Theo VNNIC, việc cung cấp rộng rãi dịch vụ IPv6 tới người sử dụng đã góp phần đảm bảo cho hoạt động Internet Việt Nam bắt kịp với xu thế công nghệ mới (Ảnh minh họa: Internet) |
Hội thảo Ngày IPv6 Việt Nam (Vietnam IPv6 Day) được tổ chức thường niên vào ngày 6/5 hàng năm, do Ban công tác thúc đẩy phát triển IPv6 quốc gia tổ chức dưới sự bảo trợ của Bộ TT&TT.
Trung tâm Internet Việt Nam – VNNIC, cơ quan thường trực Ban công tác thúc đẩy phát triển IPv6 quốc gia vừa chính thức thông tin về kế hoạch tổ chức hội thảo Ngày IPv6 Việt Nam năm 2019.
Có chủ đề “Chuyển đổi, cung cấp dịch vụ sử dụng IPv6 trong các cơ quan, tổ chức nhà nước và các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ nội dung số”, hội thảo Ngày IPv6 Việt Nam 2019 sẽ được tổ chức vào ngày 6/5 tới tại Hà Nội.
Dự kiến có sự tham dự của hơn 300 đại biểu gồm đại diện lãnh đạo Bộ TT&TT, Ban công tác thúc đẩy IPv6 quốc gia, các cơ quan thuộc Bộ TT&TT, các Sở TT&TT, Cục CNTT của các bộ, ngành cùng đông đảo doanh nghiệp ICT, hội thảo Ngày IPv6 Việt Nam năm nay sẽ tập trung vào các vấn đề chính như: đánh giá chặng đường hơn 10 năm thúc đẩy phát triển IPv6 và kinh nghiệm, thành tựu đạt được; các đơn vị tiên phong đi đầu trong lĩnh vực này chia sẻ các kinh nghiệm, giải pháp chuyển đổi IPv6 ở cơ quan nhà nước, các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ IDC, cloud, nội dung trực tuyến.
Theo chương trình dự kiến, hội thảo Ngày IPv6 Việt Nam năm nay sẽ gồm có 2 phiên chuyên đề: Triển khai, ứng dụng IPv6 tại các cơ quan, tổ chức nhà nước; Triển khai, ứng dụng IPv6 tại các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ IDC, cloud, báo điện tử…
Đặc biệt, Ban tổ chức cho biết, một điểm nhấn trong chương trình hội thảo Ngày IPv6 Việt Nam 2019 là lễ khai trương chính thức chuyển đổi IPv6 các Cổng thông tin của các tỉnh, thành phố, các cơ quan nhà nước, các nhà cung cấp dịch vụ nội dung, đánh dấu giai đoạn Việt Nam chính thức sử dụng và cung cấp dịch vụ trên nền IPv6.
Thông tin từ VNNIC cũng cho hay, năm 2019 là năm cuối của giai đoạn 3, từ năm 2016 - 2019, của Kế hoạch hành động quốc gia về IPv6. Đây là giai đoạn cuối cùng, quan trọng, Việt Nam sẽ chính thức chuyển đổi các dịch vụ sang hoạt động trên nền IPv6.
Trong những năm qua, bám sát thực hiện theo kế hoạch hành động quốc gia về IPv6, Việt Nam đã đạt được nhiều kết quả lớn trong triển khai, ứng dụng IPv6. Tính đến thời điểm hiện tại, tỷ lệ ứng dụng IPv6 tại Việt Nam đang tăng nhanh, đạt xấp xỉ 34%, đứng thứ 13 trên thế giới, thứ 6 khu vực châu Á – Thái Bình Dương (sau Ấn Độ, Mỹ, Malaysia, Đài Loan và Nhật Bản), đứng thứ 2 khu vực ASEAN, với hơn 16 triệu người sử dụng IPv6.
“Việc cung cấp rộng rãi dịch vụ IPv6 tới người sử dụng đã góp phần đảm bảo cho hoạt động Internet Việt Nam bắt kịp với xu thế công nghệ mới”, VNNIC nhấn mạnh.