- Sau việc khống chế các ngân hàng thương mại tham gia mua trái phiếu Chính phủ ngắn hạn, Bộ Tài chính lên tiếng lo ngại về việc thiếu khoảng 32.000 tỷ trong năm nay để bù đắp bội chi, đảo nợ...mà chưa có nguồn cân đối.
Lại thiếu tiền chi tiêu, trả nợ
Chia sẻ tại cuộc họp báo thường kỳ quý I hôm 7/4 của Bộ Tài chính, đại diện Vụ Tài chính ngân hàng cho biết, việc thiếu khoảng 32.000 tỷ đồng ngân sách như trên chỉ là phương án dự kiến tại thời điểm báo cáo hiện tại. Con số này cũng cần phải kiểm chứng thêm.
Tuy nhiên, tuần trước đó, khi thay mặt Ban chỉ đạo liên ngành về điều hành kinh tế, nguyên Thứ trưởng bộ KHĐT, Tổ trưởng Tổ công tác liên ngành, chuyên gia cao cấp của bộ KHĐTđã báo cáo Thủ tướng vấn đề trên. Ông còn cho hay, để cân đối được, Bộ Tài chính đã kiến nghị Chính phủ giải pháp tiết kiệm 10% dự toán chi thường xuyên trong 9 tháng còn lại. Đồng thời, phát hành trái phiếu quốc tế dài hạn để tái cơ cấu khoản nợ ngắn hạn trong nước.
Đặc biệt, Bộ Tài chính còn đề nghị Ngân hàng Nhà nước nâng giới hạn tỷ lệ các ngân hàng thương mại được mua, đầu tư trái phiếu Chính phủ từ nguồn vốn ngắn hạn.
Năm 2015, vốn trái phiếu Chính phủ dự kiến phát hành là 250.000 tỷ đồng. |
Trên thực tế, nỗi lo thiếu tiền chi trả nợ, chi đầu tư,... của Bộ Tài chính không phải là không có cơ sở. Nguyên nhân sâu xa khởi nguồn từ việc kiểm soát kỳ hạn trái phiếu và khống chế các ngân hàng thương mại mua trái phiếu Chính phủ.
Năm 2015, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết dự toán thu chi ngân sách, trong đó nêu rõ từ năm 2015, chỉ được phát hành trái phiếu Chính phủ với kỳ hạn 5 năm trở lên, không phát hành các khoản vay kỳ hạn ngắn để bù đắp bội chi, giảm mức vay đảo nợ.
Cùng với đó, Thông tư 36 của Ngân hàng Nhà nước đã thắt chặt việc đầu tư trái phiếu của giới ngân hàng, khi đưa ra mức khống chế tỷ lệ tham gia mua trái phiếu chỉ bằng 15-35% vốn ngắn hạn.
Thực tế nhiều năm qua, kế hoạch phát hành trái phiếu để huy động vốn cho ngân sách của Bộ Tài chính dường như đã lệ thuộc quá nhiều vào các ngân hàng thương mại. Trung bình, có đến 80% lượng vốn trái phiếu phát hành ra đều do các ngân hàng đứng ra mua và 2/3 trong số đó đều là kỳ hạn dưới 5 năm, lãi suất cao.
Con số 32.000 tỷ đồng bằng 14% tổng số tiền vay để bù đắp bội chi ngân sách được Quốc hội duyệt. |
Ví dụ, năm 2013, số vốn vay trái phiếu kỳ hạn từ 1-3 năm lên tới hơn 80% tổng số vốn trái phiếu Chính phủ phát hành có với lãi suất cao. Năm 2014, trong hơn 232.000 tỷ đồng phát hành trái phiếu Chính phủ, có đến 52% là có kỳ hạn ngắn (125.000 tỷ) và 48% là kỳ hạn trên 5 năm, 10 năm (107.000 tỷ). Và trên thực tế, các ngân hàng thương mại thường muốn mua trái phiếu ngắn hạn hơn để tiện cho việc quay vòng vốn...
Cập nhật đến hết tháng 3 vừa qua, phát hành trái phiếu Chính phủ với kỳ hạn 5 năm trở lên đã bị "ế" hơn trước rất nhiều, giảm mất gần 30% so với cùng kỳ 2014.
Còn trong rất nhiều khoản chi thì chi để trả nợ chịu áp lực ngày càng lớn. Năm 2014, tổng số nợ đến hạn của Việt Nam chiếm hơn 26% tổng thu ngân sách thì dự kiến năm 2015, nếu tính trả nợ hết các khoản nợ đến hạn phải trả thì tổng số tiền trả nợ chiếm gần 30% tổng thu ngân sách.
Theo kế hoạch, năm 2015, tổng số nợ công mà Chính phủ phải trả là 150.000 tỷ đồng, tức khoảng 7 tỷ USD. Con số này bao gồm cả nợ trong nước, là những khoản nợ trái phiếu Chính phủ phải trả, nợ các quỹ tài chính mà Bộ Tài chính đã đứng ra vay.
Với các khoản chi trả nợ khổng lồ như vậy, phần thu ngân sách năm 2015 cũng đã được dự báo đầy khó khăn vì giá dầu giảm 40%, ước giảm mất 12.000-13.000 tỷ sau khi cân đối thiệt mất theo giá dầu.
Do vậy, theo cơ chế kiểm soát mới của Ngân hàng Nhà nước, thị trường trái phiếu ngắn hạn bị xoá sổ, Bộ Tài chính rõ ràng gặp thử thách lớn là không biết lấy nguồn nào để bù lại. Và nếu không tìm được nguồn cân đối, vấn đề trả nợ, đầu tư,... của Chính phủ sẽ bị ảnh hưởng.
Phía ngân hàng lo nhất là vốn lại chảy vào bất động sản (ảnh minh họa). |
Đừng trông chờ ngân hàng
Tuy nhiên, câu trả lời đầy cứng rắn từ phía Ngân hàng Nhà nước mới đây đã cho thấy, tốt nhất là Bộ Tài chính nên tự lực cánh sinh.
Thống đốc Nguyễn Văn Bình thẳng thắn: "Không rõ Bộ Tài chính tính toán nghiên cứu thế nào? Nhìn lại lịch sự phát hành trái phiếu, có khi nào ngân hàng mua tới 80% lượng trái phiếu như vừa qua không?"
"Chính sách tiền tệ thời gian qua chứng tỏ đã nới lỏng vì tài khoá. Trước kia, các ngân hàng chỉ mua 30%, rồi lên 40% và giờ lên 60%", ông Bình điểm lại.
Ông Bình khẳng định, toàn bộ số trái phiếu Chính phủ định phát hành cũng chỉ bằng 1/2 năng lực để các ngân hàng thương mại mua. Thậm chí, với con số tuyệt đối khoảng 250 nghìn tỷ đồng thì năm nay, các ngân hàng dư sức mua gấp 5 lần số đó.
Tuy nhiên, thống đốc nhấn mạnh, phía ngân hàng lo nhất là vốn lại chảy vào bất động sản. Việc khống chế các ngân hàng mua trái phiếu là nhằm để vốn tập trung cho đầu tư, sản xuất kinh doanh.
Thứ trưởng Cao Viết Sinh cho biết, Ban chỉ đạo liên ngành về điều hành kinh tế đã yêu cầu Bộ Tài chính và Ngân hàng Nhà nước phải phối hợp với nhau để đảm bảo kế hoạch phát hành trái phiếu Chính phủ, không tạo áp lực lên các tổ chức tín dụng cũng như mặt bằng lãi suất.
Năm 2015, vốn trái phiếu Chính phủ dự kiến phát hành là 250.000 tỷ đồng. Trong đó, kỳ hạn 5 năm là 180.000 tỷ, kỳ hạn 10 năm là 50.000 tỷ và kỳ hạn 15 năm là 20.000 tỷ đồng. Bộ Tài chính dự kiến sẽ vốn huy động cho ngân sách qua trái phiếu trong quý I đạt khoảng 70.000 tỷ đồng, nhưng thực tế, mới được khoảng 56 nghìn tỷ đồng, đạt 22% kế hoạch cả năm và chỉ bằng 63% so với cùng kỳ năm 2014. |
Phạm Huyền