Ngày 9/9, trao đổi với PV VietNamNet, Thượng tá Hồ Chí Thanh, Phó trưởng phòng Cảnh sát PCCC và CNCH - Công an Khánh Hòa, cho biết karaoke là ngành nghề kinh doanh có điều kiện, nơi có nhiều người tập trung vui chơi, giải trí, song cũng tiềm ẩn nhiều nguy hiểm, rủi ro.
“Vì thế, đối với các cơ sở karaoke, đơn vị thẩm định, duyệt PCCC rất nghiêm ngặt”, Thượng tá Thanh nói.
Theo quy định, cơ sở karaoke khi vào hoạt động phải đảm bảo an toàn PCCC và đủ điều kiện kinh doanh, phù hợp với quy hoạch về karaoke được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt. Khi muốn xây quán karaoke, chủ cơ sở phải lập hồ sơ thiết kế, trình cơ quan chức năng, trong đó có Cảnh sát PCCC thẩm duyệt ban đầu (như giấy phép đầu tư; hồ sơ thiết kế; các phương án phòng cháy - nổ; đơn đề nghị cấp giấy phép kinh doanh karaoke trong đó ghi rõ địa điểm kinh doanh, số phòng, diện tích từng phòng).
Cùng với đó, xuyên suốt quá trình xây dựng, cơ quan chức năng thường xuyên kiểm tra. Công trình hoàn thiện, Cảnh sát PCCC phải thực hiện nghiệm thu về điều kiện an toàn PCCC và an ninh trật tự, cùng những vấn đề khác. Cơ sở karaoke chỉ hoạt động khi đủ điều kiện theo quy định.
Thượng tá Thanh nhấn mạnh, trên cơ sở đáp ứng đầy đủ các quy định của pháp luật về quy hoạch được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt; về địa điểm kinh doanh, phòng hát, âm thanh, áng sáng, tiếng ồn và có cam kết về trật tự an ninh; được sự đồng ý bằng văn bản của các hộ dân liền kề, người đề nghị đăng ký kinh doanh cơ sở karaoke gửi hồ sơ để xin giấy phép kinh doanh lên Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch hoặc cơ quan cấp huyện được phân công cấp giấy phép đăng ký kinh doanh.
Cảnh sát PCCC sẽ kiểm tra định kỳ một năm 2 lần với các cơ sở kinh doanh karaoke để siết chặt, đảm bảo an toàn phòng cháy chữa cháy và xử lý nghiêm đối với các trường hợp cơ sở không đủ điều kiện phòng cháy, chữa cháy, an ninh trật tự.
Điều kiện kinh doanh karaoke
Thượng tá Thanh cho hay, điều kiện để kinh doanh phải hợp với quy hoạch về karaoke được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt. Trong đó, phòng hát phải có diện tích sử dụng từ 20 m2 trở lên, không kể công trình phụ, đảm bảo điều kiện về cách âm, phòng, chống cháy nổ. Cửa phòng karaoke phải là cửa kính không màu, bên ngoài nhìn thấy toàn bộ phòng.
Ngoài ra, các phòng karaoke không được đặt khóa, chốt cửa bên trong hoặc đặt thiết bị báo động để đối phó với hoạt động kiểm tra của cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Các cơ sở karaoke buộc phải trang bị hệ thống chữa cháy tự động; cơ sở phải tổ chức huấn luyện cho người sống và làm việc kiến thức PCCC, hướng dẫn họ sử dụng thành thạo phương tiện chữa cháy đã được trang bị và kỹ năng thoát nạn khi có cháy.
Cũng theo Thượng tá Thanh, đa số cơ sở kinh doanh karaoke được thiết kế dạng hình hộp, sử dụng nguồn điện nhiệt lớn với âm thanh cực lớn; hệ thống đèn laser luôn hoạt động liên tục. Do vậy, quán karaoke phải được thiết kế đảm bảo có lối thoát nạn và bố trí phân tán, đây là một trong những điều kiện đảm bảo yêu cầu hoạt động.
Các cơ sở karaoke phải trang bị hệ thống điện trung tâm, gồm tủ điện tổng chính cho cả tòa nhà được lắp aptomat và phải có đèn cảnh báo, chuông PCCC. Cùng với đó, ở mỗi tầng đều có các tủ điện khác nhau. Trường hợp khi tầng này xảy ra sự cố cháy, thì hệ thống điện tại đây tự động ngắt. Còn các tầng khác hệ thống điện vẫn hoạt động.
Tuy nhiên, theo Thượng tá Thanh, hệ thống điện này có khi cũng xảy ra sự cố không tự ngắt điện với nhiều lý do, bởi có thể hoạt động điện lâu ngày nhưng chủ cơ sở không kiểm tra, điện gặp sự cố mà không hề biết, vì thế Cảnh sát PCCC phải thường xuyên nhắc nhở để các cơ sở kinh doanh karaoke lưu ý.
“Trường hợp Cảnh sát PCCC nhận tin báo cháy, đơn vị sẽ liên hệ với điện lực cắt điện khu vực đó để khoanh vùng, phục vụ công tác dập lửa, cứu người”, Thượng tá Thanh nói.