Thủ tướng Phạm Minh Chính chỉ đạo Bộ Xây dựng chủ trì, phối hợp Bộ Tài nguyên và Môi trường và các cơ quan liên quan, nghiên cứu thành lập sàn giao dịch bất động sản.
Văn phòng Chính phủ vừa có văn bản gửi Bộ trưởng Bộ Xây dựng truyền đạt ý kiến của Thủ tướng Chính phủ về việc nghiên cứu thành lập sàn giao dịch bất động sản.
Theo đó, để tiếp tục thực hiện hiệu quả Nghị quyết số 33 ngày 11/3/2023 và để thị trường bất động sản hoạt động công khai, minh bạch, Thủ tướng Phạm Minh Chính chỉ đạo Bộ Xây dựng chủ trì, phối hợp Bộ Tài nguyên và Môi trường và các cơ quan liên quan, nghiên cứu thành lập sàn giao dịch bất động sản.
Đồng thời, Thủ tướng chỉ đạo giao Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà trực tiếp chỉ đạo Bộ Xây dựng thực hiện nhiệm vụ nêu trên.
Theo chuyên gia bất động sản, mô hình sàn giao dịch đã quy định trong Luật Kinh doanh bất động sản 2006.
Mục đích ban đầu của sàn giao dịch giống như cổng đầu vào của thị trường bất động sản, giúp Nhà nước nắm bắt được biến động giá cả hằng ngày trên thị trường, thông tin thị trường, nhà đầu tư kinh doanh nắm được thị hiếu khách hàng, trên cơ sở đó điều chỉnh lại chiến lược kinh doanh cho hiệu quả.
Còn đối với người sử dụng đất thì sàn góp phần bảo đảm tính công khai, minh bạch của thị trường, người có nhu cầu mua đất có thể tìm đến sàn giao dịch, hạn chế tình trạng đi đêm, tiêu cực trên thị trường.
Nhưng thực tế việc lập sàn giao dịch bất động sản thời gian qua không bảo đảm tính chuyên nghiệp. Trong khi điều kiện thành lập sàn chưa cao, đào tạo nhân viên sàn chưa đáp ứng yêu cầu, dẫn tới hoạt động biến tướng, sàn không chỉ bán sản phẩm mà còn ôm hàng để nâng giá, bán lại kiếm lời nên sàn giao dịch không đáp ứng được yêu cầu.
Thời gian qua, quy định "giao dịch bất động sản phải thực hiện thông qua sàn" tại dự thảo Luật Kinh doanh bất động sản sửa đổi được nhiều Đại biểu Quốc hội quan tâm, cho ý kiến tại kỳ họp tháng 6 vừa qua.
Có ý kiến cho rằng, nhiều nước trên thế giới đã có những quy định rất chặt chẽ với sàn giao dịch bất động sản. Để thị trường minh bạch, cần quy định chặt chẽ về sàn giao dịch và môi giới bất động sản. Một số ý kiến đề nghị làm rõ thêm sàn giao dịch bất động sản ở đây là bao gồm sàn giao dịch trực tiếp hay cả sàn giao dịch trực tuyến trên các phương tiện điện tử...
Theo ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA), vấn đề mấu chốt cần đặt ra là trả lại đúng vai trò, vị trí của hoạt động môi giới, sàn là kết nối bên bán với bên mua, giữ vai trò cung ứng dịch vụ bán hàng cho bên bán (là chủ đầu tư dự án hoặc chủ sở hữu bất động sản) hoặc cung ứng dịch vụ mua hàng cho bên mua.
Mới đây, Thủ tướng Phạm Minh Chính cũng có ý kiến chỉ đạo Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với Bộ Xây dựng và các cơ quan liên quan nghiên cứu thành lập sàn giao dịch quyền sử dụng đất (QSDĐ).
Theo quy định của Luật kinh doanh bất động sản và các văn bản hướng dẫn, điều kiện để xin giấy phép sàn giao dịch bất động sản gồm: Tổ chức, cá nhân thành lập sàn giao dịch bất động sản phải thành lập doanh nghiệp; Sàn giao dịch bất động sản phải có ít nhất 2 người có chứng chỉ hành nghề môi giới bất động sản; Người quản lý điều hành sàn giao dịch bất động sản phải có chứng chỉ hành nghề môi giới bất động sản.
Sàn giao dịch bất động sản phải có quy chế hoạt động, tên, địa chỉ giao dịch ổn định trên 12 tháng; Sàn giao dịch bất động sản phải có diện tích tối thiểu là 50m2 và trang thiết bị kỹ thuật đáp ứng yêu cầu hoạt động. Sàn giao dịch bất động sản là doanh nghiệp độc lập hoặc là đơn vị trực thuộc doanh nghiệp.
Hiện, các giao dịch bất động sản không bắt buộc phải qua sàn.
Hai bộ nghiên cứu lập sàn giao dịch quyền sử dụng đấtThủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính vừa có ý kiến chỉ đạo Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với Bộ Xây dựng và các cơ quan liên quan nghiên cứu thành lập sàn giao dịch quyền sử dụng đất (QSDĐ).