Sáng 24/10, Quốc hội thảo luận tại tổ về tình hình kinh tế - xã hội năm 2023; dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2024.

Phát biểu tại tổ, Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng cho biết, nước ta đã đạt được những thành tựu, kết quả quan trọng, cơ bản đạt được các mục tiêu đề ra và tiếp tục trở thành điểm sáng của kinh tế toàn cầu.

“Vừa qua tôi tham gia một số hoạt động đa phương, gặp gỡ lãnh đạo các nước thì đều đánh giá rất cao những nỗ lực và kết quả của Việt Nam”, Chủ tịch nước cho biết.

Tuy nhiên, Chủ tịch nước cũng thẳng thắn nêu những hạn chế, khó khăn còn rất nhiều và rất lớn. “Có rất nhiều công việc cần phải giải quyết nhưng khả năng giải quyết của các cơ quan nhà nước chưa đáp ứng được. Có rất nhiều vấn đề cần tháo gỡ nhưng khả năng tháo gỡ cũng rất hạn chế”, Chủ tịch nước nhận định.

dsc 1081.jpg
Chủ tịch nước phát biểu tại tổ sáng nay. Ảnh: Hoàng Hà

Ông dẫn chứng, thị trường bất động sản trong gần 2 năm qua có tháo gỡ được dự án nào lớn hay chưa; thị trường trái phiếu doanh nghiệp, xử lý các tổ chức tín dụng yếu kém hay việc 10 năm qua các ngân hàng 0 đồng dù đã có chủ trương cơ cấu lại nhưng đến bây giờ vẫn chưa xử lý dứt điểm.

“Điều đó làm cho rủi ro tiềm ẩn rất lớn và những hệ quả cũng chưa thể đánh giá một cách đầy đủ. Hay việc chúng ta có chủ trương nhiều, nhiều kỳ vọng rất lớn nhưng khả năng thực hiện chậm. Tại diễn đàn Quốc hội, có đại biểu Quốc hội đã nói ‘con đường dài nhất là con đường giữa nói và làm’. Trong các kết luận của Đảng vẫn hay nêu khâu tổ chức thực hiện vẫn là một khâu yếu”, Chủ tịch nước chỉ ra điểm khó khăn.

Chủ tịch nước cho hay, chương trình phục hồi phát triển kinh tế xã hội sau dịch Covid-19 được kỳ vọng rất lớn, Quốc hội thảo luận rất hào hứng, quyết tâm rất cao nhưng triển khai thì rất chậm. Đầu tư công tưởng chừng như khó khi “không có tiền để chi tiêu” nhưng “có tiền rồi vẫn không chi tiêu được”, báo cáo tại Quốc hội hôm qua cũng đã chỉ rõ bao nhiêu bộ, ngành, địa phương giải ngân dưới 50%.

Ngoài ra, Chủ tịch nước cũng phân tích tình hình thế giới và khu vực có tác động nhiều đến nước ta.

Từ những khó khăn trên, Chủ tịch nước nhấn mạnh đến vị trí, vai trò của đại biểu Quốc hội trong giải quyết những vấn đề của đất nước và trong giám sát tối cao, đặc biệt trong làm luật.

Chỉ ra nguyên nhân của những khó khăn trên, Chủ tịch nước cho rằng, vấn đề thứ nhất là sự phân cấp, phân quyền chưa cao, chưa rõ ràng, chưa khích lệ trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong hệ thống chính trị.

Đảng đã có chủ trương phải đẩy mạnh phân cấp, phân quyền rõ ràng, minh bạch theo hướng từng cấp phải xác định rõ thẩm quyền và trách nhiệm, “để cấp dưới không đi hỏi cấp trên chuyện của mình; để cấp trên không phải với tay xuống làm việc của cấp dưới. Khi cần thiết phải hỏi thì phải trả lời rõ ràng, minh bạch”.

Tuy vậy, theo Chủ tịch nước điều này chưa thực hiện được, có nhiều việc thì quyền hạn không rõ, "cứ mỗi lần đi hỏi mất tối thiểu 3 tháng, trung bình là 6 tháng và thậm chí có vấn đề 9 tháng để nhận được văn bản trả lời là làm theo quy định của pháp luật”.

Chủ tịch nước cũng chỉ ra “tư duy thích ôm đồm quyền trong xây dựng chính sách, lĩnh vực nào cũng muốn mình có quyền trong lĩnh vực đó”, dẫn đến không phân cấp.

Vấn đề thứ hai theo Chủ tịch nước là trách nhiệm trong xây dựng pháp luật chưa cao.

“Cán bộ làm sai thì bị xử rất nặng; cán bộ nói sai đường lối, chủ trương, nghị quyết cũng từng bước xem xét  xử lý kỷ luật nhưng cán bộ ban hành nghị định, thông tư, thậm chí cao hơn là một luật khi triển khai gặp nhiều vướng mắc, rắc rối thì chưa ai bị làm sao hết”, Chủ tịch nước đặt vấn đề.

Thứ ba, về cán bộ né tránh, sợ trách nhiệm, Chủ tịch nước đánh giá “đây là khuyết điểm”, bởi là cán bộ không thể né tránh, sợ trách nhiệm. Nhưng theo ông “sợ sai thì đúng” bởi sợ sai để làm kỹ hơn, nghiên cứu pháp luật đầy đủ hơn, để cân nhắc trước sau, lợi hại trước khi đưa ra quyết định.

Chủ tịch nước cho rằng dường như có một bộ phận cán bộ nắm luật, nắm quy định không rõ.

“Tôi có cảm giác một số đồng chí làm công tác quản lý nhà nước chuyên ngành, chuyên môn của một sở, quận, huyện nhưng phát biểu chung chung, nói những lời tốt đẹp nhưng công việc cụ thể giải quyết chưa thấu đáo”, Chủ tịch nước nói và chỉ ra đây là vấn đề cần phải giải quyết, khắc phục.

Theo ông, từng địa phương phải thực sự làm, thực sự nghiên cứu, tháo gỡ xem vướng mắc, khó khăn từ đâu, "chỗ nào mình cũng nói vướng, gặp ai cũng nói vướng" thì dân biết kêu ai. Dân khó phải nghĩ ngay đến chính quyền, nghĩ ngay luật pháp. Đừng để khi dân khó, dân muốn làm gì thì nghĩ “bây giờ gặp ai, nhờ ông nào”.

Chủ tịch nước cho hay để gỡ vấn đề này có trách nhiệm của cả hệ thống cơ quan nhà nước nhưng trực tiếp phải là từng địa phương.

Chủ tịch nước bày tỏ mong muốn các đại biểu Quốc hội, lãnh đạo địa phương phải nói rõ việc pháp luật, nghị định vướng mắc cụ thể điểm nào.