Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh giá cao việc ứng dụng khoa học công nghệ mạnh mẽ góp phần ngăn chặn có hiệu quả dịch Covid-19. |
Phát biểu tại cuộc họp này, Thủ tướng nhấn mạnh, với tinh thần chủ động, bình tĩnh, quyết liệt, đồng bộ, chúng ta đã ngăn chặn có hiệu quả dịch Covid-19. Đến nay, Việt Nam có 16 ca mắc thì đã chữa khỏi, xuất viện 15 người. Chúng ta đã thực hiện tốt "chống dịch như chống giặc", nên số người bị lây nhiễm thấp.
Thủ tướng nhấn mạnh, khoa học công nghệ được áp dụng mạnh mẽ, đặc biệt có những giải pháp hiệu quả cách ly đối tượng dễ lây nhiễm cộng đồng.
Tuy nhiên, ngoài Trung Quốc, dịch có dấu hiệu bùng phát ở một số quốc gia có quan hệ thương mại, đầu tư, du lịch rất lớn với Việt Nam. Không được để tình trạng lây lan ra Việt Nam, tiếp tục bảo vệ tính mạng, sức khỏe của nhân dân là một yêu cầu, là trọng điểm chỉ đạo của Chính phủ, của hệ thống chính trị nước ta trong bối cảnh hiện nay. Thủ tướng yêu cầu tại cuộc họp, đề ra những biện pháp quyết liệt, cụ thể trong tình hình mới để công cuộc phòng, chống dịch Covid-19 đạt kết quả tốt nhất.
Kết luận phiên họp, Thủ tướng nêu rõ dịch Covid-19 không chỉ là một thử thách đối với ngành y tế mà còn là phép thử rất thực chất về phương diện quyết tâm chính trị, hiệu lực, hiệu quả lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành của các ngành, các cấp, các địa phương. Toàn xã hội đã phản ứng rất trách nhiệm, nhanh chóng trước các quyết sách của Chính phủ. Chúng ta đã xử lý các bất cập rất kịp thời và quyết đoán. Nhân dân đoàn kết, tin tưởng, chia sẻ khó khăn và mục tiêu cùng với chính quyền. Trong công tác chống dịch, không có tình trạng trên nóng, dưới lạnh, hành chính quan liêu.
Cho đến thời điểm này, Viettel, VinaPhone, MobiFone đã gửi tin nhắn cảnh báo phòng, chống virus Covid-19 đến 100% khách hàng. Đây là đợt nhắn tin nhiều nhất trong các đợt tuyên truyền phòng chống thiên tai, dịch bệnh từ trước đến nay.
Đại diện VinaPhone cho biết, thực hiện theo chỉ đạo của Bộ TT&TT nhà mạng này đã nhắn tin đến 100% thuê bao của mình. VinaPhone đã nhắn tổng cộng 9 đợt. Ngoài việc nhắn tin cảnh báo này, VinaPhone cũng đã miễn phí cước gọi đến tổng đài 19003228 và miễn phí hoàn toàn data cho các thuê bao VinaPhone khi truy cập website của Bộ Y tế. Còn đại diện Viettel Telecom cho hay, nhà mạng này đã nhắn tin 5 đợt và khoanh vùng thuê bao nhắn tin cho riêng thuê bao tại Vĩnh Phúc. Tổng số tin nhắn mà Viettel đã nhắn là gần 4 tỷ tin nhắn. Như vậy, đến thời điểm này 100% thuê bao di động của Viettel đã được nhắn tin cảnh báo phòng, chống virus Covid-19. Đại diện MobiFone cho biết, MobiFone đã phối hợp với Bộ Y tế và Bộ TT&TT 5 lần nhắn tin đến hơn 30 triệu khách hàng MobiFone trên toàn quốc.
Trước tình hình dịch bệnh bùng phát, ông Tào Đức Thắng, Phó Tổng giám đốc Viettel cho biết, Viettel đã phải thiết lập khẩn cấp cầu truyền hình phục vụ cho công tác chống dịch viêm đường hô hấp cấp Covid-19. Để thiết lập khẩn cấp cầu truyền hình tại 21 bệnh viện lớn trên cả nước, Viettel đã phải điều hàng trăm cán bộ kỹ thuật để hoàn thành công việc này trong một ngày rưỡi. Bên cạnh đó, Viettel đã xây dựng ứng dụng cập nhật thông tin về dịch viêm đường hô hấp cấp Covid-19 có tên “Sức khỏe Việt Nam”.
Trước nhu cầu hỏi đáp thông tin về Covid-19 tăng đột biến, các doanh nghiệp công nghệ cũng đã đưa ra các giải pháp của mình để hỗ trợ Bộ Y tế. FPT cho biết đã hỗ trợ Cục Công nghệ Thông tin của Bộ Y tế ra mắt trợ lý ảo (Chatbot) hỏi đáp về dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp tính do chủng mới Covid-19. Chatbot này được phát triển dựa trên nền tảng ứng dụng trí tuệ nhân tạo, có khả năng giải đáp tự động, liên tục theo thời gian thực (24/7) cho phép nhiều người dùng cùng lúc hỏi đáp về dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp tính Covid-19.
Nhằm giúp người dùng tra cứu thông tin chi tiết, chính xác danh sách cơ sở y tế có khả năng tiếp nhận, thu dung điều trị và quản lý ca bệnh viêm đường hô hấp cấp Covid-19, VNG cũng đã hỗ trợ Bộ Y tế tích hợp Chatbot để giúp người dân tra cứu thông tin Covid-19 trên Zalo. Còn đại diện MobiFone cho biết, hưởng ứng kêu gọi của Bộ TT&TT, MobiFone tung chatbot để cung cấp thông tin về dịch viêm đường hô hấp tại App My MobiFone, App Zalo, MobiFone Portal nhằm hỗ trợ khách hàng cập nhật thông tin mới nhất về dịch bệnh và các biện pháp phòng dịch.
Thực hiện lời kêu gọi của Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng về việc thực hiện công tác phòng, chống dịch bệnh viêm đường hô hấp, công ty Ominext – doanh nghiệp chuyên cung cấp dịch vụ CNTT cho ngành y tế của Nhật đã mở ứng dụng Chatbot “Anti- nCoV” để người dân dễ dàng tiếp cận thông tin về đại dịch này.
Cho đến thời điểm này, các nhà cung cấp nền tảng giáo dục trực tuyến như: VNPT, Viettel, FPT… đều tuyên bố hỗ trợ miễn phí cho các trường học để giúp thầy cô và các em học sinh có thể dạy và học online khi phải nghỉ học vì dịch Covid-19.
Đây cũng là lần đầu tiên các công ty công nghệ của Việt Nam chung tay cùng Chính phủ để phòng chống đại dịch này. Hiện các doanh nghiệp công nghệ vẫn đang tiếp tục nghiên cứu các giải pháp mới để có thể hỗ trợ cho Chính phủ và người dân trước đại dịch Covid-19.