Những câu chuyện này được chia sẻ trong cuộc gặp mặt chiều 17/3 do Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì, nhằm tuyên dương các tập thể, cá nhân trong đoàn công tác của Bộ Công an, Bộ Quốc phòng đã tham gia cứu nạn, cứu hộ tại Thổ Nhĩ Kỳ.

Đây là lần đầu tiên Việt Nam cử một lực lượng lớn gồm 76 chiến sĩ Quân đội và 24 chiến sĩ Công an tham gia hỗ trợ công tác tìm kiếm, cứu nạn, cứu hộ ở một nơi xa bên ngoài lãnh thổ.

Không quên tình bạn và sự giúp đỡ của Việt Nam

Đại tá Nguyễn Minh Khương, Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát Phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ, Bộ Công an cho biết, đoàn công tác của Bộ Công an phối hợp cứu được 1 người còn sống, đưa được 14 thi thể nạn nhân ra ngoài.

Đoàn phải di chuyển liên tục trong 24 giờ, đến nơi là làm việc ngay không ngủ, trong 2 ngày đầu, nhiều thành viên trong đoàn chỉ ngủ 2 tiếng; thường xuyên phải làm việc dưới điều kiện nhiệt độ âm 5 đến âm 10 độ C, nhiều ngày thực hiện nhiệm vụ đến 3 giờ sáng…

Đoàn làm việc trong điều kiện nguy hiểm. Ngày đầu tiên, đoàn làm việc trong một căn nhà sập đổ hoàn toàn giữa 2 căn nhà sập đổ một phần, có nguy cơ rất cao nếu có rung chấn. Điều kiện sinh hoạt rất khó khăn khi hạ tầng điện, nước bị phá hủy. Tư duy, cách làm việc khác nhau giữa các đoàn dẫn tới những trở ngại trong quá trình công tác, những khó khăn do bất đồng ngôn ngữ…

Khẳng định một Việt Nam nghĩa tình, trách nhiệm, đoàn kết quốc tế cao cả - Ảnh 4.

Đại tá Nguyễn Minh Khương, báo cáo tại cuộc gặp mặt. 

Còn Thiếu tướng Phạm Văn Tỵ, Phó Cục trưởng Cục Cứu hộ - Cứu nạn, Bộ Tổng Tham mưu QĐND Việt Nam cho biết, đoàn công tác của Bộ Quốc phòng đã tìm kiếm tại 31 điểm, phát hiện 15 điểm có nạn nhân, tìm được 28 nạn nhân thiệt mạng; phối hợp với lực lượng cứu hộ, cứu nạn của Bahrain và Mexico tìm kiếm, bàn giao 3 vị trí có nạn nhân và đưa 10 nạn nhân thiệt mạng ra ngoài.

Các thành viên trong đoàn tự nguyện quyên góp được 4.000 USD hỗ trợ người dân địa phương mua lương thực, thực phẩm… Trước khi về nước, đoàn đã trao tặng cho địa phương 25 tấn hàng hóa cứu trợ gồm lương khô, gạo, sữa, nhu yếu phẩm và một số trang thiết bị y tế, thuốc cấp cứu, điều trị.

Khẳng định một Việt Nam nghĩa tình, trách nhiệm, đoàn kết quốc tế cao cả - Ảnh 5.

Thiếu tướng Phạm Văn Tỵ. 

Thiếu tướng Phạm Văn Tỵ xúc động nhắc tới nhiều kỷ niệm trong chuyến công tác, như giây phút những người dân ôm lấy các thành viên đoàn Việt Nam rồi òa khóc khi tìm thấy thi thể người thân dưới đống đổ nát.

Ngày 20/2, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan đã tới Antakya (Hatay) để bày tỏ lòng biết ơn các lực lượng cứu trợ, hỗ trợ, các đoàn quốc tế, trong đó có Việt Nam. Tổng thống Erdogan trực tiếp gặp gỡ đoàn Việt Nam và khẳng định Chính phủ, nhân dân Thổ Nhĩ Kỳ sẽ không bao giờ quên tình bạn và sự giúp đỡ này.

Phát biểu tại cuộc gặp mặt, Thủ tướng Phạm Minh Chính chia sẻ, các đoàn công tác triển khai nhiệm vụ trong khoảng thời gian rất ngắn, phải đối mặt với điều kiện vô cùng khắc nghiệt về thời tiết, hiểm nguy do các rung chấn, khó khăn về ngôn ngữ, tập quán, điều kiện ăn, ở, sinh hoạt và làm việc.

Với bản lĩnh, kinh nghiệm, tinh thần hiệp đồng chiến đấu, trách nhiệm cao, ý thức tổ chức kỷ luật nghiêm, các thành viên quả cảm của đoàn công tác đã phát huy tinh thần quốc tế cao cả, truyền thống của dân tộc và phẩm chất cao đẹp của lực lượng vũ trang không quản hiểm nguy, sẵn sàng dấn thân vào vùng thảm họa.

Khẳng định một Việt Nam nghĩa tình, trách nhiệm, đoàn kết quốc tế cao cả - Ảnh 7.

Thủ tướng trao bằng khen cho cá nhân và tập thể có thành tích xuất sắc trong công tác hỗ trợ nhân đạo và cứu trợ thảm họa động đất tại Thổ Nhĩ Kỳ. 

Trong đoàn công tác, có chiến sĩ chỉ 2 tuần nữa là tổ chức lễ cưới, nhưng tạm gác việc riêng, quyết tâm, xung phong sang Thổ Nhĩ Kỳ thực hiện nhiệm vụ.

Thủ tướng nhấn mạnh, việc tham gia tìm kiếm, cứu nạn cứu hộ đã đóng góp, chia sẻ sức lực của Việt Nam đối với nhân dân Thổ Nhĩ Kỳ, là biểu hiện sinh động cho chính sách đối ngoại ưu việt, trách nhiệm và tinh thần đoàn kết quốc tế của Đảng, Nhà nước và nhân dân.

Đồng thời khẳng định uy tín, năng lực của Việt Nam trong giải quyết các vấn đề quốc tế, luôn luôn sẵn sàng chung tay giải quyết các vấn đề khó khăn, thách thức và duy trì môi trường hòa bình, ổn định vì sự hợp tác, phát triển ở khu vực và trên thế giới.

Cộng đồng quốc tế, Chính phủ và nhân dân Thổ Nhĩ Kỳ đánh giá cao, được nhân dân ta quan tâm theo dõi, động viên, khích lệ.

"Qua phương tiện truyền thông, tôi còn được biết những hành động giúp đỡ các nạn nhân như sẻ chia những bữa ăn, dựng lều, nhóm bếp sưởi hay trao đi những nụ cười, những giọt nước mắt, động viên, sự thăm hỏi cởi mở, chân thành… của các đồng chí. Những kỷ niệm, hình ảnh các đồng chí thực hiện nhiệm vụ không quản ngày đêm, trong môi trường khắc nghiệt, đối mặt với hiểm nguy từ các đợt rung chấn sẽ khắc sâu trong tâm trí các đồng chí, tâm trí người dân Thổ Nhĩ Kỳ và nhân lên niềm tự hào là người dân Việt Nam", Thủ tướng bày tỏ.

Theo Thủ tướng, qua việc tham gia cứu hộ, cứu nạn thảm họa động đất tại Thổ Nhĩ Kỳ vừa qua, có thể rút ra các bài học kinh nghiệm trong việc triển khai các hoạt động ở nước ngoài, đánh giá kỹ lưỡng về năng lực ứng phó các vấn đề an ninh phi truyền thống.

Khẳng định một Việt Nam nghĩa tình, trách nhiệm, đoàn kết quốc tế cao cả - Ảnh 10.

Thủ tướng trò chuyện với các chiến sĩ trong đoàn công tác tham gia cứu nạn, cứu hộ. 

Thời gian tới, biến đổi khí hậu sẽ ngày càng diễn biến cực đoan, phức tạp, khó lường; dẫn đến nhiệm vụ hỗ trợ nhân đạo, cứu nạn, cứu hộ là rất lớn với yêu cầu ngày càng cao. Thủ tướng lưu ý, cần xác định công tác cứu nạn, cứu hộ trong thảm họa thiên tai đóng vai trò, vị trí quan trọng; là nhiệm vụ trong hệ thống phòng thủ dân sự quốc gia.

Thủ tướng yêu cầu, cần chủ động về lực lượng và phương tiện để ứng phó với các tình huống khẩn cấp có thể xảy ra. Tăng cường công tác phối hợp, hiệp đồng chặt chẽ giữa các bộ, ngành, địa phương; xây dựng cơ chế chỉ huy, điều hành ứng phó với các tình huống sự cố thiên tai, tìm kiếm cứu nạn, cứu hộ, không để bị động, bất ngờ...

Minh Thu và nhóm PV, BTV