Sáng 24/10, Quốc hội thảo luận tổ về tình hình kinh tế - xã hội. Vấn đề về nguồn lực và phát huy lợi thế vùng ĐBSCL được nhiều đại biểu Quốc hội quan tâm cho ý kiến.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Long Nguyễn Thị Quyên Thanh cho biết, vùng ĐBSCL có 13 tỉnh, thành với dân số khoảng 18 triệu người, cùng nhiều lợi thế cạnh tranh nổi trội. Chính phủ và Thủ tướng rất quan tâm tới sự phát triển bền vững của ĐBSCL để nơi đây trở thành vùng kinh tế trọng điểm.
Nữ đại biểu nêu thực trạng ĐBSCL đang phải ứng phó với những tác động tiêu cực từ hạn mặn, sụt lún diễn ra ngày càng khó lường, đã ảnh hưởng tới sản xuất và nuôi trồng thủy sản, đời sống người dân, cản trở sự phát triển. Theo dự báo của Viện Tài nguyên thế giới nếu mực nước biển dâng cao thêm 1m, 40% diện tích ĐBSCL sẽ bị ngập lụt.
Theo nữ đại biểu, Thủ tướng đã quan tâm, trực tiếp đến khảo sát nhiều điểm sạt lở tại ĐBSCL, nên người dân rất mong muốn có chính sách cụ thể triển khai.
Phát biểu sau đó, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết với ĐBSCL, Chính phủ đã chi hàng nghìn tỷ từ nguồn dự phòng ngân sách Trung ương để hỗ trợ phòng, chống sạt lở khu vực này.
Thủ tướng cho hay, sau khi trực tiếp khảo sát một số tỉnh ở ĐBSCL, ông nhận thấy tình trạng sụt lún, sạt lở là có thật, đặc biệt ở tỉnh Bạc Liêu, Cà Mau, Kiên Giang… Vì vậy, ông đã giao bộ, ngành đề xuất nguồn vốn chi hỗ trợ ứng phó thực trạng này.
Trên cơ sở đề xuất của Bộ KH&ĐT và Bộ NN&PTNT, Chính phủ đã quyết định chi 4.000 tỷ đồng giúp các tỉnh ĐBSCL ứng phó với sạt lở, sụt lún.
Thủ tướng Phạm Minh Chính thông tin nguồn vốn này là để giải quyết những vấn đề cấp bách, trước mắt, còn về lâu dài cần dự án lớn mang tính căn cơ để chống sạt lở, sụt lún trị giá hàng tỷ USD.
Thủ tướng chia sẻ: “Việt Nam là nước hạ lưu, chịu ảnh hưởng lớn nhất so với các nước trong khu vực từ việc biến đổi dòng chảy sông Mekong. Vấn đề này chúng ta đã thấy từ năm 1990 và khi đó đã đề xuất các nước kiểm soát việc xây dựng đập thủy điện trên dòng Mekong và Lan Thương. Các nước có trách nhiệm nhưng cần nỗ lực hợp tác hơn mới giải quyết được”.
Thủ tướng cũng cho rằng phải kêu gọi các tổ chức quốc tế và những nước có điều kiện kinh tế, khoa học để hợp tác trong ứng phó với biến đổi khí hậu như Mỹ, Nhật Bản…
Trong chuyến công tác Ả-rập Xê-út tuần qua, Thủ tướng cho biết đã có cuộc gặp với Tổng thống Indonesia Joko Widodo và Tổng thống Philippines Ferdinand Romualdez Marcos Jr. để bàn về hợp tác xuất khẩu gạo.
Thủ tướng gợi mở định hướng sắp tới phải làm khác trước đây, theo hướng “sản xuất xanh, tiêu thụ xanh”, cần có quy hoạch và có những dự án lớn. Ông nhấn mạnh quan điểm: “Xoay chuyển tình thế, chuyển đổi trạng thái, không manh mún, nhỏ lẻ”.
Theo Thủ tướng, sạt lở, sụt lún ĐBSCL là vấn đề lớn nên cần có dự án lớn về lâu dài. Vì vậy phải tính đến đẩy mạnh hợp tác quốc tế và huy động nguồn lực.
Trong việc vay vốn thực hiện các dự án, Thủ tướng lưu ý cải thiện thủ tục đơn giản, thông thoáng, tránh kéo dài gây lãng phí nguồn lực.
Bên cạnh đó, Thủ tướng cho rằng "đã đi vay mà làm lặt vặt sẽ không có hiệu quả". Dẫn chứng ngay câu chuyện ở ĐBSCL, ông cho rằng nếu thực hiện dự án cần tập trung vào 4 vấn đề lớn: Chống sụt lún, chống sạt lở, chống ngập mặn và chống hạn hán.
“Chỉ tập trung 4 dự án này chứ không làm nhiều, những chuyện nhỏ khác ta tự lo. Nếu đã đi vay, phải làm những dự án lớn xoay chuyển tình thế chứ không làm lặt vặt, manh mún, dàn trải như hiện nay”, Thủ tướng quán triệt.
"ĐBSCL là trăn trở của Đảng và Nhà nước, cũng là nỗi lo toan của bà con ở đó", vì vậy, với nguồn vốn Chính phủ vừa bổ sung, ông đề nghị đoàn ĐBQH giám sát đầu ra để việc đầu tư có hiệu quả.
Thủ tướng cũng cho rằng cần giải quyết thêm 2 vấn đề ưu tiên là đào tạo nguồn lực và giải quyết hạ tầng giao thông, để giúp khu vực phát triển nhanh và bền vững.
Ngoài khai thác tối đa nguồn lợi từ đường thủy, Thủ tướng yêu cầu Bộ trưởng GTVT tập trung nhiệm vụ xây dựng các tuyến cao tốc vùng ĐBSCL theo cả trục Bắc – Nam và Đông – Tây; quan tâm nâng cấp hạ tầng giao thông, điển hình như sân bay Cà Mau.
“Mặc dù còn khó khăn vẫn cần nâng cấp để thay đổi diện mạo địa phương. Như với Cà Mau, cao tốc chưa xong, đường bộ khó khăn mà không có hàng không hỗ trợ thì rất khó phát triển”, Thủ tướng nói.
Dẫn ví dụ từ bài học quyết tâm làm sân bay của Điện Biên để nói về phát triển hạ tầng, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho hay, địa phương phải quyết tâm làm, bỏ tiền ra và tập trung làm, không ỷ lại Trung ương. Trung ương cũng không bỏ rơi địa phương. Địa phương bỏ tiền ra giải phóng mặt bằng, Trung ương bỏ tiền ra làm đường bay, sân đỗ, nhà ga. Có như vậy mới có sân bay Điện Biên. Trung ương và địa phương cùng làm.
"Ta biết tháo gỡ thì ta có nguồn lực, nếu chỉ địa phương hay chỉ Trung ương thì cũng không làm được mà phải có hợp tác, vẫn cần BOT, BT để phát triển hạ tầng", Thủ tướng nhấn mạnh.