp chiến lược kết thúc chiến tranh có một không hai”, đã viết: "Đòn tiêu diệt mạnh nhất chính là tâm lý choáng váng mà chiến lược tài ba và đầy bất ngờ của Quân Giải phóng miền Nam Việt Nam đã nện vào tổng tư lệnh Việt Nam Cộng hòa".
Những bước chân thần tốc tháng Tư 1975 đã khép lại bao khổ đau, mất mát của ba mươi năm chiến tranh giải phóng, mở ra một chân trời mới, tươi sáng, rạng ngời bằng hình ảnh không thể nào quên trong tim mỗi người Việt Nam yêu nước, yêu tự do, độc lập, hòa bình: “Ôi, buổi trưa nay, tuyệt trần nắng đẹp/ Bác Hồ ơi! Toàn thắng về ta/ Chúng con đến, xanh ngời ánh thép/ Thành phố tên Người lộng lẫy cờ hoa”. [2]
Những bước chân thần tốc tháng Tư 1975 không chỉ là đỉnh cao nghệ thuật chiến tranh cách mạng giải phóng dân tộc. Trong sự nghiệp xây dựng Tổ quốc hôm nay, đất nước cũng cần bứt lên bằng bước chân thần tốc của năm cánh quân ngày xưa ra trận, để Việt Nam phát triển, lớn mạnh hùng cường sánh vai cùng bầu bạn năm châu; để mỗi khi tháng Tư về, ta lại nắm tay nhau “đi giữa những nụ cười xuân/ giữa muôn người đang cháy bỏng niềm tin/ Đất Nước của Nhân Dân/ vươn tầm cao thời đại”. [3]
Nguyễn Duy Xuân
Chú thích:
[1] [2] Tố Hữu – Toàn thắng về ta.
[3] Nguyễn Duy Xuân – Tháng Tư