Thông tin này được Phó Thống đốc Đào Minh Tú khẳng định tại tọa đàm "Khơi thông dòng vốn vào sản xuất kinh doanh" do báo Tuổi trẻ tổ chức ngày 30/3.
Ông Tú nhấn mạnh, quan điểm của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) lúc này là "phải giảm lãi suất để hỗ trợ nền kinh tế. NHNN đã yêu cầu các NHTM tiết giảm mọi chi phí để giảm lãi suất".
"Sắp tới sẽ vận động các ngân hàng thương mại giảm tiếp, song giảm nhiều hay ít là tuỳ theo năng lực tài chính của từng ngân hàng", ông Tú nói thêm.
Bên cạnh giảm lãi suất thì giãn, hoãn nợ cho doanh nghiệp là việc cần thiết, sắp tới sẽ triển khai. Tuy nhiên, việc giãn, hoãn nợ phải phụ thuộc vào ngành nghề, tránh trường hợp xảy ra nợ xấu, hay dẫn đến thiếu sự ổn định an toàn về tín dụng.
Trước đó, từ ngày 15/3, Ngân hàng Nhà nước đã giảm 1 điểm % một số loại lãi suất điều hành và giảm 0,5 điểm % lãi suất cho vay ngắn hạn tối đa bằng VND đối với khách hàng vay để đáp ứng nhu cầu vốn phục vụ một số lĩnh vực, ngành kinh tế quy định tại Thông tư số 39/2016/TT-NHNN.
Việc điều chỉnh giảm các mức lãi suất điều hành là giải pháp linh hoạt, phù hợp với điều kiện hiện nay để thực hiện mục tiêu phục hồi tăng trưởng kinh tế của Quốc hội và Chính phủ, qua đó định hướng giảm mặt bằng lãi suất thị trường, góp phần tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và nền kinh tế.
Đồng thời, việc điều chỉnh giảm trần lãi suất cho vay ngắn hạn tối đa bằng VND đối với các lĩnh vực ưu tiên xuống 5,0%/năm, tạo điều kiện để doanh nghiệp và người dân tiếp cận vốn vay với chi phí thấp hơn trong các lĩnh vực ưu tiên theo chủ trương của Chính phủ.
Ngay sau khi NHNN giảm lãi suất điều hành, các ngân hàng thương mại đã đồng loạt giảm lãi suất huy động, từ đó tạo cơ sở để giảm lãi suất cho vay, hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi sản xuất kinh doanh. Có ngân hàng đã hai lần giảm lãi suất huy động trong vòng nửa tháng qua.
Hiện chỉ còn một số ít ngân hàng thương mại quy mô nhỏ có mức lãi suất huy động (online) ở mức 9%-9,2%/năm. Tuy nhiên, mức lãi suất này chỉ còn được số ít các ngân hàng áp dụng với tiền gửi kỳ hạn dài trên 12 tháng.