Thế hệ nối tiếp thế hệ, chiến công nối tiếp chiến công 

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đánh giá, Thái Nguyên có vị trí chiến lược rất quan trọng, là địa phương giàu truyền thống yêu nước và cách mạng, nơi lưu giữ nhiều giá trị văn hóa đặc sắc của đồng bào các dân tộc. Trong lịch sử đấu tranh giữ nước và dựng nước, Thái Nguyên đóng vai trò là phên dậu, vừa là hậu phương vững chắc để quân dân ta chống giặc ngoại xâm…

“Thế hệ nối tiếp thế hệ, chiến công nối tiếp chiến công đã tô đẹp thêm những trang sử vàng về truyền thống hào hùng của mảnh đất và con người Thái Nguyên”, Tổng Bí thư nhấn mạnh.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng

Bày tỏ vui mừng trước sự phát triển mạnh mẽ của Thái Nguyên trong những năm qua, Tổng Bí thư ghi nhận những nỗ lực của tỉnh đã thực hiện tốt mục tiêu kép vừa chống dịch, vừa phát triển kinh tế, tốc độ tăng trưởng gần 8,6%, cao hơn mức bình quân của cả nước. 

Đặc biệt, thu nhập bình quân đầu người năm 2022 đạt 107 triệu đồng, cao hơn 12 triệu so năm 2021.  Tổng thu ngân sách hơn 19.000 tỷ đồng, cao nhất từ trước đến nay. 

Ghi nhận, con số này rất ấn tượng, là sự nỗ lực cố gắng rất lớn, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đề nghị cả hội trường vỗ tay khích lệ, biểu dương những kết quả đạt được của tỉnh Thái Nguyên.

Tiếp đó, Tổng Bí thư đọc 4 câu thơ nói về Thái Nguyên:

“Thái Nguyên đệ nhất danh trà 

Nước xanh như cốm đậm đà tình quê 

Dẫu xa ngàn dặm sơn khê 

Hương thơm quấn quýt lối về đường đi”

Theo Tổng Bí thư, ngày xưa lên Thái Nguyên heo hút nhưng bây giờ lên đây thấy không kém gì thủ đô Hà Nội. Dù là tỉnh miền núi, Thái Nguyên đang là địa phương tiên phong trong chuyển đổi số trên cả 3 lĩnh vực chính quyền số, kinh tế số và xã hội số, đã và đang tác động tích cực đến đời sống xã hội. 

Tổng Bí thư đề nghị cả hội trường vỗ tay khích lệ, biểu dương những kết quả đạt được của Thái Nguyên

Hiện nay, Thái Nguyên đứng thứ 8/63 tỉnh, thành phố về chuyển đổi số và là tỉnh đứng đầu trong việc thực hiện hiệu quả đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh cá nhân và xác thực điện tử, phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025 và tầm nhìn 2030.

Sớm trở thành Trung tâm kinh tế công nghiệp lớn, hiện đại

Bên cạnh đó, Tổng Bí thư cũng lưu ý một số hạn chế như tăng trưởng còn phụ thuộc vào FDI; quản lý đất đai, tài nguyên, khai thác khoáng sản còn để xảy ra sai phạm… Một số cán bộ chưa thực hiện vai trò nêu gương, cá biệt có một số lãnh đạo chủ chốt của tỉnh vi phạm bị xử lý hình sự. Tổng Bí thư đề nghị tỉnh chấn chỉnh, khắc phục những khuyết điểm này.

Về nhiệm vụ 2023, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng lưu ý, dự báo còn nhiều khó khăn, thách thức. Vì vậy, cần nhận thức sâu và đúng tình hình chung, xác định lợi thế của tỉnh nhà để tập trung lãnh đạo, chỉ đạo phát triển kinh tế xã hội mạnh mẽ hơn nữa.

Tổng Bí thư hoan nghênh đề nghị của Bí thư Tỉnh ủy Thái Nguyên Nguyễn Thanh Hải về việc đặt bức tượng “Bác Hồ cưỡi ngựa ở ATK Định Hoá” tại quảng trường khu Trung tâm Hành chính của tỉnh

Tổng Bí thư đề nghị tỉnh tập trung ưu tiên các nguồn lực, tổ chức thực hiện tốt 5 định hướng lớn, trong đó đặc biệt quan tâm làm tốt công tác quy hoạch. Đồng thời, tỉnh cần xác định rõ vị trí tiềm năng của tỉnh trong vùng, coi trọng liên kết vùng để tạo động lực phát triển Thái Nguyên nhanh, bền vững, có kết cấu hạ tầng đồng bộ, sớm trở thành tỉnh công nghiệp theo hướng hiện đại.

Tổng Bí thư cũng lưu ý, Thái Nguyên thực hiện tốt chủ trương phát triển nhà ở cho công nhân, người lao động có thu nhập thấp, thực hiện giảm nghèo bền vững,… Trước mắt, cần quan tâm chăm lo tốt hơn nữa các gia đình chính sách, hộ nghèo, người có công và toàn dân ngày càng cải thiện, nâng cao cuộc sống, trước mắt là vui xuân đón Tết Quý Mão thật vui tươi, an toàn, lành mạnh và tiết kiệm.

Tổng Bí thư chỉ đạo, trong mọi chiến lược, chương trình kế hoạch của tỉnh cần hết sức chú ý kết hợp chặt chẽ quốc phòng an ninh với phát triển kinh tế…

Bên cạnh đó, Tổng Bí thư yêu cầu Thái Nguyên làm tốt hơn nữa công tác xây dựng chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị. Vì đây là vấn đề có tính chất quyết định.

"Phải phát huy đoàn kết nội bộ, tạo sự thống nhất đồng thuận cao trong nhân dân; xây dựng khối đại đoàn kết trong nhân dân ngày càng vững chắc; không ngừng đổi mới trong phương thức lãnh đạo của Đảng; xây dựng hệ thống chính trị thật sạch vững mạnh toàn diện", Tổng Bí thư nói.

Tổng Bí thư nhấn mạnh việc kiên quyết ngăn chặn đẩy lùi các hiện tượng tiêu cực; xử lý nghiêm những cán bộ, đảng viên suy thoái… Bởi xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị là vấn đề then chốt của then chốt. 

Tổng Bí thư bày tỏ vui mừng trước những kết quả đạt được và tin tưởng Thái Nguyên sẽ tiếp tục đoàn kết chung sức đồng lòng thực hiện thắng lợi, hoàn thành vượt mức các mục tiêu, nhiệm vụ đã đề ra để Thái Nguyên sớm trở thành Trung tâm kinh tế công nghiệp lớn, hiện đại của khu vực trung du miền núi phía Bắc.

Kết thúc phát biểu, Tổng Bí thư nhắc lại 3 câu thơ của Tố Hữu trong bài thơ Việt Bắc nhắc về hình ảnh Bác Hồ cưỡi ngựa ở ATK Định Hoá.

“Ung dung yên ngựa trên đường suối reo.

Nhớ chân Người bước lên đèo,

Người đi rừng núi trông theo bóng Người…”

Bí thư Tỉnh ủy Thái Nguyên Nguyễn Thanh Hải

Phát biểu đáp từ sau đó, Bí thư Tỉnh ủy Thái Nguyên Nguyễn Thanh Hải dẫn lại 4 câu thơ:

Nước trôi, lòng suối chẳng trôi

Mây đi mây vẫn nhớ hồi về non

Đá mòn nhưng dạ chẳng mòn 

Chàm nâu thêm đậm, phấn son chẳng nhòa

“Xin hứa với đồng chí Tổng Bí thư cùng toàn thể các đồng chí, tập thể lãnh đạo tỉnh Thái Nguyên sẽ đoàn kết một lòng, toàn tâm toàn ý phấn đấu, nỗ lực vì một Thái nguyên luôn bình yên, luôn sung túc, luôn hạnh phúc và ngày càng phát triển”, Bí thư Nguyễn Thanh Hải cam kết.

Báo cáo với Tổng Bí thư trước đó, Bí thư tỉnh ủy Thái Nguyên Nguyễn Thanh Hải nhắc lại mong muốn của Bác Hồ “Xây dựng Thái Nguyên trở thành một trong những tỉnh giàu có và phồn thịnh nhất miền Bắc nước ta”.

Đây cũng chính là động lực là niềm tin để toàn thể Đảng bộ, chính quyền và Nhân các dân tộc trong tỉnh Thái Nguyên luôn đoàn kết, nỗ lực, đồng lòng, chung sức phấn đấu xây dựng vì một tỉnh Thái Nguyên phồn thịnh.

Nhờ đó trong thời gian qua, tỉnh Thái Nguyên đã đạt được nhiều kết quả phát triển vượt bậc về kinh tế - xã hội. Từ một tỉnh miền núi nghèo đến nay Thái Nguyên đã lọt vào nhóm 18 tỉnh thu ngân sách cao nhất toàn quốc.

“Chúng tôi luôn tâm niệm rằng trong triển khai thực hiện nhiệm vụ phải luôn nỗ lực, quyết tâm, nhiệt huyết, phải Nóng nhưng tuyệt đối không được Vội; Nhanh nhưng tuyệt đối không được Ẩu; và chủ động trong mọi tình huống nhưng tuyệt đối không được chủ quan”, Bí thư Tỉnh ủy Thái Nguyên nhấn mạnh.

Theo bà Hải, với chủ trương đúng, quyết tâm cao, hành động quyết liệt chắc chắn sẽ gặt hái được hoa thơm và trái ngọt. 

Cụ thể tăng trưởng năm 2022 của tỉnh đạt 8,59%, cao hơn bình quân chung cả nước (8,02%). 

Tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa năm 2022 đạt 49,37 tỷ USD, cán cân thương mại đạt mức xuất siêu 12,6 tỷ USD cao nhất từ trước tới nay, tổng kim ngạch xuất khẩu đạt trên 31 tỷ USD (đứng thứ 4 cả nước, liên tục 4 năm sau TP. Hồ Chí Minh, Bình Dương, Bắc Ninh). 

Thu ngân sách năm 2021 đạt 18 nghìn tỷ và năm 2022 đạt trên 19.160 tỷ đồng, cao nhất từ trước đến nay, vượt 30% so với kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao.

Thái Nguyên đứng thứ 17 tỉnh, thành phố có số thu nội địa cao trong cả nước; năm 2023, Thái Nguyên sẽ tự cân đối ngân sách và có điều tiết số thu về Trung ương, về đích trước 2 năm theo Nghị quyết Đại hội.

Đến nay, tổng số dự án FDI còn hiệu lực trên địa bàn là 171 dự án với tổng vốn đầu tư đăng ký gần 10,3 tỷ USD. Riêng trong năm 2021, Tập đoàn Samsung đã tăng vốn đầu tư thêm 1,3 tỷ đô la.

GRDP bình quân đầu người đạt 95,1 triệu đồng (tương đương 4.121,8 USD/người/năm), bằng 97% kế hoạch, tăng 6,4 triệu đồng/người so với năm 2020.

Thái nguyên có 100.000 ô tô/1,3 triệu dân, hiện là tỉnh có tỷ lệ sở hữu ô tô cao nhất cả nước. cứ 10 hộ dân thì có hơn 1 hộ có ô tô.

Tỷ lệ hộ nghèo giảm mạnh hiện chỉ còn trên 4% theo chuẩn mới (2015 tỷ lệ là 14%).