Theo khảo sát mới đây của TopCV với hơn 2.200 doanh nghiệp và hơn 3.000 người lao động, kết thúc năm 2022, IT phần mềm là 1 trong 3 vị trí được các doanh nghiệp tuyển dụng nhiều nhất, nhưng cũng là 3 vị trí khó tuyển dụng và giữ chân nhân sự nhất.
Từ góc độ doanh nghiệp, số lượng hồ sơ ứng viên chưa đáp ứng đủ nhu cầu tuyển dụng và yêu cầu về kỹ năng chuyên môn là 2 nguyên nhân lớn nhất, dẫn đến tình trạng thiếu hụt nhân lực IT phần mềm hiện nay.
Báo cáo Thị trường tuyển dụng 2022 và nhu cầu tuyển dụng 2023 của TopCV đưa ra dự đoán, IT phần mềm cùng kinh doanh/bán hàng và marketing/truyền thông/quảng cáo dự kiến sẽ là 3 vị trí tiếp tục được tuyển dụng nhiều nhất năm 2023.
Cùng đưa ra nhận định tương tự, một nền tảng tuyển dụng khác là TopDev chỉ ra rằng, nhu cầu về nguồn nhân lực phần mềm và CNTT tại Việt Nam đang tăng lên. Trong khi đó, lượng kỹ sư CNTT lại đang thiếu hụt.
Theo Báo cáo thị trường IT Việt Nam – Tech Hiring 2022, làn sóng đầu tư nước ngoài đã mang đến nhiều cơ hội cho thị trường lao động IT trong nước. Các công ty CNTT trong khu vực bắt đầu vào Việt Nam tuyển dụng và xây dựng đội ngũ kỹ sư phát triển sản phẩm cho mình.
Bên cạnh đó, các doanh nghiệp truyền thống trong những lĩnh vực như du lịch, nông nghiệp, bất động sản… nay đã chuyển đổi số và bước vào mô hình thương mại điện tử. Điều này tạo thêm sức ép cho bài toán về thiếu hụt nhân lực CNTT của thị trường.
Báo cáo của TopDev cũng cho biết, mức lương lập trình viên tại Việt Nam hiện dao động từ 350 USD/tháng (sinh viên mới ra trường) đến 1.190 USD/tháng cho vị trí trung cấp. Lập trình viên cao cấp có mức lương dao động từ 860 USD/tháng đến 1.510 USD/tháng. Các vị trí quản lý (từ 5 năm kinh nghiệm trở lên) hoặc cấp cao hơn có mức lương từ 1.410 USD/tháng cho đến hơn 2.300 USD/tháng theo kết quả khảo sát.
Đại dịch Covid-19 đã thúc đẩy hành vi tiêu dùng online, trong bối cảnh đó, các doanh nghiệp cần sử dụng nhiều nhân sự phần mềm và CNTT hơn để phát triển các nền tảng bán hàng. Đây là lý do quan trọng dẫn tới nhu cầu về nhân sự CNTT tăng đột biến.
Đáng chú ý khi hậu đại dịch Covid-19, do thói quen làm việc dần thay đổi, nhu cầu tuyển dụng lập trình viên của doanh nghiệp nước ngoài làm việc từ xa đang tăng lên. Điều này dẫn đến việc các lập trình viên ở Việt Nam có nhiều cơ hội lựa chọn với mức lương và phúc lợi tốt hơn các công ty trong nước.
Mặt khác, làn sóng đầu tư tài chính cá nhân như NFT, Blockchain, chứng khoán khiến một số cá nhân có hiểu biết và nhanh nhạy trong việc nắm bắt xu hướng đã tạo lập cho mình cơ sở tài chính cá nhân ổn định. Điều này cũng trực tiếp gây ảnh hưởng đến thị trường lao động khi một phần nguồn lực CNTT giờ đây tự tách mình ra khỏi thị trường để theo đuổi những lĩnh vực này.